Từ chiến hào vào trang sách

Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 65 năm trước, có những cán bộ, chiến sĩ sau này đã trở thành những nhà văn, cây viết của Quân đội. Chiều 7-5-1954, khi lá cờ Quyết chiến, quyết thắng của quân ta kiêu hãnh tung bay trên nóc hầm của tướng Đờ Ca-xtơ-ri báo hiệu Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng, thì tuổi đời của họ còn rất trẻ. Người nhiều tuổi nhất mới 28, đã làm chính trị viên tiểu đoàn, người ít nhất vừa mới bước vào tuổi 20, nhưng đã chỉ huy một trung đội xung kích...

Các cây bút từ Chiến dịch Điện Biên Phủ trở về gặp nhau tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ảnh tư liệu
Các cây bút từ Chiến dịch Điện Biên Phủ trở về gặp nhau tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ảnh tư liệu

Năm tháng trôi qua, cứ mỗi dịp tháng năm về, khi hoa ban, hoa mận nở trắng núi rừng Tây Bắc thì những trang viết, những trang đời trận mạc của họ lại trở về trong tâm trí người đọc với những kỷ niệm về một thời trai trẻ, trận mạc, về những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ oai hùng chưa xa.

Chính Hữu (1926 - 2007), tên thật là Trần Đình Đắc, sinh năm 1926, nổi tiếng với những bài thơ Đồng chí, Ngọn đèn đứng gác, Ngày về, Đêm Hà Nội, Giá từng thước đất... Khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chính Hữu là chính trị viên Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Đại đoàn Quân tiên phong. Ông có lần kể, nhiều ngày đêm liên tục, ông và đồng đội vừa giữ đất vừa đánh địch để tiến vào trung tâm Mường Thanh. Là chính trị viên, hằng ngày ông phải chăm nom, chôn cất đồng đội hy sinh. Ông nhận xét: “Bạn tôi không có một người nào chết trong tư thế nằm ngủ, trong tư thế nghỉ ngơi. Họ hy sinh trong khi đang bắn hoặc ôm bộc phá xông lên... Khi bạn ta lấy thân mình đo bước/Chiến hào đi/Ta mới hiểu giá từng thước đất. Ông cho biết thêm, những câu thơ trong bài “Giá từng thước đất” như: “Bạn ta đó/ Ngã trên dây thép ba tầng/ Một bàn tay chưa rời báng súng,/ Chân lưng chừng nửa bước xung phong./ Ôi những con người mỗi khi nằm xuống/ Vẫn nằm trong tư thế tấn công!” là những hình ảnh đeo đuổi suốt đời ông. Ông công tác ở quân đội, quân hàm đại tá, từng giữ chức Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị, rồi chuyển ngành qua Hội Nhà văn Việt Nam, làm Phó Tổng Thư ký thường trực.

Cùng đơn vị với Chính Hữu, nhà văn Hữu Mai (1926 - 2007) tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ khi tuổi đời chưa đến 30. Trước khi tham gia chiến dịch, ông là Tổng Biên tập Báo Quân tiên phong (báo của Đại đoàn 308), được đông đảo bộ đội biết tới với những truyện ngắn, ký sự, thơ viết về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông là đại tá, biên tập viên sáng lập của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, là thành viên lãnh đạo Hội Nhà văn khóa III, IV. Nhắc tới ông, bạn đọc không thể không nhắc tới những trang viết về Điện Biên như: “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ”, “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” (thể hiện hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), và tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng”… Nói về tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng”, Đại tướng Hoàng Văn Thái đánh giá cao tính chân thật lịch sử và diễn biến, nhân vật đã tạo nên sức cuốn hút người đọc: “Cuốn sách đã rung động tôi vì nó đã phản ánh được khá trung thực cuộc chiến đấu và những con người đã viết nên một trang sử chói lọi của dân tộc”...

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (2004) nhà văn bắt tay viết cuốn tiểu thuyết lịch sử “Không phải huyền thoại” với cái nhìn toàn diện về Chiến dịch Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách nhân vật văn học. Cuốn sách được công bố sau khi ông qua đời (2007).

Nhà văn, Thiếu tướng Dũng Hà (1929 - 2011), nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là chính trị viên tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 374, Sư đoàn 316. Ông trực tiếp chỉ huy bộ đội tham gia đánh chiếm đồi A1, sau đó được phân công áp tải tù binh từ Điện Biên Phủ về Hải Thôn (Thanh Hóa). Ngay từ những ngày Điện Biên Phủ mới được giải phóng, ông đã có truyện ngắn “Đêm chiến hào” viết về những ngày đêm “đánh lấn” trong chiến dịch; sau đó là “Theo chồng”, một truyện ngắn viết về bộ đội làm kinh tế ở Điện Biên, được giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1959... Tác phẩm dày dặn nhất của ông viết về Điện Biên Phủ là tiểu thuyết “Mảnh đất yêu thương”, 400 trang kể về phong trào trở lại Điện Biên Phủ, lấy Tây Bắc là quê hương thứ hai của bộ đội ta những năm cuối thập niên 50, đầu 60. Ông tâm sự: “Với những người lính Điện Biên, mảnh đất Mường Thanh không chỉ là một “vựa lúa” nổi tiếng mà còn là một mảnh đất yêu thương”. Nhà văn Dũng Hà còn viết truyện ngắn “Cây số 42” kể về những ngày dẫn giải tù binh Pháp từ mặt trận Điện Biên về xuôi.

Khác với tướng Dũng Hà, Thiếu tướng Hồ Phương (sinh năm 1930) khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ không ở đơn vị bộ binh, không làm báo mặc dù đã nổi tiếng với các truyện ngắn “Lưỡi mác xung kích”, “Thư nhà”. Ông đến Điện Biên với tư cách là chính trị viên một đại đội pháo phòng không thuộc Sư đoàn 308. Riêng về đề tài Điện Biên Phủ, ông đã viết khá nhiều cuốn sách. Ông kể: “Ngay sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi đã viết một số ký sự chiến đấu về đơn vị. Năm 1957 tôi viết “Chuyện Tây ở Điện Biên Phủ” và “Lá cờ chuẩn đỏ thắm”. Tiếp đó, tôi viết mấy hồi ký liền cho các vị tướng Điện Biên mà tôi mến phục như: Vương Thừa Vũ, Vũ Lăng, Vũ Yên... Năm 1994, kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi viết tiểu thuyết 300 trang mang tựa đề “Cánh đồng phía Tây”. Cuốn sách này viết về trận đánh cuối cùng kết thúc chiến dịch, nhân vật là những chiến sĩ, những cán bộ trong đại đoàn thân yêu của tôi. Họ vào trận với những hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau, nhưng tinh thần và phẩm giá thì thật tuyệt vời...”.

Một điều thú vị, những chiến sĩ Điện Biên như Chính Hữu, Hữu Mai, Hồ Phương, Dũng Hà… sau ngày chiến thắng đều về Hà Nội công tác tại các cơ quan văn hóa, văn học nơi “phố nhà binh” Lý Nam Đế, tham gia sáng lập tờ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trở thành những cây bút tiêu biểu của văn học về người lính và chiến tranh cách mạng - một mảng đề tài đồ sộ và sáng đẹp nhất của văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ 20.