Diễn đàn Chủ nhật

"Kết duyên" giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại

Thời gian qua, giới yêu âm nhạc Việt Nam chứng kiến sự ra đời của nhiều tác phẩm nghệ thuật thành hình từ sự kết hợp giữa các loại hình âm nhạc truyền thống và hiện đại. Trong đó phải nói tới "Xẩm Hà Nội", một vi-đê-ô âm nhạc (MV) thể hiện tình yêu nồng nàn với Hà Nội được nữ ca sĩ trẻ Nguyễn Thị Ngọc Hà (nghệ danh Hà Myo) ra mắt chưa lâu.

Đây là lần đầu nghệ thuật hát xẩm truyền thống được kết hợp một cách đầy ăn ý với ráp và nhạc điện tử cùng vũ đạo hiện đại, tạo nên một sản phẩm âm nhạc khác lạ, vừa mang nét độc đáo duyên dáng của văn hóa dân gian, vừa có sự tươi mới thời thượng của nghệ thuật hiện đại. Trong khi các MV xẩm trước đây đưa lên môi trường số chỉ có số lượt xem ít ỏi thì "Xẩm Hà Nội" đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của đông đảo người nghe nhạc trẻ tuổi. Điều này đủ nói lên sức hấp dẫn từ sự "kết duyên" giữa âm nhạc hiện đại và truyền thống.

Nghệ sĩ trẻ Ngô Hồng Quang cũng là gương mặt đáng chú ý, sở hữu nhiều tác phẩm khai thác chất liệu âm nhạc dân tộc phong phú ở các vùng miền đất nước. Anh vừa hoàn thiện an-bum mang tên "Tình đàn" sử dụng nhiều chất liệu âm nhạc bản địa Việt Nam. Trước đó, các ca sĩ như Hoàng Thùy Linh, Bích Phương… cũng đã tạo được dấu ấn riêng bằng các ca khúc nhạc pốp mang âm hưởng dân gian hoặc lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống dân tộc. Có thể thấy, việc tìm về âm nhạc truyền thống trong sáng tác âm nhạc đã trở thành xu hướng được nhiều người trẻ áp dụng những năm gần đây, góp phần thổi luồng gió mới cho đời sống âm nhạc đương đại. Xu hướng sáng tác này được coi là sợi dây kết nối công chúng yêu nhạc hiện đại với những giá trị âm nhạc truyền thống; không chỉ mang đến diện mạo mới mẻ mà còn đóng dấu bản sắc Việt cho những sản phẩm âm nhạc đương đại.

Bên cạnh đó, ở chiều ngược lại, cũng đã có những tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật truyền thống mạnh dạn đưa vào các yếu tố âm nhạc hiện đại để chinh phục công chúng trẻ. Nổi bật phải kể đến vở cải lương kết hợp xiếc "Cây gậy thần" vừa được Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp công diễn. Vở diễn đã mang đến thử nghiệm táo bạo khi những bản vọng cổ quen thuộc của cải lương như "Đoản khúc lam giang", "Vọng kim lang", "Phi vân điệp khúc"… được phối khí hoàn toàn mới trên nền nhạc jazz, cùng với đó là sự xuất hiện của ráp ở một số phân cảnh. Tất cả đã làm nên sự "vỡ hoang" đầy thú vị cho cải lương khiến không chỉ người trẻ trầm trồ mà chính những "lão làng" sân khấu cũng phải ngạc nhiên. Hay vở diễn vừa ra mắt mang tên "Sơn Hậu - Beyond The Mountain" của hai đạo diễn trẻ Nguyễn Quốc Hoàng Anh và Hà Nguyên Long cũng đã làm trẻ hóa tuồng cổ bằng những phần trình diễn híp-hốp hấp dẫn trên nền âm thanh điện tử… Việc khai thác chất liệu âm nhạc hiện đại là con đường để đưa các loại hình nghệ thuật, âm nhạc truyền thống đến gần hơn với công chúng trẻ, cũng là cách để bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ mai một theo dòng chảy thời gian.

Rõ ràng, sự kết hợp qua lại giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống trong âm nhạc không những khiến mỗi loại hình trở nên mới mẻ, ấn tượng hơn mà còn mở ra xu thế của tương lai, hướng tới một diện mạo nghệ thuật đương đại mang đậm bản sắc Việt. Đây cũng là cách thức để âm nhạc Việt Nam định nghĩa mình trước bạn bè quốc tế. Sứ mệnh này thuộc về cả những nghệ sĩ truyền thống và hiện đại, song vẫn là con đường không dễ đi, chỉ dành cho những người thật sự đam mê nghệ thuật và dám dấn thân. Bởi trên thực tế, không phải bất cứ sự kết hợp nào cũng tạo nên những "chiếc áo" phù hợp. Dung nạp yếu tố hiện đại không khéo sẽ dễ thành kệch cỡm, phản cảm. Khai thác vốn cổ không hợp lý cũng dễ thành phá vỡ, bóp méo truyền thống. Bởi thế, muốn thực hiện được điều này đòi hỏi người sáng tạo phải am hiểu sâu sắc từng loại hình nghệ thuật, để khi kết hợp không làm nhòe nhau đi mà tôn nhau lên. Kinh nghiệm rút ra từ thành công của một số tác phẩm có sự kết hợp này thời gian qua là sự tham gia sáng tạo của các chuyên gia có thế mạnh ở từng loại hình. Với sự hiểu biết chuyên sâu ở các lĩnh vực, họ sẽ là những người vừa bổ trợ, vừa điều chỉnh lẫn nhau, giúp tác phẩm không bị bước qua lằn ranh mong manh giữa sáng tạo và phản cảm, từ đó làm giàu có và gia tăng giá trị cho nền âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nước nhà nói chung.