Môi trường kinh doanh còn nhiều vướng mắc

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thừa nhận mặc dù môi trường kinh doanh đã có cải thiện nhưng kết quả cải cách báo cáo trên giấy tờ và thực tiễn vẫn còn khác xa, dư địa cải cách vẫn còn lớn...

Cần tăng cường cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Cần tăng cường cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Những lo ngại của doanh nghiệp

Một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh spa trong khu vực phố cổ ở Hà Nội phản ánh họ vừa mới làm xong giấy phép về phòng cháy chữa cháy theo quy định cũ chưa được bao lâu, thì một quy định mới thay đổi khiến họ phải làm các quy trình cấp giấy phép lại từ đầu với chi phí tốn kém mà thực chất là chi phí vào khâu giấy tờ thủ tục nhiều hơn là việc trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Theo khảo sát của VCCI, tính đến tháng 9 năm 2018, vẫn có tới 58% doanh nghiệp phải “xin” các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện. 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết, họ gặp khó khăn khi xin giấy phép và chỉ có 13% thủ tục đăng ký kinh doanh được tiến hành trực tuyến, 68 thủ tục kiểm tra chuyên ngành có thể thực hiện được trên cổng thông tin một cửa quốc gia...

Cũng theo khảo sát của cơ quan này, việc nộp thuế của doanh nghiệp đã thuận lợi hơn, chủ yếu do ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng tình trạng quy định pháp luật về thuế thiếu rõ ràng, gây ra cách hiểu không thống nhất giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế và thậm chí giữa các cơ quan thuế vẫn còn không ít và chậm được khắc phục.

Công tác thanh, kiểm tra có chuyển biến tích cực, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ hai lần trở lên trong năm vẫn còn tới 40%, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các cuộc thanh, kiểm tra còn 14%. Các doanh nghiệp, tiểu thương có các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh trên địa bàn các thành phố lớn cho biết việc các đoàn kiểm tra đến cửa hàng vào thời điểm họ đang bán hàng gây khó khăn cho họ, tạo những hình ảnh dễ gây điều tiếng cho họ đối với khách hàng...

Cần tiếp tục cải cách một cách nhất quán

Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, VCCI kiến nghị cần sớm có tiêu chí thống nhất về tiêu chuẩn của điều kiện kinh doanh để bảo đảm thực thi có hiệu quả và nhất quán. Thí dụ như mô hình một cửa liên thông ở cấp bộ nên được nhân rộng và cần nghiên cứu các phương án liên thông tối đa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau.

Theo đó, nên quy định doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại một cơ quan nhà nước và những thông tin về doanh nghiệp sẽ trao đổi giữa các các cơ quan khác khi có yêu cầu mà không cần doanh nghiệp phải trình bẩm mỗi nơi một bộ hồ sơ. Đồng thời cũng cho phép doanh nghiệp làm nhiều thủ tục cùng một lúc, hạn chế tối đa việc phải hoàn thành xong thủ tục này mới được bắt đầu làm thủ tục khác. Ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị: “Cần tăng cường cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp để tạo áp lực nâng cao trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của họ. Cần có tổ chức độc lập khách quan giám sát quá trình giải quyết và công khai kết quả giải quyết vướng mắc từ người dân và doanh nghiệp”.

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thanh, kiểm tra phải coi là yêu cầu bắt buộc chứ không phải tùy cơ. Bên cạnh đó những thông tin về phản hồi, đánh giá, phản ánh vướng mắc kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp cũng cần được chú ý đăng tải. Danh sách các đối tượng bị thanh, kiểm tra theo kế hoạch cũng cần được công bố công khai.

Những tín hiệu lạc quan

Có thể nói, kết quả quan trọng nhất trong cải cách thể chế từ VBF giữa kỳ vào tháng 7 năm 2018 đến nay là cuộc cách mạng chưa từng có với yêu cầu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đến cuối tháng 10 thì yêu cầu này đã hoàn thành trên văn bản và nếu đi vào thực thi thật tốt thì sẽ cởi trói cho doanh nghiệp, loại bỏ được nhiều giấy phép con.

Điểm thứ hai cũng rất quan trọng là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã hoàn tất phần đàm phán, trình lên Hội đồng châu Âu để ký kết và phê chuẩn. Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua CPTPP, là động lực để cải cách thể chế, không phải chỉ thể chế kinh tế đơn thuần mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như lao động, việc làm... Theo đánh giá của các chuyên gia, hai yếu tố trên cộng hưởng tạo nên kết quả rất quan trọng trong cải cách môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, cải cách thể chế, giấy phép con vẫn là vấn đề muôn thuở, khi mà đến nay vẫn có khoảng cách giữa báo cáo của các cơ quan chính quyền và cảm nhận của doanh nghiệp về cải cách. Làm thế nào để khép lại khoảng cách đó là vấn đề rất quan trọng. Theo báo cáo thì chính quyền đã làm hết sức mình nhưng cộng đồng doanh nghiệp và người dân không cảm nhận được, điều đó có nghĩa là khoảng cách giữa báo cáo và thực tiễn vẫn còn xa và dư địa cho việc cải cách vẫn còn lớn đòi hỏi sự vào cuộc quyết tâm hơn nữa của những người thực thi chính sách.