Vĩnh biệt đạo diễn tài danh của chính kịch

Những năm đầu thế kỷ 21, sân khấu Hà Nội cùng lúc dàn dựng ba vở kịch của Shakespeare: Hamlet, Othello và Macbeth. Người hâm mộ hồi hộp vì lần đầu tiên chứng kiến bi kịch tình yêu nức tiếng của cặp đôi Othello và Desdemona trên sân khấu tuồng truyền thống, lại qua biệt tài biến hóa điêu luyện mà vẫn nghiêm cẩn, mực thước của đạo diễn Xuân Huyền. “Chắc chắn sẽ hay”, Xuân Huyền khẳng định.

Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Điệu cười tủm tỉm, ánh mắt nheo nheo, chất giọng xứ Nghệ nằng nặng, ông luôn gieo được lòng tin nơi những người yêu mến mình: “Làm hay mới dễ chứ làm dở khó lắm, muốn dở cũng không dở được”. Nguyên là học sinh khóa 1 Trường Sân khấu Việt Nam, từng nhiều năm làm “kép tướng” của Đoàn tuồng liên khu 5, học đạo diễn ở Liên Xô, về nước rồi làm thầy, tung hoành trên các sân khấu khắp miền bắc, nhưng đi đâu ở đâu, ông vẫn dành nhiều tâm huyết cho tuồng. Kỹ tính và hồn hậu, trong mỗi vở diễn, Xuân Huyền luôn tìm đúng diễn viên vào vai, luôn tận tâm tận lực khiến một gương mặt chưa mấy ai biết tới có cơ hội tỏa sáng. Có duyên với các nhân tố mới, ở hội diễn sân khấu nhỏ toàn quốc Ninh Bình năm 1996 - một sự kiện mà đến tận bây giờ giới làm nghề còn nhắc đến. Đạo diễn Xuân Huyền cùng ê-kíp đang độ thanh xuân của Nhà hát Tuổi trẻ, những Lê Khanh, Anh Tú… đã chắp cánh cho nữ tác giả Lê Thu Hạnh trở nên tên tuổi được quan tâm ngay từ kịch bản đầu tay Bến bờ xa lắc. Cũng tương tự thế, Nhà có ba chị em gái của cây bút nữ Thu Phương (thành phố Hồ Chí Minh) ăn khách bậc nhất trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ hồi giữa thập niên đầu tiên thế kỷ này.

Trong gia tài chừng 300 vở diễn mà Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Xuân Huyền làm đạo diễn, ông đã tạc được phong cách của riêng mình. Sân khấu của Xuân Huyền cũng như con người ông: khúc triết, quyết liệt, gọn ghẽ mà vẫn rất duyên, rất thâm trầm đúng chuẩn đồ Nghệ. Xuân Huyền tránh dùng số đông diễn viên để áp đảo, ông dường như hợp với dựng vở cho các đoàn nghệ thuật, nhà hát nghèo vì luôn biết “liệu cơm gắp mắm”, tiết chế tối đa phục trang, cảnh trí có thể tạo hiệu ứng thị giác. Gay gắt cực đoan đến khó tính, “không lấy sân khấu để mưu sinh”, đích nhắm đến của Xuân Huyền là một vở diễn hay, truyền tải được thông điệp mà ông gửi gắm và hơn nữa, có “đất” cho diễn viên tự tin, thỏa sức thể hiện tài năng của mỗi người. Sân khấu với Xuân Huyền đích thực là “thánh đường” nghệ thuật, nơi công chúng tới để làm giàu thêm tâm hồn mình. Quan niệm thế, nên Xuân Huyền hầu như chỉ dựng chính kịch, ông không ngần ngại đụng chạm vào các vấn đề nóng rẫy của cuộc sống. Tuy nhiên, dù luôn từ chối dựng hài kịch, nhưng chính kịch của Xuân Huyền lại chứa đầy chất hài hước sâu cay, hay nói khác đi, ông biết cách làm cho người xem nghiêng ngả cười, vỗ tay cười ngay ở những cao trào căng thẳng nhất của xung đột kịch. Nghiêm túc, tự trọng với nghề, Xuân Huyền luôn đòi hỏi cộng sự, học trò của mình một thái độ như thế, vì vậy ông luôn được học trò yêu mến, kính nể. Biểu hiện ấy thể hiện bằng liên hoan “NSND Xuân Huyền - Mùa xuân và sân khấu kịch Việt Nam” tổ chức nhiều đêm tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội) năm 2012, mừng tuổi tròn 70 của ông. Nhắc đến Xuân Huyền là nhắc đến bộ ba đạo diễn tài danh Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Lê Hùng, trụ cột của sân khấu phía bắc những năm từ 1990 đến sau 2000, một tiếp nối của bộ ba tiền bối thời kỳ trước đó: NSND Đình Quang, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Dương Ngọc Đức…

Sinh năm 1942 tại Thanh Chương, Nghệ An, NSND Xuân Huyền đã dành trọn cuộc đời mình để phụng sự nghệ thuật sân khấu mà ông đam mê, đắm đuối và giữ gìn. Số phận trớ trêu buộc ông phải xa rời sân khấu ngay lúc còn hừng hực ngọn lửa nghề, một cơn tai biến đã làm sân khấu thiếu đi một cốt cách đĩnh đạc đường hoàng, một tài năng độc đáo. Sau nhiều năm mang trọng bệnh, NSND - đạo diễn Xuân Huyền đã qua đời ngày 27-11 tại Hà Nội, để lại nỗi trống vắng không nhỏ trong lòng những người yêu sân khấu. Sự ra đi của NSND Xuân Huyền, cũng như sự ra đi của NSND Anh Tú cách đây chưa lâu, không đơn thuần là những nghệ sĩ chia tay cõi tạm về chốn vĩnh hằng, mà còn đọng cảm giác mất mát - một mất mát khó lòng bù đắp về một ký ức sân khấu đích thực.