Ra mắt sách tư liệu về tranh Ðông Hồ

Nằm trong Dự án khôi phục tranh dân gian Việt Nam, cuốn sách Dòng tranh dân gian Ðông Hồ của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa (chủ biên), Trịnh Sinh, Lê Bích do Nhà xuất bản Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội phối hợp xuất bản vừa ra mắt bạn đọc có nhiều giá trị tư liệu đặc sắc, cung cấp thêm những kiến thức mới về dòng tranh dân gian nổi tiếng này.

Ra mắt sách tư liệu về tranh Ðông Hồ

Cuốn sách dày 232 trang, với 513 bức ảnh được chụp mới thể hiện tinh thần làm việc công phu, nghiêm túc của nhóm tác giả. Cuốn sách chia thành ba chương: Làng Ðông Hồ, Các dòng tranh dân gian sản xuất tại Ðông Hồ và Tranh dân gian khắc gỗ và vẽ tay, mô tả khá chi tiết về làng Ðông Hồ, các bước làm tranh, giới thiệu gần 300 bức tranh Ðông Hồ nổi tiếng và những bức tranh ít được biết đến như bộ tranh đôi "Trai tứ khoái - Gái bảy nghề", bộ tranh Lúa Ngô Khoai Sắn, bộ tranh Ðề Thám... Cuốn sách còn khắc họa chân dung các nghệ nhân tiêu biểu của tranh Ðông Hồ như Nguyễn Ðăng Chế, Nguyễn Hữu Sam, Nguyễn Hữu Quả và hai cố nghệ nhân - họa sĩ Nguyễn Ðăng Khiêm, Nguyễn Ðăng Sần.

Theo tác giả Lê Bích, nội dung sách đề cập nhiều chi tiết ít được biết như quy trình khắc ván in, quy trình làm điệp, quy trình làm chổi thét, kỹ thuật "cản" mầu, in chồng mầu "nhị sắc" để tạo ra hiệu quả lớp lang pha mầu và các mầu tiêu biểu của tranh… Cuốn sách còn cho biết mối quan hệ cung cầu giữa làng Ðông Hồ và các làng bên cạnh, làng Ðạo Tú cung cấp chổi thét, làng Ðống Cao cung cấp giấy dó, vai trò của hợp tác xã trong sản xuất và duy trì tranh dân gian tại làng Ðông Hồ xưa. Bạn đọc có thể tìm thấy nhiều tư liệu mới được các nghệ nhân hoặc đại diện gia đình các nghệ nhân chia sẻ, giúp cho cuốn sách này có những nét khác biệt so với nhiều cuốn sách tranh Ðông Hồ từng xuất bản trước đây. Một điểm mới nữa là sách đề cập đến chữ trên tranh Ðông Hồ. Một số tranh cổ động, tranh thời Pháp thuộc, tranh lịch sử được đề thêm chữ Hán - Nôm hay quốc ngữ để chú thích, làm rõ nghĩa, đồng thời góp phần tạo thành một chỉnh thể giàu tính thẩm mỹ. Sách cũng đề cập một số ứng dụng tranh Ðông Hồ trong cuộc sống hiện đại.

Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ thêm, thách thức đối với ê-kíp làm cuốn sách Dòng tranh dân gian Ðông Hồ là làm mới những điều đã cũ. Không đi theo vệt sách từng khai thác, nhóm tác giả mong muốn bạn đọc sẽ tích lũy thêm nhiều kiến thức mới về dòng tranh dân gian lâu đời nhất, đa dạng về số lượng sản phẩm. Cuốn sách giới thiệu thêm hai thể loại tranh ít được biết đến của Ðông Hồ là tranh đồ thế và tranh trổ giấy, hay còn gọi là trổ "lé". Việc nhắc đến hai dòng tranh đã thất truyền trong cuốn sách để thế hệ sau biết đến và tự hào về bề dày của làng tranh Ðông Hồ, cũng là gợi ý để khôi phục tranh trổ giấy trong tương lai không xa.

Ðể hiểu rõ hơn về làng, về nghề, nhóm tác giả đã mời một số chuyên gia về khảo cứu bảy bia đá ở đình làng Ðông Hồ và bia mộ tổ một dòng họ chuyên làm tranh ở làng. Nhóm thực hiện hàng trăm chuyến đi thực tế, gặp gỡ, trò chuyện với nghệ nhân, tham vấn ý kiến các chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật, văn hóa, đồ họa cổ cũng như tiếp thu ý kiến phản biện của giới chuyên môn, cho nên cuốn sách đã có những đóng góp mới trong nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật, lịch sử. Theo Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới Trần Ðoàn Lâm, sách được đầu tư công phu, hệ thống toàn bộ quá trình phát triển của làng tranh Ðông Hồ. Cuốn sách thâu tóm những kỹ thuật đặc biệt và những tinh hoa của dòng tranh này, là căn cứ, tư liệu khá tin cậy, đồng thời tạo ra những ý tưởng sáng tác mới.

Là một trong ba dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất của Việt Nam, tranh Ðông Hồ đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt đến ngày hôm nay. Ðược Nhà nước xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012, tranh dân gian Ðông Hồ đang được đệ trình hồ sơ lên UNESCO để xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.