Ra mắt sách "Đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội thời kỳ Pháp tạm chiếm 1947-1954"

NDO -

NDĐT - Những ký ức hào hùng ấy của bà Đỗ Hồng Phấn, nguyên Bí thư chi đoàn Học sinh kháng chiến Trường nữ trung học Trưng Vương (Hà Nội) và nhiều thanh niên Thủ đô đã được khắc họa chi tiết, sống động trong cuốn sách "Đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội thời kỳ Pháp tạm chiếm 1947-1954".

Bìa sách "Đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội thời kỳ Pháp tạm chiếm 1947-1954".
Bìa sách "Đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội thời kỳ Pháp tạm chiếm 1947-1954".

Ngày 8-10, tại Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội phối hợp Ban Liên lạc Cựu học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội ra mắt cuốn sách "Đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội thời kỳ Pháp tạm chiếm 1947-1954".

Đoàn Học sinh kháng chiến Hà Nội được thành lập từ một số học sinh là liên lạc, quân báo trong công an, quân đội... với cơ sở đầu tiên đặt tại các Trường Chu Văn An, Trưng Vương và Albert Sarraut (nay là trường Trần Phú).

"Đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội thời kỳ Pháp tạm chiếm 1947-1954" là tư liệu quý, giới thiệu đầy đủ, phong phú với thông tin tin cậy về phong trào yêu nước của cả một lực lượng trẻ trung, sôi động trong những năm Thủ đô bị kẻ thù chiếm đóng, đàn áp.

Ra mắt sách "Đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội thời kỳ Pháp tạm chiếm 1947-1954" ảnh 1
Bà Đỗ Hồng Phấn chia sẻ hồi ức về những năm tháng hào hùng của thanh niên Thủ đô.

Bà Đỗ Hồng Phấn, nguyên Bí thư chi đoàn Học sinh kháng chiến Trường nữ Trung học Trưng Vương (Hà Nội), thành viên nhóm biên soạn cuốn sách "Đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội", hồi tưởng về những ngày tháng sục sôi khí thế của thanh niên Thủ đô: "Những năm tháng ấy, nhà nào ở Hà Nội cũng có ít nhất 1-2 thanh niên tham gia kháng chiến, không nam thì nữ, không cách này thì cách khác".

"Con gái Hà Nội thời đó chủ yếu là tiểu thư khuê các, nhưng luôn sẵn sàng sát cánh cùng các bạn nam trên toàn mặt trận kháng chiến, chống lại bè lũ thực dân xâm lược, bảo vệ từng tấc đất Thủ đô", bà Phấn chia sẻ.

Trong phần đầu "Phong trào đấu tranh toàn thành", cuốn sách giới thiệu tổng quát về phong trào học sinh, sinh viên Hà Nội thời kỳ 1947-1954. Phần hai "Phong trào đấu tranh tại các trường" gồm 60 trang, giúp bạn đọc thấy được toàn cảnh phong trào trong bối cảnh lịch sử Hà Nội những năm 50 thế kỷ trước và sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhân sĩ trí thức, các thầy cô giáo, gia đình cách mạng ở Thủ đô.

Với nguồn tư liệu dồi dào, những trang nhật ký cá nhân chân thành, xúc động, phần ba và bốn "Một số hồi ký cá nhân", "Tư liệu ảnh lịch sử" làm sống lại một thời sôi nổi của học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội, tiêu biểu như sự kiện cắm cờ đỏ sao vàng trên Tháp rùa ngày 19-5-1948; cuộc bãi khóa toàn thành 12 ngày đòi thả tự do những người bị bắt; cảnh đoàn học sinh tưng bừng đón đoàn quân trở về giải phóng Thủ đô.