Những ca khúc trường tồn theo năm tháng

Ngày 19-8-1945 - Quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội) như một đại dương đón những dòng người tuần hành từ các ngả ngoại thành đổ về qua năm cửa ô. Những dòng người vừa đi vừa hát vang những hành khúc cách mạng Tiến quân ca, Diệt phát xít, Du kích ca, Chiến sĩ Việt Nam, Cờ giải phóng…

Tân nhạc từ buổi ban đầu khai sinh (năm 1938) đã xuất hiện những nhạc sĩ tài năng và những nhóm Tân nhạc với khuynh hướng sáng tạo khác nhau. Có nhạc sĩ từ đấy dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng mà bị tù đày như Ðỗ Nhuận, Cao Hồng Lãnh, Vương Gia Khương... Khi nhạc sĩ Vương Gia Khương bị đày ra Côn Ðảo thì nhạc sĩ Ðỗ Nhuận bị đày lên Sơn La. Chính ở nhà tù Sơn La đầu năm 1945, nghe bạn tù thì thào về một đội quân cách mạng đang lớn mạnh dần qua từng trận đánh, bằng sức tưởng tượng của mình, Ðỗ Nhuận đã viết hành khúc Du kích ca hào hùng; còn Vương Gia Khương thì viết hành khúc Cờ giải phóng với tinh thần của cao trào cách mạng tiến tới giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, phát xít. Lại có những nhạc sĩ được cách mạng giác ngộ như Văn Cao, Nguyễn Ðình Thi. Ðang học dự thính ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, Văn Cao đã được đồng chí Vũ Quý giác ngộ và ngay từ cuối năm 1944, theo chỉ thị của đồng chí Vũ Quý phải viết ngay một hành khúc cho đội quân cách mạng Việt Nam (tức Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân) do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Trong không khí ngột ngạt của Hà Nội lúc bấy giờ, nạn đói bắt đầu xuất hiện qua những nhóm người nông dân, tha hương cầu thực ăn xin quanh Hồ Gươm, Văn Cao trở về căn gác số 171 phố Mông-grăng (nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền) thao thức. Và hành khúc Tiến quân ca ra đời. Chưa hết cảm xúc, Văn Cao viết tiếp Chiến sĩ Việt Nam với sự tưởng tượng người chiến sĩ có gì đó giống người chinh phu xưa trong Chinh phụ ngâm. Với Nguyễn Ðình Thi thì lạ hơn. Lúc ấy, ông đang học Trường Bưởi và bắt đầu xuất bản những cuốn sách triết học của mình. Song do có sáng tác ca khúc từ thời học Trường Bonnal (nay là Trường Ngô Quyền) Hải Phòng và cũng được đồng chí Vũ Quý giác ngộ, cùng lúc Văn Cao viết Tiến quân ca thì Nguyễn Ðình Thi viết Diệt phát xít. Hai người đã bên nhau như một cặp bài trùng từ đấy. Tại Quốc dân Ðại hội Tân Trào, Nguyễn Ðình Thi đã hát cả ba bài Tiến quân ca, Diệt phát xít, Chiến sĩ Việt Nam để Ðại hội chọn ra một hành khúc chính thức cho Mặt trận Việt Minh. Và Tiến quân ca của Văn Cao đã được chọn lựa. Tiến quân ca trở thành Quốc ca của Chính phủ Cách mạng lâm thời rồi sau đó trở thành Quốc ca chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến tận hôm nay. Còn Diệt phát xít trở thành nhạc hiệu Ðài Tiếng nói Việt Nam suốt 75 năm qua.

Có một nhạc sĩ cũng rất quan trọng mà hành khúc Tiếng gọi thanh niên của ông cũng được hát vang trong khởi nghĩa ở Hà Nội. Ðó là Lưu Hữu Phước - linh hồn của nhóm "Tổng hội sinh viên". Với lòng yêu nước rực cháy trong mình, đang học Ðại học Y khoa ở Hà Nội, Lưu Hữu Phước đã cùng bạn bè bỏ học vào Sài Gòn sau khi viết và hát vang hành khúc "xếp bút nghiên". Lực lượng giành chính quyền trong ngày khởi nghĩa ở Sài Gòn (25-8-1945) chủ yếu là lực lượng "Thanh niên Tiền phong". Họ vừa hát vang Tiếng gọi thanh niên, vừa hát hành khúc mới của Lưu Hữu Phước là Lên đàng.

Nhưng kỳ diệu nhất là trong đúng ngày lịch sử 19-8-1945, có một nhạc sĩ tuy không thuộc nhóm âm nhạc nào, nhưng bằng cảm hứng tràn trề của thời khắc ấy, ông đã tốc ký ngay một hành khúc ghi dấu mãi mãi thời khắc lịch sử thiêng liêng của dân tộc, đó là nhạc sĩ Xuân Oanh.

Nhạc sĩ Xuân Oanh từ Hải Phòng lên Hà Nội và được giác ngộ để trở thành cán bộ Việt Minh, hoạt động ở Thanh Trì - ngoại thành Hà Nội. Sáng 19-8-1945, trong đoàn tuần hành đi từ Văn Ðiển về Nhà hát Lớn Hà Nội, sự chộn rộn hòa lẫn tâm hồn phơi phới, khiến Xuân Oanh bắt đầu nhẩm hát giai điệu đầu tiên để ghi lại không khí ngày khởi nghĩa. Cho đến khi đoàn tuần hành nhập vào các đoàn tuần hành khác tạo thành một đại dương dào dạt của lực lượng khởi nghĩa thì nốt nhạc cuối cùng khép lại bản hành khúc - bản tốc ký bằng âm nhạc thời khắc thiêng liêng này - đã hoàn tất. Xuân Oanh đặt tên ngay hành khúc của mình là 19.8. Và ngay lập tức 19.8 được ký âm truyền tay cho những người ưa thích, được dạy truyền miệng cho những con tim đang hừng hực máu sôi. Cho đến chiều, khi khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, 19.8 cũng đã vang lên khắp thủ đô yêu dấu cùng những hành khúc cách mạng nêu trên.

Trong thăng hoa từ người nô lệ thành người tự do, các nhạc sĩ lại tiếp tục những cảm xúc dâng trào của mình. Văn Cao đã ngay lập tức nghĩ đến sự lớn mạnh của đội quân cách mạng với những quân chủng hiện đại. Ông viết Hải quân Việt Nam và Không quân Việt Nam; khi Nam Bộ kháng chiến, ông đã viết lời khác cho Bến xuân để thành Ðàn chim Việt gửi theo những đoàn quân Nam tiến. Rất gần gũi với công nhân hỏa xa Gia Lâm, nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5-1946, ông đã viết Công nhân Việt Nam để chính những người công nhân hát vang.

Khi Nam Bộ kháng chiến Ðỗ Nhuận viết Tiếng súng Nam Bộ. Ông còn viết Nhớ chiến khu dành cho các ca sĩ đơn ca có thể hát tại các phòng trà Hà Nội ngày đó. Ông còn viết ca khúc thiếu nhi Bé yêu Già Hồ.

Cùng với Ðỗ Nhuận về đề tài này, Lưu Bách Thụ từ giai điệu lãng mạn Con thuyền xa bến chợt rắn lại, nồng ấm trong hành khúc Biết ơn cụ Hồ. Phong Nhã cũng gác lại những giai điệu tiền chiến để trẻ lại với những giai điệu thiếu nhi rộn ràng qua Nhanh bước nhanh nhi đồng, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng và Kim Ðồng. Lưu Hữu Phước sau ngày khởi nghĩa Sài Gòn cùng Nguyễn Mỹ Ca viết Khúc khải hoàn (sau này thành nhạc hiệu Truyền hình Việt Nam thời kỳ đầu).

Ga Ðà Nẵng là nơi trung chuyển những chuyến tàu đưa những người lính Nam tiến đi vào mặt trận. Có một người cứ luôn hiện diện để chiêm ngưỡng các chi đội Giải phóng quân ngồi nghỉ bên nhau và hát vang hành khúc Phất cờ Nam Tiến của Hoàng Văn Thái (là 1 trong 34 chiến sĩ giải phóng quân đầu tiên. Hành khúc được viết sau Quốc dân Ðại hội, biểu hiện ý chí tiến về đồng bằng từ chiến khu phía bắc). Ðấy là nhạc sĩ Phan Huỳnh Ðiểu. Thực tế sôi động này khiến tác giả bài hát Trầu cau đã rời xa những giai điệu lãng mạn và viết ra hành khúc Ðoàn giải phóng quân (sau đổi thành Ðoàn vệ quốc quân).

Sau đêm 19-12-1946, toàn quốc kháng chiến, trên chiến lũy Hà Nội, người lính Lương Ngọc Trác vừa chiến đấu vừa viết bài Mơ đời chiến sĩ và Thủ đô huyết lệ (thơ Lĩnh Nam) và được những người lính hát vang trong thế trận "Trùng độc chiến" góp phần làm quân Pháp như "gà mắc tóc" suốt gần hai tháng trời loanh quanh phố cổ Hà Nội. Mùa xuân 1947, Nguyễn Ðình Thi đã viết về trận chiến này bằng trường ca Người Hà Nội. Trường ca vừa khép lại thời kỳ Tân nhạc những ngày đầu, vừa mở ra Tân nhạc cách mạng thời kỳ kháng chiến, làm thành một di sản âm nhạc luôn trường tồn theo năm tháng.