“Gia tài” của họa sĩ vẽ Kiều

NDO -

21 năm vẽ Kiều nhưng chưa từng bán một bức tranh Kiều nào, đây là lần đầu tiên họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn trưng bày những bức họa vô giá đối với anh ở một nơi mà anh coi là Thánh đường nghệ thuật: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn tặng tranh vẽ Kiều cho Khu di tích lịch sử đặc biệt - Khu Lưu niệm Nguyễn Du.
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn tặng tranh vẽ Kiều cho Khu di tích lịch sử đặc biệt - Khu Lưu niệm Nguyễn Du.

Cuối tuần qua, Triển lãm Hội họa Truyện Kiều trưng bày các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn do Hội đồng Gia tộc Họ Nguyễn Tiên Điền phối hợp với họa sĩ thực hiện đã diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm giới thiệu 96 tác phẩm minh họa Truyện Kiều, được lựa chọn ra từ hơn 5.000 phác thảo và tác phẩm cùng đề tài của họa sĩ sáng tác trong suốt 21 năm. Tại Triển lãm, có giới thiệu rất nhiều tranh họa sĩ vẽ từ năm 1999. 

Nguyễn Tuấn Sơn còn được biết đến với nghệ danh “Sơn Kiều”. Anh luôn cho rằng mình đến với đề tài tranh Kiều như một mối nhân duyên đặc biệt. Hồi còn đi học, trong một lần về quê lục tủ sách của ông nội, anh tìm thấy cuốn cuốn Truyện Kiều và rất thích. Đến 1999, anh bắt đầu vẽ Kiều, và cũng từ đó, anh thấm dần những câu, những chữ trong cuốn sách để hiểu thêm được những giá trị to lớn của tác phẩm này. 

“Gia tài” của họa sĩ vẽ Kiều -0
 

Với hơn 20 năm nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo, Nguyễn Tuấn Sơn đã “dấn thân” vào đề tài này với cái nhìn và cách vẽ rất đặc biệt. Các tác phẩm của anh không chỉ minh họa tác phẩm Truyện Kiều mà là vẽ theo xúc cảm, cảm hứng, những nét vẽ trừu tượng khiến người xem tranh phải soi kỹ nhiều lần, khám phá từng đường nét của bức họa và không ngừng tưởng tượng. Tranh Kiều của Nguyễn Tuấn Sơn mang một phong cách hoàn toàn mới lạ. Những nét vẽ khỏe khoắn, dày đậm đặc tả những nhân vật trong tác phẩm, cho dù đó là Mã Giám Sinh, thằng bán tơ hay những cô gái trong vòng kim cô của Tú Bà. Còn nàng Kiều, mang một vẻ buồn ngơ ngác trong “Nàng Kiều của tôi”, luôn gắn liền với cây đàn tỳ bà hoặc đàn nguyệt. Những hình ảnh về các nhân vật trong Truyện Kiều của anh dường như đã thoát khỏi những quan niệm xưa nay, như Tú Bà, Hoạn Thư, Thúc Sinh, Đạm Tiên…

“Gia tài” của họa sĩ vẽ Kiều -0
 

Tranh Kiều của Nguyễn Tuấn Sơn còn là sự kết hợp giữa hội họa phương Tây và những giá trị mỹ thuật dân tộc. Trong những “Chàng Kim”, “Bốn dây như khóc như than”…  đâu đó thấp thoáng những đường nét của điêu khắc đình làng, của lễ hội, của những vở chèo sân đình, phối hợp với những đường nét khỏe khoắn và chất liệu hiện đại. 

“Gia tài” của họa sĩ vẽ Kiều -0
 Chân dung Nguyễn Du.

Tranh Kiều, có những bức anh vẽ rất lâu, nhưng cũng có những bức anh hoàn thành chỉ trong vòng vài phút. Nguyễn Tuấn Sơn kể, có đêm anh ngủ mơ thấy hình ảnh Đại thi hào Nguyễn Du, và ngay lập tức anh đã bật dậy và vẽ thật nhanh. “Khi đó tôi vớ được mấy cây màu sáp vẽ vội, vì chỉ có mỗi màu sáp ở bên cạnh lúc đó. Tôi vẽ rất nhanh, chỉ vài đường nét, toàn bộ chỉ trong vòng năm phút. Tôi luôn cảm tưởng đó là Cụ, với tất cả sự linh thiêng, đã cho tôi thấy và cho tôi vẽ nên bức tranh”.

“Gia tài” của họa sĩ vẽ Kiều -0
 Bản Kiều Kinh năm 1898.

Nguyễn Tuấn Sơn còn là người chuyên sưu tầm truyện Kiều cổ xưa. Tại triển lãm, anh giới thiệu tới người xem bản Kiều Kinh, tức là tác phẩm Truyện Kiều dưới dạng bản kinh ngự dụng (chuyên dành cho vua chúa). Cuốn Kiều Kinh này được Công Thiệu Đường in vào mùa Đông năm Mậu Tuất (1898), dưới thời vua Thành Thái và được lưu giữ như một tài liệu văn học cho hoàng thân quốc thích sử dụng.

“Gia tài” của họa sĩ vẽ Kiều -0
 

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn sinh ngày 10-8-1978 tại thị trấn Hưng Nhân, Hưng Hà, Thái Bình. Anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Hơn hai mươi năm sáng tác tranh lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đã có nhiều hoạt động gắn với Truyện Kiều như vẽ minh họa kết hợp với thư pháp chữ Nôm của nhà nghiên cứu Châu Hải Đường viết, triển lãm tranh cảm hứng từ các nhân vật trong Truyện Kiều, đem các tác phẩm vẽ về Truyện Kiều giới thiệu tại nước ngoài…

Anh còn được biết đến trong vai trò là một nhà giáo với nghệ danh Picas Sơn, một người truyền cảm hứng nghệ thuật tới các thế hệ học trò. Bởi vậy dù ở bất kỳ tác phẩm nào, anh luôn đặt mục tiêu phải có tính định hướng giáo dục, thiết thực, phát triển năng lực cho học sinh, sinh viên.

“Tôi luôn quan niệm rằng, vẽ minh họa Truyện Kiều không đơn giản là sự thỏa mãn cá nhân, mà xa hơn, đây là một phương tiện hữu ích cho giáo dục đương thời, thúc đẩy sự sáng tạo trong mỹ thuật, lan tỏa những giá trị văn hóa của Truyện Kiều trước thời đại mới” - họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn tâm niệm.

Mơ ước lớn nhất của họa sĩ là có một “không gian văn hóa Kiều” tại Hà Nội, để nhiều người có thể đến và cùng cảm nhận, tìm hiểu những giá trị to lớn của Truyện Kiều.