Nỗ lực vượt qua nghịch cảnh

Nửa đầu năm 2019, mặc dù không gặp sự bất thường của thiên tai như một số năm gần đây, nền nông nghiệp Việt Nam được ví như đang gặp nghịch cảnh “lưỡng đầu thọ địch”, khi Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục yêu cầu kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); tôm hùm đất ngoại lai xâm nhập trái phép vào nội địa. Trong khi đó, trên thị trường nội địa, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) liên tiên tiếp hoành hành đe dọa cả một ngành hàng quan trọng bậc nhất là chăn nuôi với hàng chục triệu con lợn, rồi vấn nạn sâu keo mùa thu phát sinh vào mùa hè cũng gây nhiều lo lắng...

Vận chuyển cá ngừ đại dương tại cảng cá Tam Quan, thị trấn Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn (Bình Ðịnh). Ảnh | Vũ Sinh – TTXVN
Vận chuyển cá ngừ đại dương tại cảng cá Tam Quan, thị trấn Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn (Bình Ðịnh). Ảnh | Vũ Sinh – TTXVN

Thủy sản vượt khó

Các sự cố liên tiếp đương nhiên đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế trụ cột là nông nghiệp. Tuy nhiên “gian nan tỏ mặt anh hào”, ngành nông nghiệp đã thể hiện được khả năng chống chịu và vượt khó bằng những chiến lược, chiến thuật bài bản đối phó với từng khó khăn cụ thể.

Trước hết, là lĩnh vực khai thác IUU. Tiếp tục khắc phục những cảnh báo của EC, bước sang năm 2019, chỉ trong thời gian ngắn, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 596/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU và Nghị định 42/2019/NĐ-CP về vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Ngay sau đó, Bộ NN&PTNT, các địa phương đã triển khai nhiều hội nghị, hội thảo để tuyên truyền, phổ biến, sớm đưa các quy định thực thi trong cuộc sống. Bộ cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra đến 28 tỉnh, thành ven biển, xuống từng con tàu, lật từng quyển sổ nhật ký để kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị.

Với gần hai nghìn phương tiện đánh bắt lớn, nhỏ, trong đó có hơn 1.250 tàu cá hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ, Đà Nẵng rất mạnh tay với lĩnh vực này. Ông Đặng Duy Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng cho biết: từ đầu năm 2019 đơn vị đã tổ chức ba đợt kiểm tra, kiểm soát khi tàu cá ra vào bến bán cá và đi khai thác, hướng dẫn ngư dân tuân thủ việc ghi, nộp và báo cáo sản lượng khai thác theo nội dung Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT; công bố danh sách cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp. Kiểm tra 1.173 tàu cá, phương tiện và đã xử phạt hành chính tám phương tiện về các hành vi không có nhật ký khai thác thủy sản, không ghi nhật ký khai thác thủy sản theo quy định, sử dụng giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá đã quá hạn, vận hành tàu cá không có văn bằng, chứng chỉ máy trưởng.

Các địa phương khác như Bến Tre, Quảng Ngãi cũng ngay lập tức có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời, tổ chức kiểm soát nguồn hải sản cập cảng, không thu mua hải sản có nguồn gốc trái phép ở vùng biển nước ngoài, loại hải sản cấm khai thác. Nếu phát hiện vi phạm, mức xử phạt rất cao và thu hồi giấy phép hành nghề. Do đó bà con ngư dân cũng thay đổi nhận thức, hành vi xâm phạm giảm mạnh.

Tín hiệu khả quan là mới đây EC đã hoãn chuyến kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến tháng 11-2019, thay vì đầu tháng 6.

Phòng dịch như phòng hỏa

DTLCP là bệnh rất nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, an ninh, trật tự, môi trường. Do xảy ra trên diện rộng, khả năng lây lan cao, chưa được kiểm soát, chưa có thuốc chữa và vắc xin phòng, nên khả năng bệnh tiếp tục lây lan và bùng phát trở lại trong thời gian tới là rất cao. Ngày 31-5, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình diễn biến và các giải pháp kìm chế DTLCP: Dù có sự chuẩn bị kỹ, vào cuộc kịp thời song với tính chất nguy hiểm, phức tạp thì hiện dịch đã lây lan ra 48 tỉnh, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã trên cả nước. Hơn 2 triệu con lợn phải tiêu hủy (117 nghìn tấn), chiếm 6,5% tổng đàn lợn trên cả nước.

Với tinh thần “dập dịch như diệt giặc”, “phòng là chính”, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực thi nhiều giải pháp thiết thực đã ngăn chặn và hạn chế thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và chính quyền các cấp nhanh chóng khắc phục những tồn tại hạn chế, tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP, các đoàn công tác liên ngành thường xuyên đến các địa phương kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc chỉ đạo việc tổ chức phòng, chống bệnh theo đúng quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Chia sẻ về các giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, phải cố gắng ngăn chặn không để lan tỏa dịch bằng biện pháp an toàn sinh học, giảm quy mô thiệt hại về kinh tế bằng cách dự trữ thịt đông lạnh (hiện 94% thịt lợn là sạch) và không tăng đàn; tập trung thúc đẩy các nhóm tăng trưởng khác ở khu vực chăn nuôi; tập trung vào các giải pháp trung hạn đó là nghiên cứu thêm các biện pháp an toàn sinh học, nghiên cứu vắc-xin...; thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân.

Những nỗ lực nói trên đã tiếp sức cho những cơ quan quản lý, các địa phương, các cơ sở chăn nuôi trong phòng, chống DTLCP, gây dựng niềm tin cho người tiêu dùng nhằm tạo nên sức mạnh tiếp tục duy trì và đẩy mạnh cuộc chiến đầy cam go thử thách với bệnh dịch nguy hại này. Thậm chí tại một số địa phương, trước thực trạng công tác phòng, chống DTLCP trên địa bàn còn nhiều yếu kém, hạn chế và bất cập, lãnh đạo đã trực tiếp ra công điện chỉ đạo. Đó là trường hợp của Thanh Hóa, tính đến ngày 9-6, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 3.357 hộ, 870 thôn, 277 xã, phường, thị trấn của 26/27 huyện, thị xã, thành phố (còn duy nhất huyện Vĩnh Lộc chưa để xảy ra dịch bệnh), buộc phải tiêu hủy 31.077 con.

Với quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành chức năng, các địa phương và bản thân các cơ sở sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng, hoàn toàn có cơ sở để hy vọng nền nông nghiệp sẽ vượt qua muôn vàn khó khăn trong giai đoạn hiện tại và tiếp tục phát triển bền vững, thực hiện thành công tái cơ cấu ngành, đạt những mục tiêu quan trọng đặt ra từ những ngày đầu năm 2019.