Diễn đàn Chủ nhật

Thách thức của âm nhạc khi khai thác vốn cổ

Thời gian gần đây, khi đời sống âm nhạc Việt Nam tràn ngập những ca khúc sáng tác na ná kiểu nhạc Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, đã và đang xuất hiện các sản phẩm âm nhạc khai thác chất liệu văn hóa nghệ thuật truyền thống và văn học Việt Nam, thu hút sự quan tâm, yêu thích của đông đảo người yêu nhạc.

Trong đó phải kể đến các vi-đê-ô âm nhạc (MV): Cô đôi thượng ngàn của ca sĩ Tân Nhàn với âm hưởng chầu văn đậm đặc; Anh ơi ở lại của ca sĩ trẻ Chi Pu dựa theo truyện cổ tích Tấm Cám; Hết thương cạn nhớ của Đức Phúc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, Bùa yêu của ca sĩ Bích Phương mang đậm màu sắc văn hóa dân gian… Tiêu biểu cho xu hướng trở về với văn hóa dân tộc của âm nhạc đương đại phải nói tới ca sĩ Hoàng Thùy Linh với hàng loạt chương trình được ra mắt thời gian qua như: Để Mỵ nói cho mà nghe lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian Tây Bắc, Duyên âm tái hiện các trò chơi dân gian Việt Nam hay Tứ phủ khai thác văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu… Có thể thấy, sự kết hợp giữa những giai điệu âm nhạc hiện đại, trẻ trung, sôi động với những âm hưởng, hình ảnh mang bản sắc văn hóa truyền thống đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho các sáng tác âm nhạc; đồng thời thổi một luồng gió mới vào đời sống ca khúc vốn đang bị đánh giá là bão hòa, nhàn nhạt và có nhiều yếu tố lai căng như hiện nay. Việc mỗi MV đều cán mốc hàng chục triệu lượt nghe là bằng chứng cho thấy văn hóa truyền thống luôn là nguồn cảm hứng bất tận và giàu sức hút. Đây cũng là xu hướng sáng tác âm nhạc cần được cổ vũ, khuyến khích.

Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tìm về những giá trị truyền thống cũng là sự bảo đảm chắc chắn cho thành công của các sáng tác âm nhạc. Bởi trên thực tế, đã có những sản phẩm âm nhạc đi theo hướng này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Đơn cử, MV Bánh trôi nước của Hoàng Thùy Linh từng bị phê phán không thuần Việt trong tạo hình. MV Tứ phủ của ca sĩ này cũng nhận về nhiều phản ứng từ cộng đồng, thực hành nghi lễ đạo Mẫu khi thể hiện các yếu tố khai thác chưa thật chính xác. Với dự án MV Việt Nam, Việt Nam, ca sĩ Bích Phương cùng ê-kíp sản xuất cũng nhận về nhiều ý kiến chỉ trích từ dư luận khi ca khúc chốt lại MV có vẻ “lệch tông” hẳn so với mục tiêu thực hiện dự án và chất Việt đậm nét trong hai ca khúc đầu. Trong đó, nếu ca khúc Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau mở đầu đầy lôi cuốn bởi tái hiện một đám cưới Tây Bắc với đầy đủ nghi lễ thú vị và ca khúc Bùa yêu độc đáo bởi đưa vào hình ảnh những trò chơi dân gian quen thuộc cùng các khung thêu thổ cẩm đầy màu sắc…, thì ca khúc thứ ba Chị ngã em nâng lại có phần lạc nhịp với trang phục, bối cảnh đậm màu sắc văn hóa Ấn Độ. Tương tự, cách đây chưa lâu, một ban nhạc khi tham gia gameshow truyền hình thể hiện các ca khúc về Tây Nguyên, đã cẩu thả đến mức sử dụng nhầm lẫn trang phục các dân tộc và cũng nhận về nhiều phản ứng của dư luận…

Khai thác yếu tố văn hóa bản địa trong âm nhạc là hướng đi dễ tạo dấu ấn, nhưng cũng nhiều thách thức, bởi trong sáng tạo nghệ thuật, ranh giới giữa sự phá cách và phản cảm nhiều khi khá mong manh, chệch một chút cũng dễ mang lại những hiệu ứng ngược. Điều này đòi hỏi các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ phải thật sự cẩn trọng khi khai thác chất liệu văn hóa truyền thống trong sáng tác âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung. Và sự cẩn trọng này đương nhiên cần được xây dựng trên cơ sở kiến thức và những hiểu biết về văn hóa dân tộc, trong đó có các yếu tố sẽ khai thác để sử dụng sao cho phù hợp. Thêm nữa, muốn chinh phục công chúng hiện đại, chỉ đưa nguyên chất liệu truyền thống vào các sáng tác âm nhạc là chưa đủ, người nghệ sĩ cần làm mới và mang tới không khí của thời đại bằng cách hòa âm phối khí mới, kết hợp sáng tạo nhạc cụ dân tộc và nhạc điện tử… Con đường biến vốn cổ cha ông trở thành chất liệu của âm nhạc hiện đại rõ ràng cần tới sự dũng cảm dám thử sức, tầm tri thức văn hóa cũng như sự nhạy bén, thức thời về xu hướng âm nhạc.