101 vị tướng lĩnh Ninh Bình thời đại Hồ Chí Minh qua ngòi bút các nhà văn

NDO -

Chân dung hơn 100 vị tướng thời đại Hồ Chí Minh được khắc họa qua bộ sách đồ sộ dày gần 1000 trang mang tên “Tướng lĩnh Ninh Bình thời đại Hồ Chí Minh” vừa ra mắt bạn đọc sáng 29-4 tại Ninh Bình.

Bà Bùi Mai Hoa, nhà văn Sương Nguyệt Minh và người dẫn chương trình trò chuyện cùng nhân vật trong bộ sách.
Bà Bùi Mai Hoa, nhà văn Sương Nguyệt Minh và người dẫn chương trình trò chuyện cùng nhân vật trong bộ sách.

Điểm đặc biệt nhất của bộ sách là chân dung 101 vị tướng này được thể hiện qua ngòi bút của các nhà văn, nhà báo tên tuổi như Sương Nguyệt Minh, Khuất Quang Thụy, Đỗ Bích Thúy, Phùng Văn Khai Nguyễn Đình Tú, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Mạnh Hùng, Đặng Vương Hưng, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Văn Học, Thanh Hằng, Phan Hoạt, Trần Quang Đạo, Đăng Trường, Thúy Hà, Huyền Trang…

Bộ sách do Ban Liên lạc Tướng lĩnh Ninh Bình tổ chức thực hiện, nhà văn Sương Nguyệt Minh biên soạn, phần Tướng lĩnh Công an do nhà thơ Đặng Vương Hưng biên soạn. 

Ban Liên lạc Tướng lĩnh Ninh Bình cho biết, ý tưởng của bộ sách là ghi nhận, tôn vinh các tướng lĩnh Ninh Bình thời đại Hồ Chí Minh, lưu giữ một phần cuộc đời, sự nghiệp để lại cho thế hệ sau và quê hương…

Lịch sử ghi nhận vùng đất Ninh Bình địa linh nhân kiệt từng có những người cầm quân tài giỏi, xưng vương xưng bá, những danh tướng để lại tên tuổi cho hậu thế, với Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn, Nguyễn Bặc, Trương Hán Siêu… Ngày nay, vùng đất này là quê hương của 107 vị tướng, trong đó 52 vị tướng được khắc họa chân dung trong tập 1 với thể loại bút ký. Các tướng lĩnh Ninh Bình gồm có ba thế hệ: thế hệ ra đi trước năm 1945 và chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, thế hệ nhập ngũ thời chống Mỹ và thế hệ từ năm 1975 đến nay. 

Các thế hệ tướng lĩnh Ninh Bình nhiều người đã để lại những chiến công to lớn và sự nghiệp huyền thoại, vẻ vang, như Đại tướng, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thượng tướng Nguyễn Hữu An, một trong những tướng lĩnh trẻ nhất mặt trận Điện Biên Phủ; Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm – nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội NDVN là tướng trận mạc trưởng thành từ binh nhì, tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm 18 tuổi đã đánh Mỹ trận đầu tiên, được phong từ chiến sĩ lên trung đội trưởng, 22 tuổi đã làm cán bộ tiểu đoàn; Trung tướng Nguyễn Văn Vượng, nguyên Tư lệnh Cảnh sát cơ động, thời trẻ tham gia ba chiến dịch lớn: giải phóng Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung tướng Phạm Quốc Cương – Tư lệnh Cảnh sát cơ động được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì những thành tích đặc biệt xuất sắc bảo vệ trật tự an toàn xã hội…

Nói về bộ sách, nhà văn Nhà văn Sương Nguyệt Minh cho biết: “Ban đầu nhận viết, chúng tôi cũng rất băn khoăn, bởi vì rất ít người, ngay cả anh em nhà văn quân đội viết về chân dung một vị tướng nào đó. Sau một cuộc nói chuyện giữa các nhà văn, nhà thơ, tôi chợt nhận ra, tại sao chưa một vị tướng nào trở thành nhân vật của các nhà văn. Các vị tướng là những nhân vật đặc biệt, thậm chí là những nhân vật huyền thoại, không kém những chiến tích huyền thoại trong lịch sử của cha ông ta. Nếu chúng tôi thể hiện chân dung các vị tướng là những nhân vật văn học sống mãi với thời gian, thì các nhà văn cũng sống mãi với thời gian”.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng cho biết, các nhà văn làm bộ sách cũng có rất nhiều áp lực. Nhiều tướng lĩnh đã mất. Có những người chiến công rất huyền thoại nhưng không có một tư liệu hay thông tin. Áp lực lớn nhất là tìm tư liệu. Ngoài ra, các nhân vật, có những nhân vật quá lớn, thí dụ như Thượng tướng Nguyễn Hữu An đã được viết quá nhiều rồi, vậy viết như thế nào cho mới.

Nhà văn Phùng Văn Khai chia sẻ, những người làm bộ sách này đã phải đi lại những con đường các tướng lĩnh đã từng đi, phải ghi lại những điều từ trong ký ức của các tướng lĩnh, vui cùng niềm vui của họ và buồn những nỗi buồn hết sức đời thường của họ. 

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy cũng cho biết, khi được giao nhiệm vụ viết về Thiếu tướng Trần An, anh đã đi tìm thông tin, tư liệu ở nhiều nơi nhưng hoàn toàn không có. May mắn thay, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm – nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội NDVN lại là người học trò thân thiết, gắn bó lâu năm với Trung tướng Trần An. Ông đã cung cấp cho nhà văn Nguyễn Xuân Thủy rất nhiều câu chuyện từ chiến đấu đến cuộc sống riêng của Trung tướng Trần An. 

Nhà thơ Đặng Vương Hưng cũng chia sẻ những khó khăn trong quá trình làm bộ sách: “Đặc trưng của ngành công an là công việc lặng thầm và chiến công cũng lặng thầm, cho nên viết rất khó. Tiếp cận nhân vật, lấy tư liệu cũng rất khó. Các nhân vật hạn chế cung cấp thông tin đời thường. Có người, chúng tôi đã viết rồi nhưng sau lại phải bỏ một số phần. Có những nhân vật phải đến ba tác giả tiếp cận mới viết được. Tuy nhiên bằng trách nhiệm và nỗ lực của mình, chúng tôi đã hoàn thành được 36 chân dung, có chân dung vừa ý, nhưng cũng có chân dung chúng tôi chưa vừa ý”. 

Tuy nhiên, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho biết, trong quá trình viết, những áp lực trước đó mất dần, nhường chỗ cho cảm hứng về những câu chuyện của các tướng lĩnh. Những vị tướng lừng lẫy nhưng cũng có những chi tiết đời thường rất cảm động. Có vị tướng báo tử đã tám năm mới trở về nhà, bà mẹ xúc động không kịp ôm con mà chạy khắp bản khóc gọi người chồng đã mất để khoe con đã về. 

“Khi đi vào viết mới thấy những huyền thoại hết sức thú vị, tạo cảm hứng cho các nhà văn. Các nhân vật làm cho ngòi bút của chúng tôi phóng khoáng hơn, cảm động hơn” – nhà văn Sương Nguyệt Minh nói. 

Qua ngòi bút của các nhà văn, nhà báo quân đội và công an, chân dung các vị tướng hiện ra không chỉ với những chiến công hiển hách mà còn có cả góc nhìn bình dị đời thường. Thiếu tướng Trần An – Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Hà Giang, người gắn bó với mảnh đất biên giới Hà – Tuyên những năm 1979, cuộc sống riêng lại vất vả long đong. Bài viết của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy kể lại: “Ông đâu cũng mang vợ là bà Hiên cùng các con lên đấy. Ban đầu cả nhà ở Hòa Bình, rồi lại chuyển lên Lào Cai dựng một chiếc nhà sàn bên sông Nậm Thi sinh sống. Mỗi lần chiến sự xảy ra, ông cùng đồng đội phải tập trung vào chiến đấu, dằn mối lo lắng riêng tư vào lòng khi không biết vợ con ra sao, còn sống hay đã chết, có chạy kịp không… Sau này, khi chính sự vẫn đang căng thẳng, vợ ông bị ung thư đột ngột qua đời…”.

101 vị tướng lĩnh Ninh Bình thời đại Hồ Chí Minh qua ngòi bút các nhà văn -0
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm trao tặng bộ sách cho tỉnh Ninh Bình. 

Tiếp nhận bộ sách, các vị tướng lĩnh là những người xúc động nhất. Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm nhận xét: “Cuốn sách này chỉ là một phần, nhưng lại phản ánh đầy đủ nhất các giai đoạn của cuộc chiến tranh. Chỉ nói về một phần đời, một phần sự nghiệp của các tướng lĩnh nhưng lại phản ánh đầy đủ và trung thực về lịch sử quân đội và Công an nhân dân. Chúng tôi tiếp nhận bộ sách như một cái duyên với nhân dân, với đất nước”.

Bà Bùi Mai Hoa - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: “Khi đọc tôi rất xúc động vì có những câu chuyện, việc làm của các tướng lĩnh hết sức bình dị nhưng lại hết sức vĩ đại. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người dân Ninh Bình cũng chưa biết nhiều về những điều được viết trong cuốn sách. Tôi nhận ra, tướng lĩnh Ninh Bình không phải là một vài chục người ít ỏi, mà là một lớp người tinh hoa có những chiến công huyền thoại và có những đóng góp to lớn cho đất nước, nhưng lại được ít người biết đến. Tôi mong bộ sách ra đời đến được với rộng rãi các tầng lớp nhân dân Ninh Bình, nhất là lớp trẻ. Về lâu dài, bộ sách này có thể là một giá trị, tài sản, thậm chí có thể là một di sản tinh thần lớn lao của Ninh Bình”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Đây là một cuốn sách để lại trong tôi rất nhiều âm hưởng từ khi nhìn thấy bản thảo cho đến khi ký giấy phép phát hành. Sự lớn lao của cuốn sách lớn hơn trí tưởng tượng của chúng ta. Sau này chúng ta sẽ thấy giá trị của cuốn sách lớn như thế nào. Cuốn sách này đã dựng lên một đền thờ của văn hóa, của văn chương đối với các thế hệ đi trước. Một đền thờ mà các nhà văn dựng lên bằng ngôn ngữ của mình”.