Giá trị của niềm tin

Cách đây không lâu, anh Hiển (trú tại khu đô thị Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có ghé qua một siêu thị điện máy trên đường Lê Văn Lương để mua chiếc ti-vi Sony 4K 55 inch, nguồn gốc xuất xứ tại Ma-lai-xi-a với giá gần 18 triệu đồng. Sau khi sử dụng được hai tháng, góc màn hình ti-vi bỗng xuất hiện những điểm chấm mầu hồng và càng lan rộng, to hơn lòng bàn tay. Trước tình trạng nêu trên, anh Hiển đã yêu cầu cửa hàng cho người đến kiểm tra và đổi ti-vi mới theo quy định. Thế nhưng, thay vì đổi ti-vi mới, nhân viên của cửa hàng giải thích đây chỉ là lỗi màn hình, sau khi sửa chữa sẽ không bị hỏng và khách hàng có thể yên tâm về chất lượng sản phẩm.

Sử dụng khoảng ba tuần sau, những chấm hồng ban đầu lan rộng ra các góc màn hình khác. Lần này anh Hiển tiếp tục gọi điện đến cửa hàng yêu cầu đổi chiếc khác. Tuy nhiên, thay vì hợp tác, đại diện cửa hàng điện máy lấy lý do không có người sửa, muốn nhanh, khách hàng phải trực tiếp mang sản phẩm đến để được bảo hành và xếp hàng theo quy định. Không hài lòng với thái độ chăm sóc sau bán hàng của cửa hàng điện máy, anh Hiển đã thuê nhân viên kỹ thuật của cửa hàng điện tử tư nhân gần nhà đến sửa chữa. Sau khi kiểm tra, nhân viên kỹ thuật này khẳng định màn hình bị hỏng, rộp, cần thay màn hình mới để xử lý dứt điểm. Ðồng thời cho biết sản phẩm này sản xuất từ Trung Quốc, được dán nhãn mác của Sony Ma-lai-xi-a. Ðem giấy bảo hành và sản phẩm quay lại cửa hàng điện máy đã mua để được bảo hành, sửa chữa, nhưng đại diện cửa hàng đã từ chối thẳng thừng với lý do: "Hàng không còn nguyên tem, khách tự ý sửa chữa cho nên không được bảo hành theo quy định. Nếu thích có thể phản ánh tới đường dây nóng của hãng hoặc khởi kiện ra tòa, tùy ý".

Không chỉ với mặt hàng điện tử, trên thực tế có rất nhiều khách hàng đã mua phải hàng giả, hàng nhái các sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) có uy tín. Số liệu thống kê không chính thức cho thấy, khoảng từ 40% đến 50% số cửa hàng kinh doanh may mặc trên thị trường đều nhái, giả thương hiệu các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam như: May 10, Việt Tiến,... trong đó, có nhiều sản phẩm làm giả, nhái thương hiệu được các chủ cửa hàng vô tư bán cho khách nhằm kiếm lợi bất chính. Ðể bảo vệ quyền lợi khách hàng, Công ty May 10 đã thực hiện dán mã số mã vạch, gắn nhãn hướng dẫn sử dụng trên từng sản phẩm để giúp người tiêu dùng nắm được các đặc tính kỹ thuật và cách sử dụng sản phẩm. Ðồng thời, sẵn sàng đổi trả khi sản phẩm có lỗi do quá trình sản xuất gây nên. Tương tự, trong nhiều năm qua, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, nhãn hiệu nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt và lựa chọn sử dụng sản phẩm chính hãng, tránh rơi vào tình trạng mua phải sản phẩm kém chất lượng, nhái thương hiệu trên thị trường.

Có thể thấy, việc làm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng không chỉ làm xấu đi hình ảnh của DN mà còn kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh và đặc biệt, làm mất đi niềm tin của người tiêu dùng đối với các DN làm ăn chân chính. Ðáng chú ý, khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, nhiều DN lợi dụng để "tuồn" hàng kém chất lượng, lỗi thời, hàng nhái..., cộng thêm những chiêu trò khuyến mại khủng để đẩy hàng tồn. Do đó, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, công khai, minh bạch các hình thức xử lý. Ðồng thời, các DN cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người tiêu dùng có thể nhận biết hàng thật - hàng giả. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.