Ấm áp những tấm lòng thiện nguyện

Những ngày này, người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đang chung sức, đồng lòng cùng đảng và Chính phủ phòng, chống dịch covid-19. Không chỉ bằng những lời nói, hành động quyết tâm ngăn chặn dịch, mà còn bằng cả những tấm lòng thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân góp phần động viên chia sẻ kịp thời những người dân gặp khó khăn, tô thắm truyền thống nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam.

 Người có hoàn cảnh khó khăn nhận thực phẩm tại điểm trao tặng của UBND phường Trúc Bạch (Ba Ðình, Hà Nội). Ảnh: Ðăng Anh
Người có hoàn cảnh khó khăn nhận thực phẩm tại điểm trao tặng của UBND phường Trúc Bạch (Ba Ðình, Hà Nội). Ảnh: Ðăng Anh

Dịch Covid-19 bùng phát khiến cho cuộc sống của những người nghèo thêm chật vật với gánh nặng mưu sinh. Trong khó khăn, đã xuất hiện nhiều hành động thiết thực và ý nghĩa, khiến mọi người càng thêm thấm thía cái đẹp của tình người, tình đời. Những câu chuyện cảm động, hào sảng dang tay đùm bọc, sẻ chia đang lan tỏa nhắc chúng ta biết trân trọng những gì đang có và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Thật cảm kích và xúc động trước những hình ảnh đẹp đẽ của các chiến sĩ quân đội, công an đang ngày đêm vì dân quên mình, với những hy sinh thầm lặng khó mà đong đếm hết, những giấc ngủ vội giữa giờ giao ca tuần tra, canh gác. Lán trại các anh nằm để nhường chỗ ở tốt nhất cho đồng bào thực hiện cách ly, góp phần dập dịch, tất cả là vì bình yên của nhân dân. Bằng những việc làm, hành động cụ thể, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện sản xuất, cấp phát khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí, thiết thực giúp đỡ đồng bào mình. Mầu áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ, sắc phục trang nghiêm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang lại kịp thời xuất hiện trên các địa bàn, mang đến những tấm lòng đáng trân trọng, đồng hành sát cánh cùng người dân trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh. Mỗi người ở những vị trí công tác, từ các miền quê khác nhau, nhưng đều có chung nghĩa cử vì cộng đồng. Những hành động đẹp đó là minh chứng sinh động về tình yêu thương, nghĩa đồng bào của người dân đất Việt.

Hình ảnh "Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn, hãy lấy một gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác". Dòng chữ trên gần đây đã xuất hiện trên nhiều địa điểm ở Hà Nội, trong mùa dịch Covid-19. Cùng với đó, gần 3.000 người nghèo nhận được gạo miễn phí và khoảng bốn đến năm tấn gạo được phát đi mỗi ngày là những con số ấn tượng đến từ sáng kiến "ATM gạo" miễn phí hoạt động cả 24 giờ ở địa chỉ số 204B Vườn Lài, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Ý tưởng độc đáo này do anh Hoàng Tuấn Anh, chủ một công ty về cảm biến vân tay sáng tạo nên. Chỉ trong vòng tám tiếng đồng hồ, anh và các đồng nghiệp đã cho ra sản phẩm, gồm một bồn chứa gạo được đặt trên mái nhà và hệ thống ống dẫn kết nối với trụ máy đặt trên vỉa hè. Người dân chỉ cần ấn nút trên máy, gạo sẽ chảy ra, mỗi lần được khoảng 1,5 kg. Ý tưởng đặc biệt này vừa giúp cho những người lao động nghèo có cái ăn trong lúc khó khăn mà vẫn bảo đảm tuân thủ quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Chiếc "ATM gạo" này không chỉ luôn tuôn trào gạo, mà còn tràn đầy cả lòng nhân ái khi ngày càng có nhiều tấm lòng thảo thơm mang gạo đến cùng chung sức, đồng hành cùng những người nghèo vượt qua hoàn cảnh khó khăn… Và đó là cô bé Nguyễn Ngọc Trinh (học sinh lớp 4, Trường tiểu học Ðoàn Thị Ðiểm, Hà Nội) trước đại dịch đã biết chia sẻ tấm lòng thơm thảo của mình, dùng số tiền mừng tuổi (hơn ba triệu đồng) gửi tới Thành đoàn Hà Nội với mong muốn cùng các anh chị đoàn viên, thanh niên Thủ đô mua khẩu trang, nước rửa tay phát miễn phí cho người dân, thanh thiếu nhi Hà Nội… "Thương người như thể thương thân", nữ "đại gia chân đất" ở Bắc Giang Trần Thị Bích Thủy đã ủng hộ 50 tấn gạo cho các đơn vị tuyến đầu chống dịch Covid-19. Hành động cảm kích này bắt nguồn khi bà Thủy được chứng kiến những vất vả của lực lượng bác sĩ, bộ đội trong công tác phòng, chống dịch.

Thật ấm áp biết bao khi cuộc chiến nhiều khó khăn này còn có sự chia sẻ, giúp đỡ cả tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam… đã ủng hộ để thành lập Quỹ phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với lời kêu gọi phòng, chống dịch Covid-19, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt nam đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ cộng đồng thông qua việc phát miễn phí đến người dân 10 nghìn khẩu trang, 300 chai nước rửa tay, và 1.000 tờ rơi tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại Hà Nội. Bên cạnh đó, còn rất nhiều nhà hảo tâm, nghệ sĩ, diễn viên trong cả nước đã chủ động đóng góp, thể hiện tấm lòng thơm thảo, chung sức cùng cộng đồng chống lại đại dịch. Sự ủng hộ không chỉ bằng vật chất, mà còn mang giá trị tinh thần tăng lên mỗi ngày, mỗi giờ đã thể hiện sự đồng cam cộng khổ, tương thân tương ái của người dân cả nước trong tình cảnh dịch bệnh.

Trong khó khăn, hoạn nạn, tình người càng thêm ấm áp với những nghĩa cử cao đẹp. Tinh thần "nhường cơm xẻ áo", đùm bọc lẫn nhau như tiếp thêm nguồn năng lượng quý giá để toàn dân chung sức chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh. Dẫu con đường phía trước còn không ít khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng, sự sẻ chia đùm bọc của người dân cả nước, chắc chắn Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19.

"Ðóng góp vì mục tiêu chung khi đất nước cần" không còn là khẩu hiệu mà đã biến thành hành động dễ nhận thấy trong xã hội những ngày qua. Những việc làm thiện nguyện, những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân trên cả nước không thể kể hết trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19. Chỉ biết rằng, những hành động đó đang ngày càng lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc.

Trần Thu Hằng

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Dịch Covid-19 đã tác động đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, khiến biết bao người dân nghèo mất việc làm, phải đối mặt với cuộc sống muôn vàn khó khăn. Với những chương trình thiện nguyện, hy vọng đem đến cho mọi người lòng tin vào cộng đồng, chung tay chia sẻ với nhau trong lúc khó khăn, đồng lòng cùng vượt qua đại dịch.

Anh Minh

Thành viên nhóm thiện nguyện, TP Hồ Chí Minh

Thật xúc động và không biết nói gì hơn. Những suất cơm miễn phí, những món quà tuy không lớn, nhưng đã gửi gắm nhiều tình cảm, sự động viên đối với những người nghèo cùng vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Những hành động nhân văn này khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.

Ông Trần Hữu Quang

(Quận Ba Ðình, Hà Nội)