Cảm hứng Truyện Kiều trở lại trong điện ảnh

Hai dự án phim điện ảnh lấy cảm hứng từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du vừa ra mắt công chúng, đó là Kiều @ của đạo diễn Đỗ Thành An và Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền. Bên cạnh nguồn cảm hứng chính từ một kiệt tác, mỗi dự án đều có nét đặc biệt riêng về kỹ thuật, sáng tạo để chinh phục khán giả. 

Một cảnh trong phim Kiều. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)
Một cảnh trong phim Kiều. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)

Bộ phim Kiều @ của đạo diễn Ðỗ Thành An gây chú ý với kỹ thuật "one-shot" (cú máy tiếp diễn) - một cách làm phim mà trên thế giới vẫn ít đạo diễn dám chinh phục vì kinh phí cao, kén kịch bản. Theo thông tin từ đoàn phim, đây là phim "one-shot" thứ 31 trên thế giới có độ dài hơn 90 phút, đầu tư trong khoảng ba năm. Lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của Ðại thi hào Nguyễn Du, nội dung phim xoay quanh cuộc đời của một cô gái thời hiện đại, bị lừa gạt và sa ngã vào nghề "buôn phấn bán hương", chịu nhiều bi kịch trong cuộc sống, tình yêu trước khi tìm đến sự giải thoát. Sau khi Phấn, nhân vật phảng phất hình bóng của Thúy Vân trong Truyện Kiều bị ngưng tim, linh hồn của cô tạm rời xa thể xác với biết bao chất chứa trong lòng để đi tìm lời giải cho những câu hỏi bấy lâu nay về chị gái. Phim có góc máy liên tục chuyển động, từ cao xuống thấp, len vào từng góc hoặc dài trong không gian lớn, xuyên suốt đến vài chục phút. Tiết tấu phim nhanh, tạo được mối tương quan, đối sánh với Truyện Kiều.

Kỹ thuật phim hiện đại này mang đến sự mới mẻ, bung phá khỏi cách làm quen thuộc chủ yếu dựa trên cơ sở ba khung hình: cận, trung, toàn cảnh, tạo nét khác biệt, tác động trực tiếp đến tâm lý, cảm nhận đa chiều của khán giả. Tại các buổi chiếu, cũng có đối tượng khán giả cho rằng phim khó xem bởi tiết tấu quá nhanh, tình tiết gây sốc. PGS, TS Ðỗ Lệnh Hùng Tú, Giám đốc nghệ thuật kiêm thiết kế mỹ thuật của bộ phim nhận định, phim "one-shot" không phải chỉ để phô diễn kỹ thuật hay mà thật sự cần thiết với điện ảnh, cung cấp thêm một cách tiếp cận mà điện ảnh thế giới cũng đang chinh phục. Ðó còn là cách làm tốt nhất với
những kịch bản hiện đại như Kiều @. Theo nguyên tắc kỹ thuật, một cảnh phim là một cú bấm máy, tại Việt Nam, còn rất ít người hiểu rõ và đúng về kỹ thuật này. Theo giới chuyên môn, với mặt bằng chung của điện ảnh trong nước, đây là cách làm phim đầy mạo hiểm. Các diễn viên chính của phim như: Phan Thị Mơ, Mạnh Lân, Cao Thái Hà cho biết, kỹ thuật mới tạo thách thức lớn trong diễn xuất bởi chỉ cần một người không tập trung là công sức của cả đoàn thành vô nghĩa. Ngay ở những lần quay thử, một số diễn viên còn nản lòng vì quá khó diễn. Khó khăn nữa mà ê-kíp phim Kiều @ đang đối diện đó là mức doanh thu khi ra rạp còn nhỏ, chưa tương xứng với kinh phí hơn một triệu đô-la Mỹ đã đầu tư.

Tiếp nối phim Kiều @, dự án phim Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền cũng vừa ra mắt. Không chọn kể câu chuyện hiện đại nhằm liên tưởng tới một kiệt tác, nội dung phim Kiều chọn diễn tả lại nội dung chính trong nguyên tác, cụ thể là bối cảnh Thúy Kiều lưu lạc vào chốn lầu xanh, may mắn được Thúc Sinh cứu thoát. Tình cảm vừa nảy nở đã bị vợ của Thúc Sinh là Hoạn Thư phát hiện, ra đòn ghen tuông nhớ đời. Ngoài nội dung chính, ê-kíp phim đã sáng tạo thêm những góc nhìn mới qua khắc họa chân dung, tính cách nhân vật. Tác giả kịch bản - NSƯT Phi Tiến Sơn và đạo diễn Mai Thu Huyền cho biết, khát vọng tự do là một trong những thông điệp mà phim điện ảnh Kiều muốn truyền tải đến khán giả. Ðạo diễn phim đã làm việc với nhiều nhóm tác giả khác nhau và sau bốn lần mới có kịch bản ưng ý. Ê-kíp phim cũng mời nhiều chuyên gia ở lĩnh vực điện ảnh và các ngành, nghề khác nhau đọc góp ý, chỉnh sửa tới bảy lần mới tiến hành sản xuất phim. Là một bộ phim cổ trang cho nên bối cảnh, phục trang phim được đầu tư công phu, tốn kém. Kiều được quay tại sáu tỉnh, thành phố là: Thừa Thiên Huế, Cao Bằng, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị và TP Hồ Chí Minh.

Điểm chung của hai phim Kiều @ và Kiều đều chọn diễn viên nữ chính là gương mặt mới hoàn toàn với điện ảnh như: Phan Thị Mơ, Trình Mỹ Duyên. Theo các đạo diễn, lý do tìm gương mặt mới đó là muốn chinh phục khán giả bằng sự mới mẻ, không gợi lại những hình tượng đã "đóng đinh" trên màn ảnh. Các diễn viên lần đầu chạm ngõ điện ảnh phải trải qua huấn luyện đào tạo để hóa thân vào nhân vật. Tuy nhiên, ở lần đầu tiên chinh phục vai nữ chính, cả hai diễn viên Phan Thị Mơ và Trình Mỹ Duyên vẫn chưa tạo được nhiều ấn tượng, đột phá, mà mới chỉ dừng ở mức tròn vai. Trong khi doanh thu là một trong những yếu tố đánh giá thành công của tác phẩm điện ảnh thì hai bộ phim lại được giới chuyên môn dự đoán khó vượt doanh thu của những phim điện ảnh Việt Nam đang ra rạp như Bố già (đạo diễn Vũ Ngọc Ðãng, Trấn Thành) và Gái già lắm chiêu V (đạo diễn Nam Cito, Bảo Nhân) bởi sự thể nghiệm còn chưa mang đến kết quả khả quan, đủ hấp dẫn khán giả.