Ra mắt sách khảo cứu của học giả Pháp về Việt Nam đầu thế kỷ 20

NDO -

NDĐT – “Tâm lý người An Nam” là một trong những tác phẩm khảo cứu của học giả người Pháp Paul Giran, mô tả về tâm lý người Việt trên cơ sở nghiên cứu về nhân chủng học, cũng như đưa ra những so sánh thú vị về sự khác nhau giữa hai nền văn minh Đông - Tây trên nhiều bình diện. Nhã Nam đã phối hợp NXB Hội Nhà văn giới thiệu tới bạn đọc tác phẩm này trong tháng 6.

Ra mắt sách khảo cứu của học giả Pháp về Việt Nam đầu thế kỷ 20

“Tâm lý người An Nam” là một trong hai công trình khảo cứu về Việt Nam của Paul Giran, một viên chức thuộc chính quyền bảo hộ ở Đông Dương (công trình còn lại là “Magie et religion annamites – Bùa chú và tôn giáo An Nam”). Với nhiều năm sinh sống và làm việc ở Việt Nam cùng vốn hiểu biết rành rẽ về con người và tập quán bản xứ, Paul Giran đã vẽ nên một bức tranh sinh động và tỷ mỷ về xã hội An Nam cũng như những điều kiện về tự nhiên và xã hội cách đây hơn một thế kỷ. Không chỉ là một nguồn tư liệu khảo cứu phong phú cho bất cứ ai muốn tìm hiểu kỹ hơn về tâm lý người Việt trên cơ sở nghiên cứu về nhân chủng học, Tâm lý người An Nam còn là một phép so sánh thú vị về những giá trị và quan niệm khác nhau giữa hai nền văn minh Đông - Tây trên nhiều bình diện.

Trong vai trò học giả, Paul Giran đã cố gắng lập luận một cách khách quan, từ đó giúp độc giả hiểu thêm về con người Việt Nam, đời sống vật chất và tinh thần cũng như tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam cách nay hơn một thế kỷ từ một góc nhìn khác lạ.

Với kiến văn sắc sảo và sự hiểu biết khá phong phú về lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa Việt Nam, Paul Giran đã viết nên Tâm lý người An Nam như một tư liệu có giá trị lịch sử, chí ít là khi đối sánh với tâm lý thực dân cai trị.

Paul Giran sinh ngày 2-12-1875 ở Nîmes, Pháp. Ông học Trường Thuộc địa (Ecole coloniale) ở Pháp, rồi được bổ đi làm việc cho Phủ Toàn quyền ở Đông Dương năm 1899. Đến năm 1901 ông giữ chức Tham biện (Administrateur des services civils), phụ trách công việc hành chính dân sự ở Phủ Toàn quyền. Khoảng từ năm 1907, ông được bổ đi làm Phó Công sứ một số nơi ở Bắc kỳ, trong đó có Kiến An. Tới năm 1913, ông được thăng chức Công sứ (Résident) Phan Rang. Cuối cùng, ông được bổ làm Ủy viên Chính phủ (Commissaire du gouvernement) ở Viên Chăn (Lào) và giữ chức này tới năm 1921.