Triều cường và những bài toán kinh tế

Hai giờ sáng cả một vùng biển làng chài Tân Phụng II, xã Mỹ Thọ, huyện Tân Phụng, tỉnh Bình Định đã ầm ầm với những tiếng nổ động cơ của những chiếc thuyền gỗ đánh bắt cá ra khơi để rồi sau đó vài tiếng trở về cập bờ với những sọt cá, tôm, mực, ghẹ và nhiều loại hải sản tươi sống khác. Đây là một trong những vựa hải sản mà các thương lái tập trung đánh hàng về các nhà hàng lớn trong thành phố. Vùng biển vốn yên bình khi tám, chín giờ tối đã yên ắng vì các gia đình đi nghỉ sớm quen dần với cuộc sống như vậy từ hàng chục năm nay. Song những từ khóa như “triều cường”, “biến đổi khí hậu” đã được những ngư dân nơi đây biết đến từ rất sớm và đang chịu tác đ

Cảng cá Đề Gi, Bình Định.
Cảng cá Đề Gi, Bình Định.

Mảnh đất không dành cho những người lười

Từ năm năm nay dự án di dời dân ở các vùng triều cường thuộc các xã ven biển Bình Định đã được triển khai, song ở các khu tái định cư vẫn còn tồn tại những bất cập. Như ở làng Tân Phụng II, hàng chục hộ dân mặc dù đã nhận đất tái định cư và tiền hỗ trợ của Nhà nước nhưng đã quay về những ngôi nhà của họ ở làng cũ ngay sát biển. Họ là những ngư dân bám biển, ngư cụ được cột dưới biển trước cửa nhà. Mỗi hộ có ít nhất một chiếc thuyền thúng, lưới, phao, ngư cụ đi biển. Họ không thể mang tất cả những ngư cụ đó vào trong khu tái định cư cách đó vài cây số, vì mỗi sớm mai ra biển việc di chuyển và mang vác rất vất vả và khó thực hiện.

Bác Nhật, một người lớn tuổi và có uy tín ở làng cho biết người dân ở đây có thể chưa giàu, nhưng họ không bị đói vì đã có nguồn thức ăn từ biển. Đây là mảnh đất không dành cho những người lười vì hằng ngày họ đều xuống biển mò cua bắt ốc, thả lưới bắt cá. Bữa ăn hằng ngày của họ là cá và các loại thủy sản. Ý câu nói của bác Nhật cho thấy người dân ở đây rất chăm chỉ, gắn bó với biển, với cộng đồng của mình. Chính vì vậy, dù dự án di dời đã năm năm, họ vẫn phải trở về nhà cũ của mình để duy trì đời sống vốn đã như vậy từ hàng chục năm nay.

Là tỉnh duyên hải miền trung, Bình Định có vị trí thuận lợi gần các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường cá lớn có giá trị xuất khẩu như cá thu, cá ngừ, cá nhám, cá chuồn, các loại mực... Nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển Bình Định khá đa dạng và phong phú với hơn 500 loài cá, trong đó 38 loài có giá trị kinh tế như cá nòi, cá đáy, tôm biển có 20 loài với trữ lượng hơn một nghìn tấn, mực có trữ lượng từ 1.500 đến hai nghìn tấn. Bình Định cũng dẫn đầu về số lượng tàu khai thác xa bờ, toàn tỉnh có hơn bảy nghìn tàu cá.

Ngay ở cổng làng Tân Phụng II, chúng tôi cũng tìm thấy những tấm biển ghi rõ quy chế quản lý hoạt động khai thác bảo vệ nguồn lợi từ biển của chính quyền địa phương. Trong đó ghi rõ: “Khuyến khích cộng đồng ngư dân, chính quyền địa phương cấp xã, phường tổ chức quản lý các hoạt động nghề cá tại các vùng nước nội địa, vùng nước ven bờ với sự tham gia của cộng đồng, gắn trách nhiệm và quyền lợi của người dân trong việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường”.

Việc di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị triều cường là một chủ trương đúng đắn, giúp người dân an cư lạc nghiệp ở những nơi an toàn hơn, nhưng để họ duy trì đời sống hằng ngày cũng cần có điều kiện cần và đủ và phải tính đến những yếu tố tác động tới đời sống. Như đất ở, về danh nghĩa trả lại cho xã, nhưng những ngôi nhà là tài sản của người dân tích cóp bao nhiêu năm trời thì lại không mang đi được. Những gia đình không có đủ điều kiện xây dựng ở nơi tái định cư mới thì vẫn phải trì hoãn để sống cuộc sống tạm bợ ở ngôi làng cũ. Thế nên, nơi đây giờ có nhà có người ở, có nhà thì bỏ hoang. Tâm lý sống trong thấp thỏm không biết bao giờ thì bị giải tỏa, chưa kể lúc này lúc khác, ở chỗ này chỗ kia, chưa kể tình trạng trao đất cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản hay làm du lịch lại làm cho người dân càng trở nên “căng thẳng” hơn, vì lợi ích của họ lúc nào cũng có thể bị đụng đến.

Vai trò của chính quyền

Một nhà nghiên cứu xã hội học khi đến Tân Phụng chia sẻ, đời sống và tâm tư nguyện vọng của cộng đồng ngư dân ở đây rất cần được quan tâm. Theo ông, chính quyền địa phương phải nắm được mong muốn của người dân, tham mưu tư vấn cho các cấp về chủ trương, chính sách phù hợp với sự phát triển bền vững của địa phương.

Như trong năm năm qua triều cường chưa làm sạt lở ngay xóm làng chài Tân Phụng II, nhưng chính sách di dời khỏi khu vực triều cường đã làm thay đổi cuộc sống của hàng trăm hộ ngư dân. Ngôi làng thoắt ẩn thoắt hiện trên núi, chỗ bị bỏ hoang, chỗ người dân vẫn sinh sống. Những điều kiện của một cuộc sống ổn định đang bị bỏ rơi. Đơn cử như hệ thống thu gom rác thải không được xây dựng và hỗ trợ. Người dân sống trong ô nhiễm rác thải và nước thải ở những ngôi nhà cũ, khu tái định cư mới thì thiếu kế sinh nhai. Chúng tôi gặp cô Ngân, đang trở về nhà bố mẹ nghỉ chế độ thai sản như tập quán ở đây. Cô là một trong rất ít số con cái những người dân làng chài thoát ly đi học và đi làm ở thành phố, còn phần lớn các nam thanh niên trong làng vẫn giữ nghề truyền thống của ông cha.

Những người dân nơi đây vốn được mệnh danh là những người đi biển lão luyện, tài giỏi nhất nước. Việc có một cộng đồng ngư dân sống bám biển, quan trọng trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên biển và an ninh lãnh thổ quốc gia. Một môi trường sản sinh ra những người con đi biển giỏi, có nguồn hải sản phong phú đang bị đánh đổi bằng những dự án có lẽ là không nhất thiết như nuôi tôm bằng những đầm công nghiệp rồi để lại những vùng đất chết hay khai thác quặng ti-tan làm ô nhiễm nguồn nước và không khí của một vùng biển quá đẹp.

Triều cường một lúc nào đó sẽ đến nhưng trong lúc nó chưa kịp nhấn chìm những khu làng chài cần có những giải pháp “gối đầu” tạo điều kiện cho người dân khai thác thủy sản, giữ đất bám biển là điểm cốt lõi. Họ chính là nguồn lực để phát triển địa phương. Giải quyết sao cho thỏa đáng bài toán triều cường rất cần sự sâu sát thực tế của chính quyền nơi đây.