Rừng tàn thì làng mạt

Bài 4 và kết: Từ “lâm tặc” trở thành điển hình trồng rừng

NDO -

Từng buôn gỗ vãn cả vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, ngược dòng sông Đà lên Tây Bắc đóng bè gỗ lớn nhỏ chuyển về xuôi; ông Tuy bỗng quay sang… phủ xanh đất trống, đồi trọc - ngay từ khi phong trào trồng rừng còn đương trong giai đoạn manh nha. Ông Tuy trồng rừng, dựa vào rừng để phát triển kinh tế hộ gia đình, tiến tới nhờ rừng mà phát triển du lịch địa phương. Rồi chính ông cũng không ngờ mô hình tưởng như bé mọn của mình lại trở thành một điển hình, được Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đến thăm hỏi, động viên.

Đảo Dừa - đảo du lịch xanh tựa lưng vào mênh mông “rừng ông Tuy”.
Đảo Dừa - đảo du lịch xanh tựa lưng vào mênh mông “rừng ông Tuy”.

Ốc đảo xanh giữa lòng hồ thủy điện

Từ nhiều năm nay, cùng với Mai Châu, Thung Nai - lòng hồ thủy điện đã trở thành điểm du lịch mũi nhọn của tỉnh Hòa Bình. Những rặng núi biếc xanh soi bóng, như tô thêm sắc ngọc bích cho màu nước lòng hồ. Những đảo đá lơ thơ vẫn chỏm chòe từng khóm cây lòa xòa như mơ, như thực. Nhiều người ưu ái, đã gọi Thung Nai là Hạ Long trên cạn.

Mùa trữ nước, lòng hồ ăm ắp, dập dềnh mãi về phía dãy tàu du lịch. Mùa đông, thưa khách, bốn chiếc tàu lớn của nhà ông Nguyễn Đình Tuy mới chạy hai chuyến trong buổi sáng. Sau khoảng hai mươi phút qua các dáng núi, hình đá; đảo Dừa (xóm Xăng Bờ - xã Vầy Nưa - huyện Đà Bắc - tỉnh Hòa Bình) của ông Tuy hiện ra hết sức độc đáo: Hàng trăm thân dừa thâm thấp, tròn xoe nghiêng những tàu lá mướt mềm; giữa đảo là các gốc cây đã to cỡ bắp đùi người lớn; gần hai mươi ngôi nhà sàn úp súp dưới những tàng cây xanh…

Đảo Dừa chỉ là một góc trong tổng diện tích hơn 10 ha của ông ở lòng hồ mênh mông này. Đa số diện tích còn lại, ông trồng rừng. Và chính trồng rừng, kết hợp phát triển kinh tế lòng hồ mà ông và gia đình mới có vốn liếng để vun đắp, xây dựng đảo Dừa thành đảo du lịch nổi tiếng như ngày hôm nay.

“Lâm tặc” được Chủ tịch nước về thăm nhờ kỳ tích trồng rừng -0Ông chủ đảo Dừa - gương trồng rừng, phát triển kinh tế dựa vào rừng Nguyễn Đình Tuy. 

Lão nông tuổi ngoài thất thập, ăn sóng nói gió, bên ngoài có vẻ xù xì, thô ráp ấy lại lãng mạn đến ngỡ ngàng. Câu chuyện trồng cây, gây rừng, sống hòa vào thiên nhiên của ông Tuy đến từ những hình ảnh ấn tượng mà ông xem trong một bộ phim truyền hình nổi tiếng của Nam Mỹ. Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông xem phim “Đơn giản, tôi là Maria” của México, thấy người phương Tây thường ngày đi làm ở thành phố, nhưng cứ cuối tuần là họ lái xe đến những  vùng quê, tránh xa phố thị ồn ào. Ông thích và nghĩ đến một cuộc sống hòa vào thiên nhiên như vậy.

Tính vốn quyết liệt nên nghĩ là làm. Ông Tuy lái tàu đi dọc lòng hồ thủy điện, gặp một hòn đảo địa hình bằng phẳng, không cần phải san ủi nhiều, diện tích cũng vừa vặn để thỏa chí sống xanh, thế là ông mua. Ngày đó, toàn bộ gia sản của vợ chồng, con cái chỉ vỏn vẹn 13 triệu đồng. Ít vốn thì dùng sức người. Cả vợ chồng, con cái dọn dẹp cỏ trên đảo suốt một tháng.

Gian nhà nhỏ dựng lên, bà Đinh Thị Niên - vợ ông trồng rau, nuôi gà. Cá thì lúc nào cũng sẵn dưới hồ, cuộc sống của người cả đời bôn ba, buôn bán nhanh chóng ổn định. An cư rồi, cái chất “chơi” của ông thêm một lần hiện hữu: Muốn nơi mình sống trở thành chốn độc đáo, ông mua trăm cây dừa về trồng trên đảo. Những rặng dừa bén rễ, xanh tốt, cái tên “đảo Dừa” ra đời, ông lại nghĩ đến trồng cây, gây rừng trên chính hòn đảo nhỏ.

Để đảo Dừa lại cho bà Niên và đàn con quán xuyến, ông lại chạy thuyền, ngược sông Đà lên Sơn La buôn lương thực. Lời lãi gom góp được đến đâu, ông gạ mua những quả đồi trơ trụi lân cận đảo. Những quả đồi ấy đã bao năm trơ trụi, nào canh tác được gì ngoài cây sắn, nên chủ đất bán cho ông mà chẳng đắn đo.

“Lâm tặc” được Chủ tịch nước về thăm nhờ kỳ tích trồng rừng -0

Ông Nguyễn Đình Tuy đã biến hoang đảo thành một không gian xanh, đáng sống. Cả gia đình ông đã phát triển kinh tế dựa vào đất rừng. 

Năm 1997, hơn chục ha “rừng ông Tuy” đã cơ bản hình thành như ngày hôm nay. Ngay từ những ngày đầu gây dựng, ông đã sớm tính chuyện chuyển đổi cây trồng, vừa ngô, vừa sắn, vừa khoanh khu trồng luồng, trồng cây lấy gỗ…, đa dạng hơn việc chăn nuôi và đánh bắt thủy sản. Đất đai là thứ duy nhất tồn tại mãi, là nơi cho con người ta sức mạnh; mồ hôi đổ xuống, đất đầy trái thơm. Hơn hai mươi năm trước, trang trại nông - lâm - thủy sản kết hợp của ông Nguyễn Đình Tuy đã là điển hình kinh tế hộ gia đình của tỉnh.

Trả nợ rừng

Giữa cánh rừng xanh um, một góc tận dụng làm vườn cây ăn trái hôm nay, ông Tùy khảng khái bảo, việc ông phủ xanh đất trống đồi trọc từ cái ngày phong trào trồng rừng còn mới manh nha ấy - cũng như là một cách để ông trả nợ rừng và trả nợ những năm trượt dài trong bao cuộc đỏ đen. Bởi, ông đã từng là tay buôn gỗ khét tiếng, không chỉ ở khu lòng hồ thủy điện, mà còn buôn tận Sơn La về. Và ông, từng là tay cờ bạc, nướng cả nhà cửa, đất cát của vợ con trên chiếu bạc.

Ông Tuy từng là đại gia, rất giàu. Từ tuổi đôi mươi, ông Tuy đã sớm rời gia đình (huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây cũ), mang theo nghề rèn truyền thống đi lập nghiệp ở vùng Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình rồi xây dựng gia đình tại đây. Nhưng rất nhanh sau đó, ông gia nhập đội quân buôn gỗ. Ông nói rất sòng phẳng: “Thời đó là vậy, người ta gọi là đi làm lâm sản. Ngày lòng hồ chưa ngập nước, ở đây là xóm người Mán (tức người Dao), có đến cả trăm hộ dân đi vào rừng, lên núi chặt gỗ về bán cho tôi. Mỗi tháng tôi lấy 200m3 gỗ từ các đầu mối thu mua ở đây rồi đưa về Đông Trù, bán cho Nhà máy Diêm cầu Đuống (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội)”.

“Lâm tặc” được Chủ tịch nước về thăm nhờ kỳ tích trồng rừng -0
Đảo Dừa của ông Tuy phát triển thành đảo du lịch xanh, một phần chính nhờ thành quả của những năm ông đã phủ xanh hơn mười ha đất trống, đồi trọc lòng hồ. 

Rừng những năm tháng đó ken dày cây lớn, cây nhỏ, nhiều cây to, thẳng tắp xếp hàng cạnh nhau. Rừng, những năm tháng ấy giàu đến độ, riêng một xóm nhỏ trăm nóc nhà mà đã đẵn bao nhiêu nghìn khối gỗ, cho trâu bò kéo về bãi tập kết ven sông bán cho ông Tuy. Tới khi rừng vùng lòng hồ đã vãn, ông lại ngược sông Đà, lên Sơn La tiêu thụ gỗ. Những năm buôn gỗ ấy, gia đình ông Tùy giàu “nứt đố”, ông sắm cả nhà cao cửa rộng giữa TP Hòa Bình sầm uất.

Tuổi đã ngoài thất thập, chẳng còn gì để phải tránh né những phán xét của người đời, mà cũng cần phải thật với chính bản thân mình, nên ông Tuy không hề tránh né. Ông nói thẳng, rằng mình kiếm được nhiều, nhưng phá cũng lắm, những trò ăn chơi đương thời, ông đều biết cả. Nào cờ bạc, nào thuốc phiện... Ông kể, bấy giờ chung quanh ông có nhiều người dùng ma túy, đi buôn gỗ, người ta còn hỏi ông có muốn thử hút thuốc phiện không. “Tôi bảo "muốn", thế là họ cho một cục bằng nửa cái chén. Tôi cũng hút bàn đèn, thấy người lâng lâng, bay bay!. Nhưng tôi chỉ thử cho biết thôi chứ không nghiện. May không nghiện, nhưng tôi lại đốt cả gia sản trên chiếu bạc!” - ông Tuy nhắc những biến thiên của cuộc đời mình.

Cờ bạc ở Hòa Bình, cũng biết sợ sẽ quá đà nên ông rời về quê mở xưởng xẻ để tránh xa đám bạn đỏ đen. Thế nhưng ở quê ông, người ta còn cờ bạc khiếp hơn cả ở Hòa Bình. Và ông Tuy một lần nữa lại rơi vào những ngày đêm sát phạt. Cuối cùng, ông bán cả xưởng cưa lẫn nhà phố ở Hòa Bình để trả nợ. Bao năm tích cóp, vợ chồng con cái chỉ còn lại 13 triệu đồng để tìm chốn an cư mới (như đã kể ở trên)…

“Lâm tặc” được Chủ tịch nước về thăm nhờ kỳ tích trồng rừng -0

Từ một trùm buôn gỗ khét tiếng, ông Nguyễn Đình Tuy đã quay lại trồng rừng và được Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thăm, động viên, ghi nhận điển hình kinh tế hộ gia đình kết hợp nông - lâm - thủy sản. 

Sống giữa đảo Dừa, giữa thiên nhiên lành lẽ, cái máu bốc đồng, xốc nổi của ông Tuy như cũng được làm mềm. Giữa vùng đất mới, giữa cơ ngơi gây dựng đúng như hình ảnh mơ ước khi xem “Đơn giản, tôi là Maria”; ông Tuy chỉ còn mối quan tâm là làm thế nào để đảo Dừa ngày càng gần gũi với thiên nhiên, ngày càng thành nơi đáng sống. Và, hơn hai mươi năm nay, ba thế hệ của gia đình ông đã thực sự bén rễ nơi này.

Tuổi ngoài bảy mươi, vẫn cần mẫn trồng cây gây rừng, góp màu xanh ngọc ngà cho màu nước, nền trời. Hỏi hình như còn điều gì thôi thúc, nên ở tuổi này ông vẫn ăm ắp chăm lo những giá trị đã được “hoạch định” theo cách rất riêng? Ông Tuy bồi hồi nhớ: “Trước ngày 9-3-2001, cán bộ địa phương báo trước với gia đình tôi rằng sắp có “đoàn công tác đến thăm”. Ngày 9-3-2001, tôi không thể ngờ được, ngoài Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình là Chủ tịch nước Trần Đức Lương cùng Bộ trưởng NN-PTNT Lê Huy Ngọ. Hôm đó “đoàn công tác” tặng gia đình tôi một triệu đồng cũng 15kg bánh kẹo để tôi mời bà con quanh xóm”.

Ông Tuy thật thà bảo, lúc trồng rừng, ông chỉ nghĩ được đơn giản là muốn không gian sống xanh, yên bình như trên phim. Nhưng khi Chủ tịch nước về thăm, ông đã nhận ra giá trị và ý nghĩa của việc mà mình đã làm. Lúc ấy, ông vừa như hỏi, vừa như tự nói với chính mình: “Tại sao bao nhiêu tỉ phú, Chủ tịch nước không đến thăm mà lại thăm một gã trồng rừng như mình?”.

“Lâm tặc” được Chủ tịch nước về thăm nhờ kỳ tích trồng rừng -0
 Một góc rừng của ông Tuy cùng màu nước sông Đà xanh như ngọc.

Và thế là chẵn hai chục năm qua, sau lần Chủ tịch nước đến động viên ấy đã gieo vào tâm trí ông thêm quyết tâm biến đảo Dừa và những cánh “rừng ông Tuy” trở thành nơi chứa đựng và chuyển tải những ý nghĩa, những giá trị sống nương nhờ rừng - những giá trị không còn là của riêng gia đình ông hay gói gọn trong phạm vi tỉnh Hòa Bình nữa.

Lời kết

Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Lung (Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng), người cả cuộc đời gắn bó với rừng đã có lần xúc động nói: “Những mất mát ở miền trung cuối năm 2020 rất đau xót, nhưng lại chính là sự tuyên truyền không lời, có hiệu quả nhất giúp ngành lâm nghiệp”. Có lẽ cũng từ bao thiệt hại nặng nề cả người và của ấy, mà hiện trạng rừng tự nhiên ở nước ta đã được nhìn nhận một cách công bằng. Thiết nghĩ mình không quá hồ đồ nếu tranh luận rằng không chỉ Việt Nam, mà trên thế giới, diện tích rừng tự nhiên cũng đã và vẫn đang suy giảm. Song, cũng không chỉ trên thế giới, mà trên dải đất hình chữ S này vẫn còn những cộng đồng, những cá nhân giữ rừng như sinh mạng, tôn kính rừng như tôn kính tổ tiên. Những nhân vật, những cộng đồng đã kể chuyện giữ rừng cho chúng ta nghe. Các câu chuyện ấy, như lời truyền dạy của hóa công - như hóa công đã mở mắt, mở lòng và mượn tiếng nói của họ để thức tỉnh chúng ta. Mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng ấy đều có một cách thức riêng để gây dựng lại và gìn giữ những cánh rừng đẫm đầy giá trị kinh tế, môi trường, du lịch cũng như tinh thần cho thế hệ mai sau. Những gương sáng quyết tâm giang tay bảo vệ mẹ rừng ấy đã khẳng định một lần nữa: “Giữ rừng khó. Nhưng nếu thực sự muốn giữ thì sẽ giữ được”.

Rừng tàn thì làng mạt

 Giữ rừng săng lẻ - niềm tự hào của xứ Nghệ

https://nhandan.com.vn/kinhte/bai-3-hon-ba-muoi-nam-giu-tuong-chan-song-cho-lang-635394/