Tiếp tục kiểm soát dòng vốn đầu tư vào bất động sản

Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm, nhiều ngân hàng đã quay trở lại đổ vốn nhiều hơn vào lĩnh vực bất động sản (BÐS). Trước hiện tượng này, cơ quan quản lý đã lên tiếng cảnh báo các ngân hàng và khẳng định đang theo dõi chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực trên, nhất là sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh BÐS để kịp thời xử lý.

Triển khai các gói vay mua nhà lãi suất ưu đãi

Khảo sát trên thị trường hiện nay, nhiều ngân hàng đang triển khai mạnh mẽ các gói cho vay mua nhà với lãi suất khá hấp dẫn. Theo đó, có ngân hàng áp dụng mức lãi suất 5,9%/năm nếu ưu đãi trong ba tháng, từ 6,79%/năm nếu cố định trong sáu tháng hoặc từ 7,6%/năm nếu cố định trong 12 tháng đầu tiên. Sau khi hết ưu đãi, lãi suất cũng được tính dựa trên lãi suất tiết kiệm cộng thêm biên độ (tuỳ chính sách từng ngân hàng) nhưng theo như tư vấn của một số nhân viên tín dụng ngân hàng thì cũng chỉ khoảng từ 9 - 10%/năm, giảm từ 1 - 2%/năm so với trước. Ðơn cử ngay dịp đầu năm 2021, Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã triển khai gói vay vốn trung dài hạn mới với quy mô 50 nghìn tỷ đồng dành cho khách hàng mua nhà, mua xe, tiêu dùng cá nhân với lãi suất 7%/năm trong sáu tháng đầu tiên, trường hợp cố định lãi suất 12 tháng hoặc 18 tháng lãi suất từ 7,5 - 7,9%/năm; cố định trong 24 tháng, lãi suất 8,3%/năm và cố định 36 tháng, lãi suất là 9%/năm. So với cùng kỳ năm 2020, mức lãi suất trung dài hạn của BIDV đã giảm đến 0,4%/năm ở một số kỳ hạn. Ngân hàng TMCP Phương Ðông (OCB) cũng tung ra gói vay 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng vay mua nhà, kể cả BÐS dự án, với lãi suất thấp nhất từ 4,99%/năm trong ba tháng đầu tiên.

Theo số liệu từ Cục Thống kê TP Hà Nội, tính đến hết tháng 2-2021, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 2.217 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so tháng trước và tăng 0,6% so với thời điểm kết thúc năm 2020. Trong đó, xét theo các chương trình tín dụng, tính đến hết tháng 2, cho vay BÐS chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng dư nợ với 419 nghìn tỷ đồng (20,9%). Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tại Báo cáo gửi Quốc hội cho thấy, khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 19% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, chảy vào kênh BÐS. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng hơn 62% dư nợ cho vay BÐS. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, chúng ta cần đánh giá đúng tín dụng tăng trưởng vào phân khúc nào vì đầu tư, kinh doanh BÐS khác với vay để mua nhà ở. Nhiều lao động trẻ, công chức mới ra trường làm việc ở các thành phố có nhu cầu mua căn hộ có giá trên dưới 1 tỷ đồng. Do vậy, tín dụng cho vay đáp ứng nhu cầu thật để mua nhà ở, đất ở của người dân là quá tốt, nên khuyến khích. "Doanh nghiệp vay kinh doanh nhà ở, chung cư hoặc đất nền để có những sản phẩm cho người dân mua thì nên được vay. Còn với những BÐS thuộc các phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng, các ngân hàng nên cân nhắc, xem xét" - ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Kiểm soát chặt việc cấp tín dụng BÐS

Cũng như nhiều lĩnh vực khác, thị trường BÐS trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tuấn Anh, tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do vậy, NHNN đang xem xét lùi lộ trình đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch. Ngoài chính sách trên, NHNN tiếp tục áp dụng các biện pháp đồng bộ hướng tới các chuẩn mực quốc tế, trong đó tập trung vào các chỉ số an toàn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh BÐS cũng như cá nhân có nhu cầu vay vốn để mua nhà, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Các nhu cầu thiết yếu, chính đáng của người dân trong cho vay tiêu dùng, kể cả tiêu dùng BÐS… cũng sẽ được đáp ứng.

Tuy nhiên, lĩnh vực BÐS tiềm ẩn rủi ro, do đó, NHNN luôn theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, điều hành một cách chủ động, linh hoạt để tín dụng BÐS tăng trưởng lành mạnh, bền vững. Thời gian qua, có thể thấy tín dụng BÐS đã được cơ quan này kiểm soát chặt chẽ, tốc độ tăng trưởng tín dụng BÐS tiếp tục xu hướng giảm (năm 2018 là 26,76%; năm 2019 là 21,53%) và giảm mạnh trong năm 2020 (9,97%). Cũng trong năm 2020, ngay từ đầu năm, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực BÐS. Theo đó, tại Chỉ thị số 01, 02, NHNN đã chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. NHNN đã yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, BÐS... Riêng đối với BÐS, NHNN có văn bản yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạn chế và kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực BÐS; yêu cầu TCTD không thực hiện cấp tín dụng đối với các nhu cầu vay vốn để đầu cơ hoặc triển khai thực hiện các dự án tiềm ẩn rủi ro cao.

NHNN cũng đã có nhiều văn bản cảnh báo các TCTD rà soát, tăng cường kiểm tra đối với hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Nhất là trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến kinh doanh BÐS. Năm 2021, NHNN tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực BÐS; nhất là đầu tư, kinh doanh BÐS, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng, tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. "Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ điều hành linh hoạt chính sách tín dụng đối với lĩnh vực BÐS, phù hợp với định hướng chung và diễn biến thị trường BÐS, góp phần phát triển thị trường BÐS ổn định, lành mạnh", ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.