Dựng lại “Một thời mũ rơm mũ cối”

NDO -

NDĐT - Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vừa cho ra mắt tác phẩm mới nhất của mình “Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối” do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành. Suốt hơn 300 trang sách, hình ảnh về những đứa trẻ ở trại trẻ sơ tán Báo Nhân Dân hơn 50 năm trước cùng những câu chuyện cảm động về một thế hệ các nhà báo 71 Hàng Trống cứ hiện lên một cách tự nhiên, sinh động qua giọng văn giản dị nhưng giàu cảm xúc của tác giả.

Dựng lại “Một thời mũ rơm mũ cối”

Theo tác giả “Kính thưa Ôsin”, đây là tác phẩm mà anh dành nhiều tâm huyết nhất trong cuộc đời cầm bút của mình. “Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối” được anh viết và biên soạn có nội dung về cuộc sống của những cô cậu bé dưới nhà mái nhà khu tập thể và Tòa soạn Báo Nhân Dân, với những chuyển dịch bám sát theo thời cuộc của một giai đoạn lịch sử không thể nào quên trong ký ức mỗi người Hà Nội và cả nước: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Những dòng hồi ức “một thời đạn bom” ấy bắt đầu từ ngõ Lý Thường Kiệt. Nơi mà theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, cứ “ra ngõ… gặp nhà báo” là tập thể của các gia đình làm báo Nhân Dân. Những câu chuyện sinh hoạt thường ngày, những lần khám phá thú vị của cậu bé chưa đầy 10 tuổi khi được theo cha lên tòa soạn mãi khắc sâu trong tâm trí của tác giả.

Và theo dòng chảy ký ức, tác giả tiếp tục đưa người đọc đến với những địa danh như Vân Đình, Tuy Lai, Thống Nhất,… những nơi từng chở che những đứa trẻ của Báo Nhân Dân trong mỗi lần sơ tán tránh bom đạn. Cùng với đó, hình ảnh tươi đẹp về những vùng quê Bắc Bộ, về cuộc sống hồn nhiên của những đứa trẻ một thời không thể lãng quên cứ hiện về, ám ảnh người đọc. Đó là những rặng tre làng mộc mạc, những hầm chữ A in dấu chân trần, những bữa cơm độn sắn… Một thời mũ rơm, mũ cối còn có “những buổi trưa ngủ dậy từng đứa trẻ xếp hàng nhận phần kẹo, bánh được các mẹ cất rất ngăn nắp trong tủ chia nhau. Đôi khi có những tiếng nấc buồn khi có đứa không có chút gì trong tủ bánh… Rồi những buổi chiều thứ bảy hoặc sáng chủ nhật, cả bọn dắt díu nhau ra ngồi đầu làng chờ bố mẹ từ Hà Nội lên thăm, vừa ngồi ngóng vừa đoán xem ai sẽ có quà…”.

Nhưng “Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối” không chỉ là những câu chuyện sinh hoạt nô đùa của trẻ nhỏ, tác giả còn mang đến cho người đọc nhiều tư liệu quý, những câu chuyện cảm động của những nhà báo - chiến sĩ bên gốc đa 71 Hàng Trống. Đó là những câu chuyện giản dị nhưng chất chứa những bài học lớn về phong cách làm báo của Bác Hồ trong mỗi lần đến thăm Báo Nhân Dân, là chân dung những nhà báo mẫu mực, những tấm gương sáng cho thế hệ sau học tập, noi theo. Đọc “Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối” để mỗi người thấu hiểu hơn về tình yêu đất nước, tình yêu gia đình, sự tận tụy hy sinh của những con người “một thời đạn bom, một thời hòa bình” .

Và có lẽ vì được sống, được giáo dục trong môi trường đầy lòng từ ái đó, những đứa trẻ ở trại sơ tán năm xưa nay đã lớn lên và đều thành công trên con đường riêng của mình, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ cha ông, của những người làm báo Nhân Dân.