Lan tỏa tình yêu biển đảo với “Mắt trùng khơi”

NDO -

NDĐT – Hơn cả việc ra mắt một dự án sách, “Mắt trùng khơi” của hai tác giả Lữ Mai và Trần Thành đã trở thành những viên gạch đầu tiên để xây nền móng cho những dự án khác đầy hứa hẹn, mà trước mắt là một tủ sách dành riêng cho đề tài biển đảo: Tủ sách “Biển đảo quê hương”.

Lan tỏa tình yêu biển đảo với “Mắt trùng khơi”

Cuốn sách thứ hai về Trường Sa của hai tác giả Lữ Mai và kỹ sư Trần Thành đã chính thức ra mắt, chỉ vỏn vẹn ba tháng sau khi cuốn thứ nhất “Nơi đầu sóng” ra đời. “Mắt trùng khơi” như một phiên bản mở rộng của “Nơi đầu sóng”, nhưng tinh tế hơn, chắt lọc hơn, và cũng sâu sắc hơn với rất nhiều câu chuyện về biển, về đảo mà cảm giác kể mãi không hết của hai tác giả.

“Mắt trùng khơi” hội tụ những câu chuyện chung quang chuyến đi, những chi tiết được hai tác giả quan sát, dù chỉ rất nhỏ, nhưng lại được kể thành cả một câu chuyện đầy cảm xúc. Một chiếc ghế gỗ ở An Bang, nhưng sau đấy là rất nhiều công lao, lo lắng, mồ hôi, sức vóc của những người lính, những người chỉ huy để đưa được xuồng vào bờ. Giây phút đầu tiên khi tàu thu quân cập đất liền, là động tác chào của người thủ trưởng. Chiếc đèn Trung thu mà người cha là lính đảo dày công cắt dán gửi tàu mang về đất liền cho các con. Nhành hoa lan tím treo trên khung cửa của Nhà giàn DK1 đầy sóng và gió…. Tất cả những chi tiết nho nhỏ ấy lại kể cho bạn đọc những câu chuyện đầy cảm động và thú vị trong cuốn sách.

Tác giả Lữ Mai cho biết, “Mắt trùng khơi” là ấn tượng mạnh mẽ của cả hai tác giả trong suốt chuyến đi. Đó là ánh mắt đau đáu trong nụ cười méo của người vợ hậu phương tiễn chồng ra đảo, ánh mắt mừng vui nhưng bâng khuâng của người lính đảo trở về đất liền trong mùa thu quân, là ánh mắt người chỉ huy khi tàu cập đất liền, là những hồi còi chào đảo, chào đất liền, là ánh đèn của ngọn hải đăng giữa trùng khơi…

Trần Thành là một kỹ sư, chủ nhiệm của nhiều công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa như: Máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác C-Sea, công nghệ vi sinh xử lý môi trường… Nhưng anh lại có những dòng viết và những bức ảnh đầy cảm xúc về Trường Sa. Anh cho biết, điều đọng lại lớn nhất sau chuyến đi Trường Sa là hình ảnh những người lính quanh năm vất vả với sóng gió, với nắng nhưng vẫn giữ tinh thần lạc quan, đầy cảm xúc. “Tôi cứ bấm máy liên tục, có những bức ảnh mà xem lại tôi vẫn thấy ngỡ nàng vì sao lại có nhiều cảm xúc, nhiều ý nghĩa đến thế. Chúng tôi cố gắng đưa những thông tin, những câu chuyện đó bằng truyện, thơ, nhiếp ảnh để gửi tới mọi người. Mong muốn của chúng tôi là chuyển tải nhiều nhất những thông tin, câu chuyện về biển đảo đến với nhiều người”.

Lan tỏa tình yêu biển đảo với “Mắt trùng khơi” ảnh 1

Khai trương Tủ sách Vì biển đảo quê hương.

“Nơi đầu sóng” và “Mắt trùng khơi” đã trở thành khởi đầu đẹp đẽ cho những dự án hướng tới biển đảo. Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học cho biết, nhân dịp xuất bản “Mắt trùng khơi”, NXB phối hợp CLB Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương và nhóm tác giả Lữ Mai – Trần Thành cho ra mắt Tủ sách Biển đảo quê hương. Với mục tiêu làm phong phú hơn các loại hình nghệ thuật, động viên, khích lệ tinh thần các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài các đảo, nhà giàn cũng như hậu phương chiến sĩ nơi quê nhà, Tủ sách sẽ mở rộng thêm nhiều tác phẩm của các tác giả khác. Dự kiến, những cuốn sách về biển đảo quê hương sẽ được trao đến tay các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các điểm đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và điểm đảo Tây Nam.

Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Vũ cũng bật mí, NXB Văn học sẽ chọn lọc và dịch một số tác phẩm về biển đảo sang tiếng Anh để quảng bá về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Có mặt tại buổi ra mắt sách, nhà báo, nhà thơ Hữu Việt, hiện đang là Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ báo Nhân Dân, nơi tác giả Lữ Mai đang công tác cũng đã xúc động chia sẻ những kỷ niệm về chuyến đi Trường Sa của mình, được gợi nhớ qua hai cuốn sách của các tác giả Lữ Mai và Trần Thành. Anh chia sẻ, hằng năm có rất nhiều nhà văn, nhà báo, nhà thơ… ra Trường Sa và đã khai thác nhiều đề tài về Trường Sa, cho nên đây không phải là đề tài dễ viết, nhưng hai tác giả đã ra hẳn hai cuốn sách, và đã rất sáng tạo khi kết hợp văn học và nhiếp ảnh. “Mắt trùng khơi” có những cách tiếp cận hấp dẫn, có những phóng sự rất tinh tế. Những chia sẻ của người trong cuộc làm cho người đọc rất xúc động.

Nhà văn, nhà thơ Hữu Việt chia sẻ: “Các dự án sách còn rất nhiều nhưng có lẽ tác phẩm của hai tác giả Lữ Mai và Trần Thành đã khiến NXB Văn học nghĩ đến nhg dự án dài hơi hơn và đây chính là những điều mà các chiến sĩ Trường Sa cần, và cả những người chưa từng đến Trường Sa cũng cần”.