Phiêu lưu cùng kịch Dế Mèn

Vui nhộn, thú vị, hấp dẫn nhưng vẫn chuyển tải được đầy đủ thông điệp nhân văn và ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đó chính là những yếu tố đã làm nên sức hút của Dế Mèn, vở diễn vừa được Sân khấu kịch Lệ Ngọc công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội phục vụ những khán giả nhỏ tuổi.

Phóng tác từ tác phẩm văn học nổi tiếng Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, vở diễn đưa người xem hòa mình vào hành trình khám phá thế giới nhiều màu sắc nhưng cũng đầy biến động cùng nhân vật chính Dế Mèn, qua đó thấm thía và trân trọng hơn những giá trị đích thực của tình cảm gia đình, bè bạn… Ðây không phải lần đầu Dế Mèn phiêu lưu ký được dàn dựng trên sân khấu kịch. Trước đó, Nhà hát Tuổi trẻ đã từng thành công với những bản dựng đầu tiên. Song ở phiên bản kịch lần này, thay vì nương theo một phần diễn biến câu chuyện, tác giả Lê Chí Trung đã tỏ ra vô cùng khéo léo khi lựa chọn những lát cắt tiêu biểu gắn liền những biến cố trong cuộc phiêu lưu của Dế Mèn để làm bật lên những bài học ý nghĩa rút ra từ tác phẩm. Ấy là khi sự ngông cuồng, kiêu hãnh thái quá của Dế Mèn vô tình gây ra cái chết thương tâm cho người bạn Dế Choắt. Ấy là khi sự ngông nghênh, hiếu thắng phải trả giá đắt bằng việc bị Xén Tóc cắt mất một sợi râu. Ðể rồi từ đó Dế Mèn hiểu được ý nghĩa của sự khiêm tốn, biết người biết ta, thêm cứng cáp, trưởng thành, kết nghĩa huynh đệ cùng Dế Trũi, làm việc trượng nghĩa để bảo vệ Nhà Trò bất hạnh… và cuối cùng trở thành một chú dế đĩnh đạc, cao thượng, có trái tim nhân hậu. Chuyến ngao du, khám phá những miền đất mới của Dế Mèn được tái hiện trong một tiếng rưỡi đồng hồ chính là hành trình trải nghiệm "đi một ngày đàng" để "học một sàng khôn", đúc kết kinh nghiệm và lẽ sống từ thực tiễn; cùng với đó là thông điệp cần phải tôn trọng thế giới tự nhiên, bảo vệ môi trường. Vở diễn cũng đặc biệt khiến người xem xúc động trước tình mẫu tử thiêng liêng, diệu kỳ. Dù xuất hiện không nhiều nhưng hình ảnh Dế Mẹ tảo tần, luôn dành sự yêu thương, trìu mến cho con tựa như sợi chỉ đỏ xuyên suốt vở diễn, chuyển tải nội dung sâu sắc mà tác phẩm hướng tới: Tình mẹ bao la đưa con đi xa khắp tận cùng thế gian.

Hướng đến chinh phục khán giả nhí, Sân khấu kịch Lệ Ngọc đã có quyết định khôn ngoan khi lựa chọn NSND Nguyễn Tiến Dũng - người được coi là "phù thủy" của những con rối để "chọn mặt gửi vàng". Ở vai trò đạo diễn, với kinh nghiệm dàn dựng nhiều vở rối dành cho thiếu nhi, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã tạo nên một không gian sân khấu của kịch nói ngập tràn màu sắc với tạo hình nhân vật sống động, phục trang bắt mắt, ánh sáng tươi tắn, gợi mở nhiều thích thú, tò mò cho công chúng nhỏ tuổi về một thế giới côn trùng tươi đẹp, phong phú mà trẻ em thành phố ngày nay ít có điều kiện được nhìn thấy. Ðặc biệt, những kỹ thuật của múa rối đã được đạo diễn lồng ghép vào vở kịch một cách khéo léo, hợp lý và tiết chế vào vở diễn, khi thì giúp làm bật lên không gian tươi tắn, sinh động của thiên nhiên thông qua những màn múa cánh bướm, múa cánh chuồn; khi lại góp phần làm chân thực hóa những chi tiết kịch, mang đến hiệu ứng thị giác lôi cuốn cho người xem như cảnh Dế Mèn bay ra khỏi tổ, tìm cách thoát khỏi giỏ của cậu bé bắt dế, hay khi thể hiện sự hung hăng, dữ tợn của bầy nhện…

NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết, dựng vở cho thiếu nhi không có nghĩa là được phép làm dễ dãi mà càng phải bảo đảm tính định hướng nghệ thuật và giá trị giáo dục, nhất là cần đứng ở góc độ tiếp nhận của thiếu nhi để dàn dựng. Có lẽ bởi tâm niệm như thế cho nên theo dõi vở Dế Mèn, bên cạnh những đoạn ráp, câu thoại hóm hỉnh, đời thường, gần gũi với trẻ nhỏ, người xem còn vô cùng ấn tượng khi ê-kíp sáng tạo lồng gắn thêm những câu ca dao quen thuộc, những điệu hát chèo, cải lương, múa tuồng mang đậm văn hóa truyền thống của người Việt. Ðặc biệt, tiết tấu nhanh của vở diễn kết hợp những câu hỏi tương tác thú vị giữa nghệ sĩ và người xem đã khiến những khán giả nhí - đối tượng thường khó thu hút sự tập trung phải liên tục hưởng ứng, say sưa cuốn theo mạch diễn... Nhờ vậy mà những bài học tác phẩm gửi gắm trở nên thật gần gũi, dễ tiếp thu. Làm nên sức hút từ vở diễn còn cần nói tới diễn xuất đầy tự nhiên, hóm hỉnh và cách tương tác tốt của các diễn viên như: NSND Lệ Ngọc (Dế Mẹ), Anh Tuấn (Dế Mèn), Thanh Hải (Dế anh), Lâm Cương (Dế Trũi), Huy Hoàng (Dế Choắt, Xén Tóc), Hoàng Nam (Dế Nòi, Nhện Chúa), NSƯT Minh Phương (Cốc), Bích Liên (Bọ Ngựa), Châu Sa (Cào Cào), Anh Ðào (Nhà Trò, Bướm), Công Phùng (Chim Trả)...

Dế Mèn là vở diễn nối tiếp mạch đề tài hướng đến khán giả nhỏ tuổi của Sân khấu kịch Lệ Ngọc, trước đó là các vở: Tấm Cám, Cây tre thần, Ðám cưới con gái chuột… Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của một đơn vị nghệ thuật xã hội hóa trong bối cảnh sân khấu Việt đang thiếu vắng trầm trọng những tác phẩm dành cho thiếu nhi. Muốn tạo nguồn khán giả tương lai, bảo đảm sự phát triển lâu dài cho tất cả các loại hình sân khấu thì các nhà hát, đơn vị nghệ thuật cần dành sự quan tâm đặc biệt đến đối tượng này. Ðược biết, vở Dế Mèn sẽ được Sân khấu kịch Lệ Ngọc công diễn hơn mười buổi trong tháng 4 này.