Văn hóa và Phát triển

Can Lộc tỏa sáng từ bề dày truyền thống

Can Lộc không giàu đẹp, nhưng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, con người cần cù sáng tạo. Theo tháng năm, những đặc trưng, phẩm chất đẹp đẽ của đất và người đã giúp vùng quê này tỏa sáng.

Trung tâm thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Trung tâm thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Huyện Can Lộc nằm trọn phía tây và nam dãy Hồng Lĩnh, biểu tượng của cả vùng xứ Nghệ. Năm 1469, vua Lê Thánh Tông đặt tên huyện là Thiên Lộc, nghĩa là "lộc giời". Năm này được coi là năm thành lập huyện. Ðến năm 1862 (Tự Ðức thứ 15), húy chữ "Thiên" để tỏ lòng kính trời, nhà Nguyễn mới đổi ra Can Lộc. Can Lộc là "cầu lộc", chỉ huyện có nhiều người làm quan, ước được làm quan để ăn lộc nước.

Truyền ngôn cổ nhân về Can Lộc có ba câu đáng nhớ: "Xã tắc chi trảo nha"; "Văn Lai Thạch, sách Hoàn Hậu", "Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc". "Xã tắc chi trảo nha", nói về Can Lộc thời nào cũng có đóng góp người trụ cột cho nước nhà như Ðặng Tất, Ðặng Dung, Ðặng Bá Tĩnh, Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Thiếp đến 42 vị đại khoa và hàng chục danh tướng nổi tiếng khác thời phong kiến,... "Văn Lai Thạch, sách Hoàn Hậu" để chỉ Hà Tĩnh có Lai Thạch; Nghệ An có Hoàn Hậu (Quỳnh Ðôi) là hai địa phương có nhiều sĩ tử giỏi. Câu "Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc" xuất hiện từ nửa sau thế kỷ 17 khi có Vũ Diệm người xã Vượng Lộc, Can Lộc hay chữ nhất một thời, đứng đầu Tràng An tứ hổ và nhiều vị đại khoa khác xuất thân từ Can Lộc. Vì sao thời Lê, Can Lộc có nhiều người đỗ đạt như vậy? Một nguyên nhân trực tiếp, quan trọng là vùng này có Thám hoa Phan Kính, sau đó là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh chăm lo dạy học theo cách phụ giáo tử đăng khoa và mở trường tại quê. Ở Trường Lộc có Phúc Giang thư viện, Trường Lưu học hiệu, có cơ sở in riêng, nay Mộc bản Trường Lưu dùng để in giáo khoa được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới.

"Ðất quê ta đào lên đâu cũng đỏ/Sông núi quê ta đâu cũng có anh hùng" - Ðây là câu ca mới có từ thời cách mạng. Song nó cũng phản ánh một truyền thống anh hùng của vùng đất Can Lộc. Ðó là Hoàng đế Mai Thúc Loan (Mai Hắc Ðế) và chí lớn khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Ðường (thế kỷ 7) được nuôi dưỡng trên mảnh đất này. Trong những áng hùng văn bất hủ của đất nước, có bài thơ Cảm hoài của Ðặng Dung (xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc) với những vần thơ đầy chí khí: "Thù nước chưa đền, đầu sớm bạc?/ Mài gươm đã vẹt mấy vầng trăng". Cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi khi rút vào xứ Nghệ mới mạnh lên và từ đấy bách thắng... Nhìn lại lịch sử, năm 1908, phong trào chống sưu cao, thuế nặng ở Can Lộc nổi lên mạnh mẽ, hòa vào phong trào chống thuế khắp Trung Kỳ. Lãnh đạo phong trào Nguyễn Hàng Chi bị Bố chánh Hà Tĩnh lúc đó là tên Cao Ngọc Lễ kết án "tội khôi" (tội cầm đầu) và bị xử chém. Ngay từ khi mới có Ðảng, ngày 1-8-1930, nông dân Can Lộc đã nhất tề vùng lên, lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, lập nên chính quyền công nông ở nhiều thôn, xã; cùng các huyện khác của Nghệ An - Hà Tĩnh làm nên một Xô-viết anh hùng. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, Can Lộc thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. "Làng 130", biệt danh dành cho làng Hạ Lội ở xã Tiến Lộc, ngày 13-8-1968, với khẩu hiệu "Xe chưa qua, nhà không tiếc", nhân dân trong làng đã tự nguyện tháo dỡ 130 ngôi nhà để lát đường cho đoàn xe 130 chiếc chở xăng dầu, lương thực và đạn dược vận chuyển vào chiến trường miền nam. Kỳ tích Ngã ba Ðồng Lộc với sự hy sinh của hàng nghìn đồng bào, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông để giữ vững huyết mạch giao thông trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

"Rú Nghèn như một con tàu không đi" là câu thơ của Mai Hồng Niên, chỉ tình trạng "chậm chân" của Can Lộc khi cả nước đã đổi mới, bứt phá khỏi mọi tầm nhìn, tầm nghĩ lạc hậu cổ xưa. Can Lộc bây giờ không chỉ biết làm giàu mà còn biết làm thương hiệu. Mấy năm nay người Nghệ An, Hà Tĩnh khi ra Hà Nội đều tìm mua cho được cam vườn Thượng Lộc, một thương hiệu đã được đăng ký nhãn hiệu, để làm quà. Mới đây, ngày 17-10-2019, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ thay mặt Chính phủ ký Quyết định số 1405/QÐ-TTg công nhận huyện Can Lộc đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Ðây không những là một danh hiệu tự hào mà còn là sự khẳng định một sự đổi thay to lớn.

Ai đến Hà Tĩnh trong những năm qua, đều thấy một khí thế bốc cao như thời đánh Mỹ, thời "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ". Mỗi xóm nhỏ như một công trường. Ðể xây dựng quê hương, người dân không chỉ góp sức, góp của mà hiến cả sào vườn không một điều kiện gì. Nhà nhà hiến đất để đường sá to lớn, phong quang. Ðường làng không chỉ ô-tô tránh nhau được mà còn trồng hoa hai bên vệ đường; không khác gì
đô thị!

Phú Lộc quê tôi lâu đời lạc hậu, người xưa từng nói "Lộ Ðông Tây bất khả hành" vì toàn đường nhỏ và lầy lội. Thế mà sau khi tiến hành xây dựng nông thôn mới, Cống 19 trở thành thị tứ, đất Phú Lộc đắt ngang với thị xã Hồng Lĩnh, khiến người các xã khác và từ thành phố tập trung về sinh sống, làm ăn rất đông đúc. Một con số đáng ngạc nhiên khác là 10 năm qua, thu nhập của người dân thành thị ở Hà Tĩnh tăng 2,9 lần, còn khu vực nông thôn tăng 3,6 lần; nhiều hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Cha là nông dân, con đi du học ở nước ngoài về lại làm việc cho cha. Ở quê làm giàu, làm ông chủ, chẳng phải đi đâu cả. Trường hợp như Lê Văn Hải ở xã Thường Nga từ nhiều năm nay chỉ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là không hiếm. Can Lộc đã xóa được nhà tranh tre dột nát. Ðó là bài học lớn về vận động sức dân, huy động mọi nguồn lực xã hội và cái quan trọng nhất cần thấy là vì lợi ích thiết thực của nhân dân. Khó cũng trở thành dễ khi được lòng dân, sức dân.