Câu chuyện thương tâm sau cái chết của hai người lái tàu

NDO -

NDĐT - Chuyến tàu SE19 gặp nạn vào rạng sáng ngày 24-5 đã cướp đi sinh mạng của hai người lái tàu. Sau cái chết bất ngờ, đầy thương tâm của họ, có bao câu chuyện gia đình còn dang dở; là chuyến đi nghỉ ở biển không thành hiện thực với cô con gái nhỏ, là người cha ra đi không biết mặt đứa con sắp chào đời.

Hiện trường vụ lật tàu SE19.
Hiện trường vụ lật tàu SE19.

Chuyến nghỉ mát không thành

Câu chuyện thương tâm sau cái chết của hai người lái tàu ảnh 1

Hàng xóm chia sẻ nỗi đau mất mát với vợ anh Hùng, chị Yến (áo đen)

“Anh Hùng đi mà vẫn chưa được nhìn thấy giấy khen của các con về kết quả học tập trong năm học này. Anh cũng hứa cho con gái nhỏ đi biển trong dịp hè này. Giờ thì, chuyến đi ấy mãi không bao giờ thành hiện thực”, chị Trần Thị Hải Yến, vợ anh Nguyễn Thế Hùng, lái chính của tàu SE19 vừa qua đời trong vụ tai nạn tàu hỏa tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa kể trong nước mắt.

Cùng công tác trong ngành đường sắt, chuyến tàu của chị Yến chỉ khởi hành sau chuyến tàu của chồng mình hơn một giờ đồng hồ. Biết tin tàu anh bị nạn khi chỉ cách địa điểm tàu SE19 gặp nạn khoảng 5 km, chị đã cầu mong chồng mình an toàn, nhưng điều không mong muốn đã đến.

Anh Nguyễn Thế Hùng, 42 tuổi, lái tàu chính của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, đã có hơn 20 năm công tác trong ngành đường sắt. Còn chị Yến, 39 tuổi, làm việc tại Đoàn Tiếp viên Hà Nội của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Anh chị cưới nhau đã 18 năm và có hai con. Con trai đầu năm nay 17 tuổi, học lớp 11 ở quận Long Biên, Hà Nội. Con gái thứ hai mới chín tuổi, học tiểu học.

Chị Yến tâm sự, chồng mình là người hiền lành, chăm chỉ, nhiệt tình với công việc. Anh sống rất tốt tính, dù bận việc cơ quan, nhưng nếu có thời gian vẫn hay giúp đỡ việc nhà. Anh cũng rất yêu chiều các con. Nỗi đau quá đột ngột khiến vợ con bị sốc. Chị dường như không thể chấp nhận việc anh đã đi xa, còn cậu con trai cũng lặng lẽ nằm khóc một góc nhà. Trước chuyến đi, anh vẫn còn trò chuyện qua điện thoại với vợ. Ngờ đâu, tin dữ ập xuống lúc nửa đêm, và lực lượng cứu hộ phải mất hơn sáu giờ mới đưa được thi thể của anh và đồng nghiệp ra ngoài.

Khó khăn lớn nhất đối với chị giờ đây là việc chăm sóc các con khi đã mất đi trụ cột của gia đình. Cả nhà vốn trông vào thu nhập của anh, khoảng chín triệu đồng mỗi tháng, trong khi lương của vợ chỉ được hơn bốn triệu đồng. Vì thế, một mình chị Yến nuôi dạy hai con đang tuổi ăn học thực sự rất vất vả.

Tới tận chiều qua, cô con gái được bố yêu nhất mới được mẹ nói cho biết bố đã đi xa. Bé rất buồn và nói: “Mẹ hãy để đồ của bố lại làm kỷ niệm, đừng đưa đi hết nhé”.

Chị Yến biết chồng mình thuộc từng cung đường, từng ngã rẽ trên hành trình chạy tàu, nhưng hiểu rõ, công việc đó rất áp lực, căng thẳng. Anh ra đi khiến chị cũng trống vắng, khi mất chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất cho ba mẹ con.

Do đặc thù của nghề nghiệp, hai vợ chồng anh Hùng cũng hiếm khi được đón Tết cùng các con do phải đi theo hành trình của các đoàn tàu. Dẫu thương con đứt ruột, nhưng cũng không có cách nào khác anh chị vẫn phải gửi các cháu về quê ăn Tết với ông bà ngoại, hoặc đón Tết cùng bà nội ở cùng nhà để rong ruổi theo những chuyến tàu. Ngay cả Tết Nguyên đán năm nay, anh chị cũng không có dịp sum vầy bên các con. Có lẽ bởi thế, các con của anh chị cũng sớm có tính tự lập từ bé, nếu không quá bận, con trai lớn của anh chị thường chăm sóc, đưa đón em gái đi học.

Mẹ ruột của anh Hùng, bà Hà Thị Nhinh, 67 tuổi, vẫn đau đớn nhớ lại phút nhận được tin dữ lúc ba giờ sáng. Nhanh chóng bắt chuyến xe đêm từ Hà Nội vào Thanh Hóa, bà thắt lòng khi biết con bị kẹt trong khoang đầu máy, không thể ôm con lần cuối. Điều duy nhất bà có thể làm lúc đó là gắng thắp nén hương tại nơi anh gặp nạn, rồi gạt nước mắt, cùng người thân đưa con về Hà Nội để lo hậu sự. “Con tôi hiền lắm, vẫn chào mẹ mỗi khi đi làm, vậy mà ông trời sao nỡ…”, bà Nhinh không giấu nổi niềm xót xa.

Nhà anh Hùng ở tổ dân phố số 3, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, có thể coi như nằm trong liên gia đường sắt, bởi nhiều gia đình chung quanh cũng có người công tác trong ngành. Bố anh Hùng cũng là giáo viên dạy lái tàu suốt mấy chục năm. Ông nghỉ hưu rồi qua đời mấy năm nay. Tai nạn thảm khốc của anh Hùng khiến mọi người rất sốc.

Bà Bùi Thị Khánh, tổ phó tổ dân phố số 3, cho hay, gia đình anh Hùng đã sinh sống ở địa bàn mấy chục năm. Anh Hùng cũng là người chan hòa với hàng xóm. Cảm thông với gia cảnh của anh Hùng, bà mong các cơ quan, đoàn thể cùng chung tay hỗ trợ, giúp gia đình vượt lên nỗi đau này.

Đau xót cha tử nạn không kịp nhìn mặt con

Câu chuyện thương tâm sau cái chết của hai người lái tàu ảnh 2

Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam viếng anh Nguyễn Xuân Đệ.

Vụ tai nạn tàu SE19 cũng cướp đi sinh mạng lái tàu Nguyễn Xuân Đệ, 33 tuổi, trú tại xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Người bố trẻ qua đời mà chưa kịp nhìn mặt đứa con thứ hai sắp chào đời.

Lái tàu Nguyễn Xuân Đệ có thâm niên 10 năm gắn bó với ngành đường sắt. Từng có một thời gian công tác tại Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng, từ tháng 9 năm 2012 đến nay, anh Đệ chuyển sang lái tàu tại Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, gia cảnh anh Đệ rất khó khăn. Mới lập gia đình với chị Phạm Thị Thắm, anh chị đã có một con trai hai tuổi. Người vợ cũng đang mang bầu bé thứ hai và sắp chào đời thời gian tới.

Bố mẹ anh Đệ vô cùng suy sụp và đau đớn vì sự ra đi đột ngột của con trai cả. Vợ anh Đệ hiện đang mang thai và chưa có việc làm ổn định. Người cha bị huyết áp cao, mẹ ốm yếu, gia đình chỉ có mấy mẫu ruộng, thu nhập chính của cả nhà trông vào lương của anh Đệ. Bởi thế, khi anh mất đi, tương lai của ba mẹ con chị Thắm và gia đình chắc sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Trọng Hội, người cùng đội lái tàu, đánh giá cao tính cách và con người anh Đệ. Đó là một đồng nghiệp trẻ nhưng giỏi nghề, có ý thức phấn đấu, sống chan hòa, chăm chỉ, và chịu đựng được áp lực của nghề nghiệp, bởi với người lái tàu, yêu cầu công việc khá nghiêm tú, khắt khe, đồng thời rất khắc nghiệt. Ông Hội, cũng như nhiều nhân viên đường sắt, rất đau xót khi chứng kiến cảnh “sinh nghề tử nghiệp” của hai người lái tàu và nỗi đau mà người thân của họ phải gánh chịu.

Lễ tang anh Nguyễn Xuân Đệ đã diễn ra trong chiều ngày 25-5 tại thôn Phần Hà, xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Tiếp đó, người thân, bạn bè cũng tổ chức tiễn biệt lái tàu Nguyễn Thế Hùng vào sáng ngày 26-5 tại Nhà tang lễ Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Hà Nội, và đưa tro cốt về quê nhà Thái Bình.

* Vào 0 giờ 30 phút ngày 24-5, đoàn tàu khách mang số hiệu SE19 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khi đi tới khu gian Khoa Trường - Trường Lâm, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, thuộc xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã va một xe ô-tô tải chở đá băng ngang đường sắt làm lật sáu toa tàu, tám người thương vong. Lái tàu Nguyễn Thế Hùng và phụ lái tàu Nguyễn Xuân Đệ bị kẹt trong cabin đầu máy 927 đã tử vong tại chỗ. Trước mắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hỗ trợ mỗi gia đình lái tàu hơn 30 triệu đồng. Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ các gia đình có nạn nhân bị tử vong, mỗi gia đình hai triệu đồng, các nạn nhân bị thương mỗi người một triệu đồng.