Văn hóa và Phát triển

Giữ gìn nếp nhà Thái cổ Che Căn

Những nếp nhà phủ mầu rêu xám ở bản Che Căn (xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ) có sức níu giữ kỳ lạ bởi nét cổ kính, trầm mặc. Ở bản Thái cổ bình yên ấy, du khách cảm nhận được nhịp sống sôi động thường ngày hòa trong nét văn hóa nghìn đời của người Thái ở Che Căn nói riêng và cộng đồng dân tộc Thái ở Mường Thanh nói chung.

Nhịp sống thường ngày bên nếp nhà Thái cổ. Ảnh: TÙNG LINH
Nhịp sống thường ngày bên nếp nhà Thái cổ. Ảnh: TÙNG LINH

Thay đổi cùng nhịp sống mới

Nhờ sự hướng dẫn tận tình của chị cán bộ văn hóa xã Mường Phăng, chúng tôi dễ dàng tìm gặp được người cao niên trong bản là ông Cà Văn Hợp, khi ông đang thu dọn quanh ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái đen. Nghe tiếng khách chào, ông Hợp liền ngừng tay, khẽ cười chào lại. Khi biết khách là người nơi khác về tìm hiểu nếp nhà Thái cổ của người Thái bản Che Căn, ông rất ngạc nhiên. Quay sang phía tôi, ông hỏi lại: “Là tìm hiểu nhà Thái cổ à? Vậy thì nhiều lắm đấy”. Nói rồi, ông Hợp đưa chúng tôi đi vòng quanh nhà giới thiệu cầu thang lên khu bếp, nhà chính, khu thờ cúng. Ông bảo, nhà bây giờ khác so với nhà Thái cổ cả cấu trúc và hình dáng. Về cấu trúc tổng thể của ngôi nhà đã mộng mẹo hóa, số lượng cột trong một vì cũng đã lên thành bốn hàng cột; vì kèo thay đổi, sàm mộc thắt ngàm cột. Đầu cột không còn đẽo ngõng tròn, hai mái, hai chái nhà thành bốn mặt phẳng vuông, không có hình khum mái rùa; các hình ô van trang trí khung cửa sổ, táng ven, táng cơi cũng không còn. Ở trong nhà, các gia đình đã không đặt bếp nữa mà làm rời ra bên chái. Mái nhà giờ cũng không còn khau cút ở hai đầu hồi phía trên nóc nữa… Dừng lời, đưa mắt nhìn xa xăm như để hồi tưởng ngôi nhà truyền thống của người Thái bản Che Căn trong quá khứ, ông Hợp nói rằng thay đổi cũng là tốt và phù hợp với điều kiện hiện tại. Chỉ tay lên mái nhà của mình, ông bảo, trước lợp gianh thì mỗi năm phải thay mái một lần, mất công và tốn kém. Nhưng từ khi lợp ngói thì mấy chục năm rồi vẫn mái ấy, thỉnh thoảng có viên ngói vỡ mới phải thay viên khác. Không mất thời gian cắt cỏ đánh gianh, lợp mái nhà; các con cháu của ông đã học thêm nghề mộc, sửa chữa xe máy, có người còn biết làm may nữa. Cũng như thế, với cái bếp kiềng đặt giữa nhà ngày xưa là để mọi người sưởi ấm, quây quần tránh thú dữ thì bây giờ thú không còn mà quạt điện chạy được bốn mùa nên rời bếp ra ngoài cho sạch sẽ, phù hợp hơn.

Trưởng bản Che Căn Quàng Văn Sơn cũng giải thích thêm cho cái sự thay đổi một số chi tiết trong ngôi nhà. Theo ông Sơn phân tích, phần nhiều những thay đổi trong ngôi nhà truyền thống của người Thái bản Che Căn đều hướng tới tiện ích và giá trị sử dụng. Ví như “công cuộc” đưa gia súc, gia cầm dưới gầm sàn ra nuôi nhốt riêng tạo thay đổi lớn về cảnh quan, môi trường; chứ nếu như trước thì ô nhiễm lắm, người ngoài không ngồi nổi vài phút trong bản. Ông Sơn đưa chúng tôi ghé thăm gia đình các anh Lò Văn Phương, Lò Văn Đức mới hoàn thành dựng nhà năm ngoái đều là những ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái, được trang bị nhiều tiện nghi hiện đại để phục vụ gia đình và khách du lịch theo mô hình homestay.

Giữ gìn nếp nhà Thái cổ Che Căn -0
 

Phụ nữ bản Che Căn dệt khăn piêu.

Chung tay giữ gìn vẻ đẹp ngôi nhà truyền thống

Hiểu được mong muốn giữ nếp nhà Thái cổ của dân bản Che Căn, ngày 13-4-2010, UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt dự án Bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Thái bản Che Căn, xã Mường Phăng với tổng kinh phí thực hiện gần 10,4 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh quyết định dành gần 6,6 tỷ đồng để bảo tồn, tôn tạo 10 ngôi nhà có kiến trúc cổ của người Thái đen; đồng thời xây dựng mới một nhà truyền thống và sân lễ hội phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Với 10 nhà được lựa chọn bảo tồn, tôn tạo, chủ đầu tư là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên đã xin ý kiến các chủ nhà để thay thế một số ván, vách sàn; thay thế cấu kiện, cột cái, cột con đã hư hỏng. Với nhà truyền thống làm mới, sử dụng nguyên liệu làm móng, chân cột bằng đá hộc, gạch, vữa, xi-măng; toàn bộ khung nhà làm cột gỗ; sàn gỗ; mái lợp ngói đất nung mầu đỏ. Để bảo đảm quá trình bảo tồn, làm mới nhà truyền thống ở Che Căn đúng với mô hình nhà cổ, trước khi triển khai, Sở đã họp, lấy ý kiến thống nhất của dân bản nên quá trình thực hiện nhận được sự đồng lòng, ủng hộ nhiệt tình của bà con.

Kể về quá trình triển khai các hạng mục trong dự án, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Chì cho biết: Với mong muốn bảo tồn những nét kiến trúc truyền thống còn lại của một số ngôi nhà ở bản Che Căn, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở đã khảo sát kỹ lưỡng và thấy rằng, tại thời điểm tháng 4-2010, bản chỉ có một ngôi nhà giữ nhiều nét truyền thống trong tổng số 81 ngôi nhà. Nhiều bộ phận trong nhà được cải tiến, song cách bài trí thì hầu như bà con đều giữ được, đó là việc bố trí phòng ngủ của các thành viên trong gia đình theo ngôi thứ. Thí dụ: Phòng ngủ đầu tiên cạnh gian thờ là của bố mẹ; tiếp theo là phòng ngủ của con trai cả, con trai thứ hai..., con gái và các cháu chắt… Vì cấu trúc nhà sàn ở bản Che Căn đã thay đổi nhiều nên trong quá trình thực hiện các hạng mục bảo tồn, phục dựng, cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải tham khảo, ghi chép cẩn thận ý kiến tham gia của các cụ cao niên trong bản. Khi triển khai tu sửa, thay thế từng hạng mục của 10 ngôi nhà, Sở cũng đề nghị các gia đình trong bản cử người hỗ trợ; đồng thời động viên mọi người ghi nhớ, lưu giữ kiến trúc tổng thể cũng như từng chi tiết các bộ phận trong nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Lò Văn Tuấn - chàng thanh niên cùng tham gia sửa nhà ngày ấy vẫn nhớ: “Đi làm mà như đi học, bởi vừa làm chúng em vừa được các ông, các bác giải thích ý nghĩa từng chi tiết, bố cục của ngôi nhà. Sau những ngày làm nhà em đã hiểu vì sao nhà sàn truyền thống của người Thái đen có hai cầu thang ở hai chái nhà; vì sao trước đây hai chái nhà lại khum khum hình mai rùa mà ngày nay lại làm mái vuông”.

Bằng cách làm trách nhiệm, có sự ủng hộ nhiệt tình của người dân bản Che Căn, sau gần hai năm triển khai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục sửa chữa của 10 ngôi nhà và làm mới một nhà truyền thống dân tộc Thái trong niềm vui khôn xiết của mọi người. Ngày chủ đầu tư tổ chức cắt băng khánh thành, bàn giao nhà truyền thống cho bà con dân tộc Thái bản Che Căn, những bậc cao niên trong bản như ông Lò Văn Hợp, bà Vì Thị Phanh, ông Lò Văn Phóng… đã không kìm được niềm vui trào dâng đến tràn nước mắt. Bởi họ hiểu, từ nay dưới mái nhà truyền thống này người Thái bản Che Căn sẽ có thêm những buổi quây quần đầm ấm; người già sẽ kể cho con cháu nghe chuyện cha ông họ về đây tìm đất dựng nhà, lập bản. Và cả chuyện thế hệ ông cha lấy tên ngọn núi Che Căn làm tên bản bây giờ là bởi vì tên của núi đã mang nghĩa hy vọng, chở che…

Giải thích thêm nghĩa của tên gọi Che Căn theo tiếng dân tộc Thái, bà Thẳm Thị Hiên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng nói rằng, nguyên gốc hai từ “Che Căn” là “Che Cẳn”; tiếng Thái nghĩa là che chở, ôm ấp, đùm bọc. Không biết có phải ý nghĩa của tên bản hay không, nhưng thực tế qua bao biến thiên lịch sử, người dân Che Căn luôn đoàn kết, đùm bọc nhau. Xa xưa chỉ là một bản nhỏ với vài nóc nhà, vậy mà nay Che Căn đã có 102 gia đình với 497 nhân khẩu. Người Che Căn hay lam hay làm nên rất hiếm năm có nhà bị đói, mà nếu có thì bà con lại túm vào người cho ít gạo, ít ngô giúp qua cơn hoạn nạn. Mỗi khi gia đình nào trong bản có việc vui, chuyện buồn thì bà con đều chung tay góp sức để việc vui nhân đôi còn chuyện buồn sẻ nửa. Cũng chính bởi đoàn kết và gắn bó bền chặt nên ở Che Căn chẳng ai bảo ai, mọi người đều tự nguyện giao ước làm cùng một kiểu nhà sàn truyền thống dân tộc Thái để nơi đây mang nét riêng của bản Thái cổ ở Mường Phăng. Hiện giờ Che Căn đã có 100 gia đình làm nhà sàn kiểu truyền thống dân tộc Thái, còn hai gia đình đang khó khăn đành làm nhà tạm đợi khi đủ kinh phí sẽ làm. Và chắc chắn khi họ làm nhà, bà con trong bản sẽ góp công, góp sức để mỗi nhà sàn mới đều mang dáng dấp nhà Thái cổ Che Căn.