Vĩnh Phúc đẩy mạnh xuất, nhập khẩu hàng hóa

Trong quý I năm nay, hoạt động xuất, nhập khẩu tại tỉnh Vĩnh Phúc có mức tăng trưởng cao so cùng kỳ năm 2020: tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt gần sáu tỷ USD, tăng 16%; số thu ngân sách đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tăng 36,7%. Trong đó, linh kiện xe máy, xe máy nguyên chiếc, linh kiện điện tử, giày dép, quần áo và gạch men là những mặt hàng xuất khẩu chính. Hàng nhập khẩu chủ yếu là linh kiện vật tư sản xuất ô-tô, xe máy, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị và nguyên liệu phục vụ sản xuất gia công giày, dép, sản phẩm dệt may, sản phẩm cơ khí.

Ðể thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động bất lợi của đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đã chủ động đầu tư thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm thị trường tiềm năng nước ngoài, góp phần duy trì hoạt động xuất nhập khẩu.

Thời gian tới, tỉnh ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại vào các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại dịch; tăng cường xúc tiến thương mại tại chỗ và trực tuyến; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tập trung, phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Lãnh đạo tỉnh duy trì đối thoại với doanh nghiệp vào chiều thứ sáu hằng tuần, cùng nhiều kênh trao đổi khác để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.

* Tỉnh Quảng Trị xác định tập trung vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là giải pháp hữu hiệu để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đưa việc xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Toàn tỉnh hiện có 38 sản phẩm OCOP (năm sản phẩm bốn sao và 33 sản phẩm ba sao). Nhằm tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tỉnh đang tập trung công tác tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, tăng giá trị sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Năm nay, tỉnh phấn đấu hoàn thiện, nâng cấp và tiêu chuẩn hóa, công nhận thêm 23 sản phẩm OCOP đạt ba sao và hai sản phẩm OCOP đạt bốn sao; lựa chọn từ hai đến bốn sản phẩm là thế mạnh đặc trưng của địa phương để xây dựng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn năm sao trong giai đoạn 2021 - 2025. Ðể đạt mục tiêu này, tỉnh tập trung hỗ trợ tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; phấn đấu có ít nhất 15 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP; tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh và tham gia triển khai thực hiện OCOP cho 200 cán bộ và 100% chủ doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ hộ sản xuất; tăng cường tuyên truyền để tất cả các chủ thể sản phẩm OCOP nắm bắt nhanh thông tin, hơn 70% chủ thể sản phẩm OCOP được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Cùng với sản phẩm cao dược liệu, tỉnh Quảng Trị còn có nhiều sản phẩm tham gia chương trình OCOP, như: nước mắm Gia Ðẳng, gạo Hải Lăng, muối đậu sả Phương Anh, chuối sấy Chánh Nhung, ngũ cốc cao cấp Trần Lan, bánh cốm gạo lứt mè quê, mắm ruốc… Ðầu tháng 4 năm nay, gần một tấn cao dược liệu an xoa của huyện Cam Lộ lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.