Thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả

Kể từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1990, thách thức lớn nhất của nền kinh tế chính là làm sao để có thể hình thành được nhiều công ty hoạt động có hiệu quả tốt nhất.

Ðiều khiển dây chuyền đóng hộp sữa tươi tại Nhà máy sữa TH True Milk (Nghĩa Ðàn, Nghệ An).
Ðiều khiển dây chuyền đóng hộp sữa tươi tại Nhà máy sữa TH True Milk (Nghĩa Ðàn, Nghệ An).

Sự trỗi dậy của doanh nghiệp tư nhân

Trải qua ba thập niên với nhiều sự thay đổi, từ sự tập trung vào khối doanh nghiệp Nhà nước để rồi kết quả là nhiều doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thậm chí một số trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng, đến nay vai trò kinh tế tư nhân đang ngày càng được khẳng định. Trong một vài năm gần đây bắt đầu xuất hiện một số doanh nghiệp tư nhân có sức phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng tiếp cận nhiều ngành sản xuất, dịch vụ quan trọng và trở thành những công ty có sức cạnh tranh hàng đầu. Những doanh nghiệp này không chỉ tạo đối trọng với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI mà còn đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực với các thương hiệu như Vingroup, TH Truemilk, Hòa Phát, Vietjet Air, FLC...

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã có sự vươn lên mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khối doanh nghiệp tư nhân đang đóng góp tới 40% GDP, góp khoảng 14% so với tổng thu ngân sách Nhà nước. Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có 715 nghìn doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có một triệu doanh nghiệp tư nhân và nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế này lên đến 50-60% GDP.

Tuy nhiên, xét một cách thực tế thì trong tổng số hơn 700 doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có hơn một nửa là đang đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Tình trạng số doanh nghiệp thành lập tăng cũng tỷ lệ thuận với số doanh nghiệp giải thể, phá sản. Những công ty đạt hiệu quả kinh doanh cao vẫn còn ít. Nền kinh tế cần nhiều hơn những doanh nghiệp có khả năng tạo ra sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng không những đóng góp cho xã hội mà còn vươn tầm quốc tế.

Thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả ảnh 1

Hệ thống vắt sữa bò hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế của TH True Milk. Ảnh trong bài | Mạnh Trường

Tăng cường năng lực là lẽ sống còn

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp có hiệu quả cao là những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhân lực trung bình hàng năm tối thiểu hơn 20% và có khả năng tăng doanh thu gấp hai đến ba lần trong vài năm, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội, có khả năng đổi mới, ứng dụng công nghệ để tạo ra những tiến bộ nhảy vọt trong ngành. Những doanh nghiệp này tạo ra nguồn cảm hứng cho những người khác tham gia kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết những vấn đề xã hội. Nền kinh tế Việt Nam đang cần xuất hiện nhiều hơn nữa những doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh cao như vậy. Bên cạnh những mục tiêu về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, cần tạo ra một lực lượng những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng sâu rộng, giúp tạo nội lực, sức bật và sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Có thể nói, trong những năm qua, Quốc hội và Chính phủ đã tập trung các chính sách kinh tế liên quan kinh tế tư nhân, tuy nhiên khối kinh tế tư nhân vẫn còn đối diện với rất nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế và pháp luật trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp. Việc xây dựng một hệ sinh thái giúp cho doanh nghiệp mới thành lập lớn mạnh đòi hỏi nỗ lực hợp tác từ nhiều phía: Chính phủ, các doanh nghiệp lớn, những doanh nhân giàu kinh nghiệm, các hiệp hội ngành nghề và quỹ đầu tư khởi nghiệp. Như trong lĩnh vực hàng không, bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty cổ phần Hàng không Vietjet chia sẻ mong muốn tạo ra một hệ sinh thái hàng không đa quốc gia, không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu di chuyển của hành khách, hàng hóa, mà còn tạo ra một hệ sinh thái riêng trên nền tảng công nghệ, đồng thời ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay. Hay trong lĩnh vực nông nghiệp, nhà sáng lập Tập đoàn TH True Milk Thái Hương kiến nghị cần có sự giám sát đối với bộ tiêu chuẩn quốc gia các sản phẩm nông nghiệp. Đây là những đề xuất có tính thực tiễn từ các doanh nhân có tầm, rất cần được các nhà làm chính sách quan tâm xem xét.

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho rằng, phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận các nguồn lực phát triển, đặc biệt là nguồn lực đất đai, nguồn vốn, lao động. Đồng thời, phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Chính phủ phải tạo thể chế pháp luật, nhân lực, thị trường hỗ trợ các doanh nghiệp.

Sau ba thập niên phát triển, nền kinh tế Việt Nam đang vào lối rẽ mà tăng cường năng lực của các doanh nghiệp là lẽ sống còn. Năng lực của nền kinh tế hiện nay có phần phụ thuộc nhiều việc phát triển, đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ của khối kinh tế tư nhân. Việc tạo sức mạnh cho nền kinh tế chính là việc phát triển các doanh nghiệp đạt hiệu quả cao.

Nhà nước phải tự đổi mới mình bằng cách đổi mới cơ chế quản lý các doanh nghiệp nhà nước và đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở những ngành, những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ toàn bộ để đẩy lượng tài sản, năng lực sản xuất sang khu vực tư nhân cùng với việc xây dựng mới ở khu vực tư nhân. Từ đó giúp cho khu vực này lớn lên và liên kết với nhau trở thành những dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị nhằm tạo ra được những thực thể kinh tế tư nhân có tầm vóc, có thể trở thành động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam.

Kinh tế tư nhân phải là một khu vực kinh tế với sự kết hợp hài hòa và hữu cơ giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các tập đoàn tư nhân lớn, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh quốc tế, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng; có tác động lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.