Ngân hàng đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp

Trong mối quan hệ tín dụng với ngân hàng, không ít doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều vướng mắc khi không thể đáp ứng đủ điều kiện tiếp cận vốn. Để tìm tiếng nói chung, hơn 1.500 cuộc đối thoại, gặp gỡ giữa ngân hàng với doanh nghiệp đã diễn ra kể từ năm 2014 đến nay.

Hoạt động giao dịch tại ngân hàng Vietcombank.
Hoạt động giao dịch tại ngân hàng Vietcombank.

Vướng mắc vay vốn

Tại Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Với quy mô còn hạn chế, về cơ bản, các DNNVV khó có khả năng tiếp cận nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, vay vốn nước ngoài, quỹ đầu tư,... mà vẫn tập trung chủ yếu ở nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại. Mặc dù đã có kết quả khá tích cực, nhưng vốn tín dụng cho vay DNNVV của các tổ chức tín dụng (TCTD) mới chỉ chiếm hơn 18% tổng tín dụng nền kinh tế. “Các DN này hiện đang sử dụng 50% lực lượng của nền kinh tế và đóng góp khoảng 40% GDP hằng năm. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của các DNNVV hiện nay là thiếu vốn” - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Việt khẳng định.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến DNNVV gặp nhiều khó khăn về vay vốn. Nhưng theo TS Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank, những nguyên nhân đó tập trung ở các nhóm chủ yếu như: Năng lực cạnh tranh trong nước và ngoài nước của DN còn yếu, công nghệ lạc hậu, thiếu kinh nghiệm quản lý, nguồn nhân lực thiếu kỹ năng và kinh nghiệm, sức chịu đựng rủi ro thấp, khả năng chống đỡ kém trước biến động của kinh tế vĩ mô, các DN chưa có sự liên kết với nhau và liên kết với các DN lớn để tạo nên chuỗi giá trị cạnh tranh tầm khu vực. Năng lực về quản trị hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến DNNVV gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, xây dựng phương án kinh doanh, cơ hội đầu tư khả thi, thiếu hiểu biết về các quy định khi tiếp cận các nguồn vốn vay.

Bên cạnh đó, về tài sản bảo đảm, bản thân DNNVV đã tiềm ẩn khá nhiều rủi ro do tài sản của DN có giá trị thấp, dòng tiền không dồi dào, lịch sử quan hệ tín dụng và xếp hạng tín dụng với ngân hàng chưa cao. Do vậy, bên cạnh việc thẩm định các phương án kinh doanh, các ngân hàng sẽ có xu hướng yêu cầu tài sản bảo đảm trong khi do năng lực tài chính hạn chế, các doanh nghiệp lại không đủ tài sản bảo đảm để thế chấp cho ngân hàng.

Đề cập cụ thể hơn về khó khăn khi triển khai các chính sách tín dụng nông nghiệp, đơn cử như tại đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Thanh Lựu - Ban Hợp tác quốc tế Hội Nghề cá Việt Nam cũng cho biết: Nghề cá đối diện với nhiều rủi ro (thị trường, khí hậu, dịch bệnh, gian lận giấy tờ...), nhưng thiếu cơ chế (bảo hiểm) xử lý, phòng ngừa rủi ro. Tình trạng sản xuất theo chuỗi giá trị chưa được tổ chức và phát triển hợp lý, các mô hình liên kết số lượng còn ít, chưa hiệu quả do hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ. Hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, DN đầu mối còn phổ biến do ý thức chưa cao và chế tài chưa nghiêm. Năng lực tài chính và tổ chức sản xuất của DN, hợp tác xã, người dân vẫn thấp; tình hình tài chính, quản trị, điều hành của DN còn hạn chế, thiếu phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc không có đủ tài sản bảo đảm khi vay vốn...

Tìm đường khơi thông

Chính vì những vướng mắc khó bề giải quyết trong ngày một ngày hai như vậy, nên nhiều năm qua, hệ thống ngân hàng đã tổ chức nhiều hội nghị, chương trình kết nối để lắng nghe những ý kiến của DN, để từ đó nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn cho DN trong vấn đề tiếp cận vốn vay.

Theo Phó Tổng giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh, trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của NHNN về việc kết nối Ngân hàng - DN, HDBank đã và đang triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ tín dụng đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng trên cả nước. Đơn cử, HDBank đã triển khai thường xuyên, liên tục hội thảo nông nghiệp nông thôn tại địa bàn tất cả các xã trực thuộc huyện, tỉnh, thành phố có trụ sở của HDBank và HDSaison. “Đây được xem là cách làm sáng tạo của HDBank trong việc giúp người nông dân, hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận trực tiếp thông tin sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng để từ đó lựa chọn ra một sản phẩm vay phù hợp với nhu cầu của mình; thông qua Chương trình này, HDBank và HDSaison góp phần không nhỏ vào việc đẩy lùi “tín dụng đen” ở nông thôn” - ông Phạm Quốc Thanh nêu rõ.

Phó Tổng Giám đốc Agribank Lê Xuân Trung cũng cho biết, để mở rộng tín dụng, thời gian qua Agribank không ngừng hoàn thiện cơ chế chính sách cho vay nông nghiệp nông thôn, tiết giảm tối đa giấy tờ thủ tục, quy trình đơn giản, thủ tục nhanh chóng để kết nối, tiếp cận sớm nhất tới DN và hộ dân. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng triển khai truyền thông sâu rộng đến DN và người dân hiểu biết về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp và nông thôn của Chính phủ ban hành theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015. Đây là chính sách của Chính phủ hỗ trợ DN và người dân thông qua hệ thống các TCTD cho vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, cũng theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng: Thông qua Hội nghị kết nối ngân hàng - DN, từ đầu năm đến cuối quý II-2019, các TCTD đã giải ngân cho vay đạt gần 71.300 tỷ đồng cho hơn 4.400 doanh nghiệp và một số đối tượng khác. Các TCTD còn cơ cấu lại nợ cho một số DN tại khu vực ĐBSCL; hỗ trợ giảm lãi suất; nâng hạn mức cho vay cho hơn 250 doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ là hơn 3.720 tỷ đồng. “Riêng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, quy mô tín dụng đạt 623.926 tỷ đồng, tăng 7,76% so với 31-12-2018 , trong đó tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 14,8%, một số lĩnh vực thế mạnh như lúa gạo tăng 13,92%, thủy sản tăng 8,45%...” - TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm.

Từ năm 2014, NHNN đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai rộng rãi trên toàn quốc Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: Đây là một trong những diễn đàn gặt hái được nhiều thành công, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, ngành ngân hàng và DN đã cùng thảo luận, chia sẻ, trao đổi cởi mở, thẳng thắn, từ đó nhận diện khó khăn, vướng mắc để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Ngành ngân hàng luôn sẵn sàng và tạo điều kiện thuận lợi cho DN về vốn, về lãi suất, thủ tục cũng như đã cung cấp các dịch vụ tài chính an toàn, hiện đại và thuận lợi nhất cho khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của các chương trình, chính sách tín dụng nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. “Đặc biệt, NHNN sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN (đặc biệt là DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV...” - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú lưu ý.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh (Cần Thơ) Phạm Tiến Hoài chia sẻ kinh nghiệm về vay vốn ngân hàng: Thứ nhất là tôi chuẩn bị bộ hồ sơ thủ tục pháp lý đầy đủ của dự án, thứ hai là bản thân tôi cũng đã có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này. Khi làm việc với ngân hàng Vietcombank, tôi chia sẻ toàn bộ mong muốn, kế hoạch và cả những khó khăn vướng mắc, từ đó, được ngân hàng hiểu, chia sẻ và đồng hành suốt quá trình khởi nghiệp của tôi. Nhờ đó, Công ty Tiến Thịnh đã có tốc độ tăng trưởng ấn tượng 200% sau mỗi năm, dù công ty mới được thành lập từ 2017. Năm 2019, doanh thu của công ty ước đạt 10 triệu USD. Kết quả này có được một phần là nhờ sự hỗ trợ của ngân hàng trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả, thậm chí, ngân hàng còn hỗ trợ cho DN cả thủ tục xuất nhập khẩu...