Thợ mỏ vào ca

Cùng ăn, cùng xuống hầm lò với những người thợ mỏ tại khai trường của Công ty than Dương Huy (thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) là một trải nghiệm thật khó quên. Khó mà nói hết những khó khăn, vất vả cũng như sự lạc quan, yêu nghề của thợ mỏ, những người đang ngày đêm khai thác “vàng đen”, làm giàu đất nước.

Thợ mỏ Công ty than Dương Huy - TKV chuẩn bị vào hầm lò làm việc.
Thợ mỏ Công ty than Dương Huy - TKV chuẩn bị vào hầm lò làm việc.

Xuống hầm lò

5 giờ 30 phút sáng, sau chặng đường khoảng 10 km từ trung tâm TP Cẩm Phả, là đến khu khai thác của Công ty than Dương Huy TKV. Sở dĩ phải lên sớm vì thời điểm này cũng là lúc những công nhân của ca đầu tiên đến khai trường để chuẩn bị cho ngày làm việc. Gần 400 công nhân, xếp hàng, tay cầm khay, lần lượt vào căng-tin lấy suất ăn sáng rồi ngồi vào những chiếc bàn i-nốc dùng bữa. Anh Đinh Văn Thiện, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và Bảo hộ lao động cho biết, công việc dưới hầm lò vốn rất cực nhọc, cho nên công nhân phải có bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng để vừa bảo đảm công việc, vừa tái tạo sức lao động. Suất ăn định lượng của công nhân là 65.000 đồng/người, gồm cơm, cá, thịt và rau,…

Vừa ăn vừa trò chuyện, anh Nguyễn Hải Phi, Chánh Văn phòng Công ty than Dương Huy cho biết, để tạo điều kiện cho công nhân có môi trường làm việc, công ty luôn quan tâm chăm lo cải thiện điều kiện làm việc và đời sống của thợ mỏ như đầu tư hệ thống vận tải chở người vào lò, nhà giao ca, nhà tắm giặt, hệ thống nước sạch, nhà ăn tại khai trường mỏ; bố trí xe đưa đón công nhân đi làm; đầu tư khu nhà chung cư hiện đại, khang trang đáp ứng phòng ở cho toàn bộ công nhân có nhu cầu, cùng nhà thi đấu, sân bóng đá, bóng chuyền… Bữa sáng của công nhân kết thúc sau chừng 30 phút. Từng đoàn người di chuyển đến khu vực nhà đèn nhận dụng cụ, gồm quần áo bảo hộ, mũ, đèn lò và bình tự cứu. Anh Thiện đưa tôi vào Phòng Điều khiển để giới thiệu về sơ đồ hầm lò, hệ thống ca-mê-ra quan sát và các công đoạn từ khai thác cho đến vận chuyển than ra ngoài. Công nhân ở công ty chia làm ba ca, mỗi ca tám tiếng. Ca một bắt đầu từ 7 giờ đến 15 giờ. Ca hai từ 15 giờ đến 23 giờ. Ca ba từ 23 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau. Theo anh Thiện, từ vị trí cửa hầm đi vào chỗ sâu nhất là -100 m (cách mặt nước biển 100m, cách mặt đất 138 m). Có ba cách để vào hầm lò, đi bằng xe goòng DKNU, “tời khỉ” (cáp treo loại nhỏ) hoặc đi bộ từ cửa lò. Tôi lựa chọn cách đi bộ, vì như anh Thiện, đây là cách để cảm nhận rõ nhất từng công đoạn, từng công việc của thợ mỏ. 6 giờ 45 phút, chúng tôi đến cửa hầm. Trước khi vào lò, chúng tôi vận những bộ đồ bảo hộ, chân đi ủng và mang tất cả các thiết bị như những người thợ thực thụ. Tại cửa lò, phải để bên ngoài tất cả các thiết bị điện tử, các đồ vật bằng kim loại, là những thứ có thể tạo ra tia lửa điện. Sau đó, anh Thiện tỉ mỉ hướng dẫn cách sử dụng bộ dụng cụ sơ cứu khẩn cấp và cách xử lý các tình huống mỗi khi xảy ra sự cố, đồng thời không quên cầm thêm thiết bị thông báo mức ô-xy trong hầm lò. Khi vào lò, đây là thiết bị hết sức quan trọng, cho phép người thợ biết được phần trăm ô-xy trong hầm lò. Mức ô-xy ở không khí là 20,9%. Trong lò, mức ô-xy có thể thấp hơn, nhưng không được ở dưới mức 17%. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, đúng 7 giờ, theo chân những tốp thợ mỏ, chúng tôi vào lò.

Vừa bước qua cửa lò, điều đầu tiên cảm nhận là gió thổi rất mạnh. Để đưa không khí sạch vào lò thì hệ thống quạt gió phải hoạt động với công suất cao để đẩy gió ở trong lò ra nhằm tạo chênh lệch áp suất. Sức gió ở vị trí chúng tôi đi vào tương đương bão cấp 11. Chúng tôi men theo đường ray xe goòng vận chuyển than, từng bước, từng bước bấm chân trên con đường ẩm ướt tiến vào bên trong. Anh Thiện cho biết, toàn bộ lò chính và lò chợ (các nhánh lò) có chiều dài khoảng 26 km. Để bảo đảm an toàn, hôm nào anh cũng phải đi vào hầm lò để kiểm tra trang thiết bị, hệ thống cột chống và sự tuân thủ quy trình an toàn của công nhân. Càng vào sâu, càng cảm nhận được không khí ngột ngạt và độ ẩm cao, khiến người đầu tiên đi vào lò như tôi cảm thấy hơi khó thở. Sau khoảng 30 phút, chúng tôi tới độ sâu chừng 30 m so với mặt đất, đến nhánh lò đầu tiên. Phải khom người đi vào nhánh lò bị nén bẹp chỉ rộng hơn 1 m, có độ dốc cao, anh Thiện liên tục cảnh báo phải bám vào các cột chống nếu không sẽ bị tuột xuống. Đập vào mắt tôi là những vỉa than lấp lánh trong ánh đèn. Những tiếng “bục bục” khô gọn vang lên, công nhân đang cho nổ mìn để than rời ra. Bên trong, thợ mỏ đang tải những mảng than rời ra từ vỉa.

Nghề thợ mỏ

Người công nhân đầu tiên tôi gặp là Nguyễn Huy Tuấn, 30 tuổi, đã có 5 năm làm thợ lò. Quệt những giọt mồ hôi vương đầy trên trán, khuôn mặt lấm lem bụi than, Tuấn tâm sự, anh có bằng kỹ sư Trường đại học Mỏ-Địa chất. Tốt nghiệp một năm thì vào đây làm. Chừng ấy năm là đủ để Tuấn yêu, và quyết tâm gắn bó với nghề. Nghề vốn cực nhọc, nhưng khi vào việc, trong cái tăm tối của chốn hầm lò, là nơi riêng tư, yên tĩnh, tạo cảm giác rất thú vị. Cũng vì công việc cực nhọc, bận rộn, cho nên tới khi xấp xỉ 30 tuổi, Tuấn mới có người yêu. “Tìm được người có thể hiểu và thông cảm với công việc của người thợ mỏ không dễ anh ạ!”, Tuấn chia sẻ.

Thợ mỏ vào ca ảnh 1

Thợ mỏ Công ty than Dương Huy - TKV làm việc tại hầm lò.

Chia tay tốp thợ đầu tiên, chúng tôi tiếp tục xuống sâu trong hầm lò. Càng xuống, không khí càng ngột ngạt, nhiệt độ càng cao. Cái nóng làm lưng áo chúng tôi ướt đẫm. Vừa cúi gập người, men theo lối đi để xuống sâu, anh Phi vừa cho biết, ở trong lò, không khó để gặp những cử nhân, kỹ sư, thậm chí có những người tốt nghiệp đại học với tấm “bằng đỏ” (loại giỏi). Khi vào làm, tất cả đều phải bắt đầu “làm thợ” một thời gian dài, từng bước phấn đấu mới “làm thầy” được. Nghề vốn đặc thù, công việc dưới hầm là “người thật, việc thật”, không có sách vở, trường lớp nào dạy được. Chính vì thế, lãnh đạo điều hành của công ty đều phải trải qua thực tiễn lao động sản xuất như thế.

Men theo những lối đi nhỏ hẹp vào lò chợ Phân xưởng khai thác than 2, mờ mịt bụi than, chúng tôi khom người tiến sâu xuống phía dưới. Anh Thiện liên tục nhắc những người cùng đoàn bám chặt thanh chống để đi xuống, và tránh dẫm vào máng trượt, sẽ rất nguy hiểm. Đi được vài trăm mét, lưng tôi mỏi nhừ vì cúi người quá nhiều. Tụt xuống chân thượng lò chợ than 2, đi một khúc lò nữa, trước mặt chúng tôi là không gian rất rộng rãi, với đường lò có đường kính hơn 2 m. Anh Thiện thông báo, đã xuống độ sâu -60 m (sâu 60 m so với mực nước biển, cách mặt đất 98 m), mức ô-xy trong không khí là 20%. Anh Thiện cho biết, trong hầm lò, không chỉ kiểm tra ô-xy, mà các dụng cụ đo khí mê-tan, kiểm tra an toàn cột chống… cũng được sử dụng để kiểm tra, giám sát liên tục. Ở đây, rất nhiều công nhân đang say sưa làm việc. Dòng than chảy từ lò chợ liên tục qua máng trượt, băng tải vận chuyển ra ngoài. Đây có lẽ là khu vực thú vị nhất của hầm lò, với những tiếng hô, tiếng búa đều đặn, tiếng rào rào của máy móc, của băng chuyền. Anh Thắng cho biết, khu vực này rộng rãi vì dùng cột chống thủy lực, lò không bị đất ép xuống. Một hàng máy chống thủy lực khổng lồ xếp liên tiếp. Anh Nguyễn Doãn Thao, Tổ trưởng Tổ tháo dàn chống chia sẻ, máy thủy lực dùng cho các khu vực nền đất yếu. Mỗi chiếc máy có khối lượng 13 tấn. Tùy theo vị trí từng vỉa để điều chỉnh cột thủy lực khác nhau. Để đem được vào độ sâu hun hút này là cả quá trình gian nan, vận chuyển lên xuống với tời, xe goòng, băng tải và rất nhiều công sức của anh em thợ mỏ.

Cũng tại khu vực này, tôi gặp ông Đào Trung Huy, Phó Giám đốc sản xuất Công ty than Dương Huy TKV đang vào “thị sát” và chỉ đạo công nhân làm việc. Tuổi ngoài 50, ông Huy vẫn đều đặn một tuần năm đến sáu ngày trực tiếp vào lò để chỉ đạo, đôn đốc công việc. Tay cầm viên phấn, viết vào tấm bảng được treo ngay ngắn trên nóc lò những chỉ đạo của mình, ông Huy cho biết: “Vất vả, nhưng phải cố gắng vào lò thường xuyên để chỉ đạo công việc. Người chỉ huy nếu không nắm được cụ thể những diễn biến trong lò mà ở ngoài điều hành sẽ rất nguy hiểm vì an toàn luôn được đặt lên hàng đầu”.

Cũng theo ông Huy, vì công việc nặng nhọc cho nên tuổi nghề của thợ mỏ không cao, chỉ làm việc 20 đến 25 năm là có thể về hưu. Trong việc khai thác, tính mạng công nhân là quan trọng nhất. Để làm tốt công tác an toàn, ngoài yếu tố kỷ luật còn phải có tinh thần đồng đội. Ngoài ra, các tốp thợ bắt buộc có từ một đến hai an toàn viên đi cùng. Trong lúc nghỉ ngơi, công nhân Đoàn Mạnh Hùng cho biết, anh đã ngoài 40 tuổi, là một trong những công nhân cao tuổi nhất ở đây. Thấm thoắt, đã là năm thứ 18 anh gắn bó với nghề. “Nghề có tính di truyền”, Hùng hóm hỉnh và chia sẻ. Bố của Hùng cũng là một công nhân mỏ. Ở đây, rất nhiều công nhân theo nghề thợ mỏ đến nay đã là đời thứ ba. Với Hùng, từ nhỏ, anh đã cảm thấy thích thú với bộ quần áo, chiếc mũ bảo hộ của bố. Học xong THPT, không chút đắn đo, anh xin vào làm công nhân than ở mỏ Dương Huy. Như bao thợ mỏ khác, anh phải trải qua một lớp đào tạo sơ cấp từ chín đến 18 tháng. Kinh phí đào tạo, ăn, ở do Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đài thọ toàn bộ. Sau quá trình đào tạo cùng rất nhiều buổi thực tế dưới hầm lò, công nhân mới có thể bắt tay vào việc.

Tiếp tục đi sâu vào bên trong, qua nhiều ngã rẽ, cuối cùng, đến khu vực có lẽ là rộng rãi nhất trong hầm lò, anh Thiện thông báo, chúng tôi đã đến khu vực sâu nhất của hầm lò, với độ sâu tương đương chiều cao của một tòa nhà 40 tầng. Ở đây, những chiếc máy khấu dài tầm gần 3 m, nặng hàng tấn chạy ầm ầm, khoét sâu vào vỉa than. Từng tảng than lớn rời ra, được công nhân nhanh chóng phân loại, đưa lên tời để vận chuyển lên mặt đất. Hệ thống tời chiếm hơn một nửa lối đi. Nhiều chỗ, công nhân qua lại nhiều, chúng tôi liên tục nép người nhường lối. Một tốp công nhân xếp thành hàng dài, khiêng một đoạn dây điện có đường kính hơn 10 cm. Những tiếng “hò-dô” đều đặn, xen kẽ tiếng thở mạnh. Nhìn nét mặt của những người công nhân, có thể thấy đoạn dây rất nặng, họ từng bước nặng nhọc đưa đoạn dây ra ngoài. Chánh Văn phòng Nguyễn Hải Phi cho biết, nhóm công nhân này là đoàn viên thanh niên lao động theo kế hoạch của Đoàn Thanh niên công ty, kéo cáp điện đến khu vực mới để lắp đặt.

Anh Phi bảo, có lẽ, việc cùng làm, cùng ăn đã khiến anh em thợ mỏ luôn đoàn kết, gắn bó, coi nhau như một gia đình. Cũng chính vì thế, mỗi người một nhiệm vụ, nhưng không rời rạc mà luôn tạo thành những mắt xích làm nên hệ thống đồng bộ, thông suốt. Lương bình quân của thợ mỏ khoảng 15 triệu đồng/người/tháng, là động lực để họ vừa bảo đảm cuộc sống, vừa có điều kiện gắn bó với công việc. Giờ nghỉ, thợ lò ai cũng vui vẻ, cười nói, chia sẻ một cách mộc mạc về công việc của mình. Mỗi người đến từ một miền quê khác nhau, một vùng miền khác nhau, bắc-trung-nam đủ cả. Nhưng hầu như với ai cũng có một nét chung, đó là sự hồn nhiên, hào sảng rất gần gũi và niềm vui, niềm lạc quan, yêu đời ánh lên từng đôi mắt.