Hưng Yên đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thời gian qua, tỉnh Hưng Yên có sự chuyển biến vượt bậc trong xây dựng nông thôn mới. Ðây là một trong ba địa phương đầu tiên của cả nước có 100% số xã và đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Khách du lịch tham quan bản Cát Cát, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Ðăng Anh
Khách du lịch tham quan bản Cát Cát, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Ðăng Anh

Lĩnh vực nông nghiệp đạt nhiều kết quả nổi trội, nhất là việc tái cơ cấu nông nghiệp với giá trị thu được trên 1 ha canh tác đạt 210 triệu đồng/năm; xuất hiện nhiều điển hình sáng tạo trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn như các làng nghề chế biến nông sản, làng nghề thủ công mỹ nghệ... Ðể sớm hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới từ cấp xã đến cấp tỉnh, Hưng Yên đã thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực. Trong 10 năm, tỉnh huy động được 143 nghìn tỷ đồng, trong đó có sự tham gia tích cực của người dân nông thôn, tạo nên phong trào sôi nổi. Từ nguồn vốn nêu trên, toàn tỉnh đã thực hiện xây mới, nâng cấp gần 2.500 km đường; kiên cố hóa, cải tạo nâng cấp gần 400 km kênh mương, hàng nghìn cầu cống; xây dựng hơn 3.000 km đường điện trung thế và hạ thế, hơn 800 trạm biến áp…

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu có từ 55 đến 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25 đến 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, năm đơn vị cấp huyện đạt huyện nông thôn mới nâng cao và có ít nhất một đơn vị đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh còn phấn đấu bảo đảm mức thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm; đồng thời cụ thể hóa các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân nhằm tiến tới không còn hộ nghèo trên địa bàn.

* Năm 2020, nằm trong bối cảnh chung của ngành du lịch Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra, du lịch tỉnh Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách quốc tế đến địa bàn giảm mạnh, tổng lượng khách quốc tế ước chỉ đạt 15% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến thị trường khách quốc tế khó có khả năng được mở lại trong năm 2020. Lượng khách nội địa cũng giảm mạnh, chỉ đạt 38% so với cùng kỳ năm 2019. Uớc tính cả năm 2020, tỉnh Lào Cai đón khoảng 2,2 triệu lượt khách.

Ðể khắc phục khó khăn, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành đổi mới, sáng tạo, tăng cường các hoạt động liên kết, chú trọng phát triển du lịch thông minh. Hiện, các doanh nghiệp du lịch Lào Cai đang tích cực chuyển đổi, phát triển du lịch thông minh trên nền tảng số, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch, tạo lợi ích tương hỗ giữa ba đối tượng là du khách, chính quyền, doanh nghiệp. Cụ thể, người dân, khách du lịch được cung cấp các tiện ích thông minh thông qua cổng thông tin du lịch, phổ biến các tính năng trên thiết bị di động như tìm kiếm địa chỉ, dẫn đường, tìm kiếm bằng giọng nói, chuyển đổi ngôn ngữ, thông báo tin theo thời gian thực, thông tin cảnh báo tới du khách, nhận diện điểm đến chung quanh... Du lịch thông minh sẽ tăng sự kết nối, tương tác với du khách, tăng giá trị trải nghiệm cũng như quảng bá được nhiều sản phẩm du lịch. Cùng với đó, tỉnh chú trọng xây dựng ngành du lịch chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.