“Kiều” – từ góc nhìn múa rối

NDO -

NDĐT – Trái với tưởng tượng, là các con rối phải tả thực những nhân vật trong truyện Kiều, với áo mũ là lượt, khăn tóc cầu kỳ, thì các nhân vật của “Thân phận nàng Kiều” lại mang đầy tính ước lệ, biểu trưng, vừa đem đến sự sợ hãi, căm ghét, nhưng cũng lại khiến khán giả phá lên cười. Đây là vở rối thử nghiệm từng gặt hái nhiều giải thưởng tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế 2019 của Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đến xem vở rối và tặng hoa các nghệ sĩ. Ảnh: NHMRVN.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đến xem vở rối và tặng hoa các nghệ sĩ. Ảnh: NHMRVN.

Tác phẩm “Truyện Kiều” vốn xưa nay đã là chất liệu cho rất nhiều loại hình nghệ thuật, từ tạo hình tới sân khấu, từ kịch nói cho đến nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương…, và gần đây cả ballet và múa rối đều đã khai thác. Chính vì vậy, khai thác “Kiều” từ góc độ sân khấu múa rối là một thử thách cho những người thực hiện vở “Thân phận nàng Kiều”. Làm sao để chuyển tải được những tầng lớp ý nghĩa dày dặn của “Truyện Kiều”, giữ được sự kỳ công trong từng lời thơ của đại thi hào Nguyễn Du mà vẫn có được sự sáng tạo riêng của mình?

“Kiều” – từ góc nhìn múa rối ảnh 1

Tú Bà và Thúc Sinh.

Với đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, mỗi vở diễn là một cơ hội để anh thỏa sức thử nghiệm những sáng tạo mới, và những thách thức mà “Kiều” đem đến lại chính là cơ hội cho anh và ê kíp. Ở “Thân phận nàng Kiều”, các nhân vật rối không phải đầu tư quá nhiều về hình thức, chủ yếu chỉ là tạo hình gương mặt và trang phục, kết hợp với cử động của diễn viên. Nhưng ngay cả gương mặt và trang phục của các nhân vật rối cũng mang tính biểu đạt rất cao. Chẳng hạn tạo hình của Kiều gợi đến hình dung một cây đàn tì bà, tạo hình của Từ Hải giống như lá cờ ngoài chiến trận, tạo hình của Tú Bà cho thấy rõ đặc trưng của nghề buôn da bán thịt, tạo hình của Thúc Sinh thể hiện sự hai mặt, hèn nhát, hồn ma kỹ nữ Đạm Tiên mang hình ảnh một cây đàn phát sáng, vãi Giác Duyên gợi nhớ một đóa sen…

“Kiều” – từ góc nhìn múa rối ảnh 2

Kiều và Hoạn Thư.

Các nghệ sĩ múa rối “giấu” khá nhiều nhân vật liên quan hoặc gắn liền với Kiều, như Kim Trọng, Thúy Vân…, ông bà Vương chỉ xuất hiện một đoạn ngắn ở đầu vở diễn. “Thân phận nàng Kiều” lựa ra những đoạn trường mà Kiều phải trải qua, phải chịu những giày vò, đau khổ khi cuộc đời xô đẩy nàng từ những trầm luân này sang trầm luân khác. Đó là đoạn Kiều quyết bán mình chuộc cha, Kiều rơi vào tay Mã Giám Sinh, sau đó là Tú Bà và Thúc Sinh, Kiều tự vẫn và được vãi Giác Duyên cứu, bị Bạc Bà, Bạc Hạnh lừa và được Từ Hải chuộc ra, sau đó lại rơi vào tay Hồ Tôn Hiến…

“Kiều” – từ góc nhìn múa rối ảnh 3

Kiều và Từ Hải.

Ở “Thân phận nàng Kiều”, có những nhân vật mà tạo hình và tính cách vừa khiến người xem căm ghét, nhưng cũng lại trở thành nhân vật gây cười ở một số đoạn. Đây cũng là một cách làm mới ở vở rối, khi các nhân vật luôn song hành cả hai tính cách, có lúc đáng ghét, nhưng cũng có lúc ngây ngô gây cười, thậm chí đáng thương. Đạo diễn cũng sử dụng nhân vật thằng bán tơ như một đường dây dẫn chuyện, vừa mở đầu vở diễn, vừa xuất hiện ở tất cả các đoạn kịch tính, đồng thời đôi lúc đóng vai trò gây cười cho khán giả. Một nhân vật nữa mang tính biểu đạt cao, cũng xuất hiện ở nhiều phân đoạn của vở diễn, đó là cây bút, đại diện cho tác giả Nguyễn Du, nói lên những cảm xúc của ông khi só phận của Kiều tuột khỏi bàn tay định đoạt của ông và trôi đi trong biển đời. Vở diễn được kể trên nền âm nhạc khi cổ xưa, khi hiện đại của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến. Ở nhiều đoạn, âm nhạc đã góp phần thăng hoa cho vở rối. Ngoài ra, thiết kế sân khấu còn rất ấn tượng với vai trò của những dải lụa ở từng quãng đời của nàng Kiều, khi là lễ hội mùa xuân, lúc là chốn lầu xanh, khi lại là dòng sông Tiền Đường với con sóng xóa đi những khổ đau, ẩn ức trong cuộc đời Kiều, lúc là nơi nhung lụa ấm êm bên cạnh Từ Hải…

“Kiều” – từ góc nhìn múa rối ảnh 4

Tạo hình nhân vật Hồ Tôn Hiến.

“Thân phận nàng Kiều” được các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Trung ương giới thiệu tới khán giả trong khuôn khổ Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 4 hồi cuối năm 2019. Nhưng đây là lần đầu tiên vở rối này được công diễn rộng rãi tới khán giả, nhân dịp hướng tới kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du và cũng nhằm hưởng ứng chủ trương đưa sân khấu tới gần khán giả hơn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế năm 2019, “Thân phận nàng Kiều” đã gặt hái nhiều thành công, như HCV cho vở diễn xuất sắc, Giải đạo diễn xuất sắc, Giải Họa sĩ tạo hình xuất sắc, hai HCV cho diễn viên xuất sắc, năm Huy chương Bạc cho các diễn viên. Vở diễn cũng mở ra hướng tiếp cận mới dành cho các loại hình nghệ thuật đối với kho tàng văn học cổ điển phong phú của nước nhà.