Tác phẩm mới

Chuyện trên phây của một bác sĩ nổi tiếng

Ông là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, đại biểu Quốc hội, giáo sư, tiến sĩ y khoa, Thầy thuốc Nhân dân, người sáng tác thơ, nhạc, văn xuôi… nhưng tôi xin gọi ông với danh xưng “bác sĩ”, bởi theo tôi, cách gọi đó ngắn gọn và đầy đủ nhất.

Chuyện trên phây của một bác sĩ nổi tiếng

Chắc hẳn nhiều bạn đọc có chung tâm trạng tò mò như tôi khi cầm trên tay cuốn truyện ký Nguyễn Anh Trí - Chuyện trên phây (NXB Hội Nhà văn, 2021) của tác giả Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng đầu tiên của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư (2003 - 2017). 

Chuyện trên mạng xã hội vốn từ lâu được coi là chuyện cá-nhân-công-khai, đôi khi vô thưởng vô phạt, vui là chính, tự viết tự chịu trách nhiệm. Vậy mà một giáo sư đầu ngành huyết học lại in Chuyện trên phây  ấy thành cuốn sách dày dặn gần 300 trang, tập hợp tám câu chuyện đã đăng trên facebook khoảng từ đầu năm 2018 đến cuối năm 2020 “được sàng lọc, sửa chữa và tuyển chọn của chính thành viên trong đại gia đình facebook” (trang 6). 

Mở đầu là “Chuyện đi tàu hỏa thời bao cấp”, mới đọc hơi vụn vặt, nhưng càng đọc càng hấp dẫn. Trong chuyện có đủ bi, hài, hỉ, nộ được viết ra mộc mạc, chân thành, xúc động vì vậy có sức cuốn hút và thuyết phục. Tác giả đã trải qua vô số chuyến tàu chợ, tàu nhanh thời bao cấp khốn khó, khi thì bị lừa đảo, lợi dụng, khi thì được những người buôn hàng chuyến tặng những đồng tiền khó nhọc vì “biết em là sinh viên, khó khăn lắm”; lại có lúc được các chị, các em thay nhau đỡ đầu, cho gối lên đùi họ vì thương chàng sinh viên sau ba đêm không được ngủ, rũ xuống sàn tàu…, để mà rút ra chiêm nghiệm chắc nịch rất đáng suy nghĩ trong hoàn cảnh hôm nay “cuộc sống lúc đó rất gian khổ nhưng thật sâu nặng tình người”, “đều rất đẹp” (trang 52-53). 

“Ký sự Sơn Đoòng” lại hấp dẫn kiểu khác với những đoạn miêu tả thiên nhiên rung động và diễm lệ “trăng 17 treo lơ lửng trên dòng sông Son, phủ ánh vàng thuần khiết xuống núi rừng” (trang 56), “con suối len lỏi, lúc sôi sục, đục ngầu, lúc lững lờ, xanh trong; những cánh rừng nguyên sinh cây thẳng tắp, tươi tốt; rồi chim hót, bướm bay, mùi nấm, mùi quả chín rụng, mùi rêu mốc thời gian…” (trang 68) hoặc những tình huống thót tim khi vượt “Bức tường Việt Nam”. Tôi đặc biệt ấn tượng chi tiết: tác giả trước lúc rời động, nhìn thấy một viên thạch anh rất đẹp ai đó đặt trên một mỏm nhũ đá. Toan lấy về làm kỷ niệm nhưng thôi vì “cầm đi ngắm lại và cảm nhận được có nhiều người đã cầm, đã xem như tôi nhưng không ai lấy về cả!”. Giá trị mà Sơn Đoòng mang lại cho chúng ta là “tin vào chính mình và hiểu chính mình hơn”.

Các câu chuyện khác như “Về Bạc Liêu tìm hiểu sự thật người nữ anh hùng”, “Câu chuyện Tây Tiến”, “Chuyện đi K8”… rậm rạp những chi tiết cảm động, hào hùng cùng kiến thức phong phú từ những miền văn hóa, được diễn đạt bằng ngôn ngữ địa phương giàu bản sắc nhưng cũng rất cô đọng, chính xác cho thấy năng lực quan sát, thu thập, tổng hợp tư liệu rất cao của người viết.

Nhưng có lẽ phần được tác giả chăm chút nhất là chuyện cuối “Kiến Giang - dòng sông cuộc đời” với dung lượng gần nửa cuốn sách. Cái con sông “cứ xoắn xuýt lấy đời tôi, chứng kiến và chia sẻ tất cả các sự kiện trong đời tôi” (trang 203) thuở ấy. Thật hạnh phúc cho những ai có một miền quê như ông, yêu quê như ông, để có được một tuổi thơ ngập tràn ký ức, phong phú, sinh động lạ lùng, mãi mãi không quên; là hành trang vững vàng tuyệt vời để vào đời, biết ơn cuộc đời đẹp xao xuyến và vô cùng nhân ái.  Đọc chuyện, thấy hiện lên một vùng văn hóa thênh thang vời vợi, nơi cuộc sống gian khó mà lấp lánh tình người, những mùa lũ khốc liệt nhưng lại đem đến cơ hội có một không hai cho tuổi thơ: học bơi, cứu người đuối nước, bắt cá, bẫy chuột, bắt chim, kiếm củi... “Kiến Giang - dòng sông cuộc đời” chứa đựng nhiều chất liệu tiểu thuyết và tôi hy vọng một ngày nào đó tác giả Nguyễn Anh Trí sẽ lại cho ra đời một cuốn sách thể loại này, hứa hẹn sẽ hay và hấp dẫn. 

Nói thêm một chút về văn phong. Có lẽ do viết trên facebook “đăng từng đoạn để mọi người đọc cho vui” như tác giả chia sẻ trong lời mở đầu cho nên văn hoạt, phóng khoáng, lôi cuốn  bằng chính sự chân thực, không uốn éo, làm màu. Và nữa, thông qua công cụ mạng xã hội, cuốn sách đã được bạn đọc góp ý sửa lỗi, những chi tiết chưa chính xác… nên ở góc độ nào đó thì đây là tác phẩm có sự tham gia của cộng đồng. Điều đáng nói là tác giả đã chắt lọc, chọn ra những gì tinh chất nhất để sách giữ nguyên dấu ấn tài hoa của người viết, nhưng vẫn bảo đảm tính trung thực, chân thành. 

Đã có một số cuốn sách thành công, khởi nguồn từ đăng trên facebook như “Hồi ức lính” của Vũ Công Chiến, hoặc viết ra với ý định ban đầu để đăng facebook như “Quân khu Nam Đồng” của Bình Ca. Và bây giờ lại có thêm một  cuốn sách thú vị, đó là “Nguyễn Anh Trí - Chuyện trên phây”.