TP Hồ Chí Minh:

Khát vọng phát triển

Khát vọng phát triển đất nước đang là niềm trăn trở của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới, nhưng đó cũng là mạch chủ đạo trong suy nghĩ của lãnh đạo và nhân dân TP Hồ Chí Minh. 

TP Hồ Chí Minh - Hòn ngọc Việt. Ảnh | KIỀU ANH DŨNG
TP Hồ Chí Minh - Hòn ngọc Việt. Ảnh | KIỀU ANH DŨNG

Dịp cuối năm, những quyết sách hệ trọng liên quan đến thành phố, đặt trên bàn nghị sự của Kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIV, thì sự quan tâm càng thêm nóng bỏng, mong sự việc tiến triển nhanh hơn để có thể sớm bước vào thực hiện. Thực thi Chính quyền đô thị, xây dựng thành phố trong thành phố, là tạo điều kiện để dân và chính quyền gần nhau hơn, nhân sự giảm bớt, quyết sách trực tiếp hơn, phát triển nhanh hơn. Riêng Đề án thành lập thành phố Thủ Đức, là mở ra môi trường mới cho phát triển. Hãy thử làm một con toán để biết thêm tình hình. TP Hồ Chí Minh hiện chiếm 0,6% diện tích, 9,4% dân số cả nước, nhưng sản xuất gần 23% GDP quốc gia, nghĩa là năng suất theo đầu người đã gấp hơn hai lần bình quân chung cả nước. Bây giờ, thành phố Thủ Đức ra đời, với những điều kiện mới, chỉ khoảng một triệu người, nghĩa là chỉ chiếm hơn 1% số dân cả nước, mà dự tính số của cải làm ra chiếm 30% GRDP của thành phố, tương đương 7% GDP cả nước, nghĩa là mỗi người ở đây có năng suất gấp gần bảy lần bình quân cả nước. Tất nhiên đây là tính toán theo dữ liệu và điều kiện bình thường, nhưng không phải là những điều viển vông mà có căn cứ khoa học và thực tiễn, là tạo ra một hiệu suất phát triển cao, một phương án đáng thực thi cho phát triển đất nước. Song, đây cũng chỉ là một trong rất nhiều công việc mà Đảng bộ và nhân dân thành phố đang thực hiện, để xây dựng một thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân, trên cơ sở phát huy truyền thống tốt đẹp sẵn có và tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp mới, để giữ vững vị trí của thành phố đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông - Nam Á.

Nhấn mạnh mục tiêu “vì hạnh phúc của nhân dân” nêu trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ X của thành phố được nhiều người cho là nét mới, bởi quan niệm về hạnh phúc tuy rất gần gũi với con người nhưng lại là một phạm trù động, luôn đòi hỏi phù hợp với tình hình cụ thể từng giai đoạn. Trong chặng mới, cuộc sống hòa bình, tự do, dân chủ, ấm no, với người dân dường như là chưa đủ, họ đòi hỏi thành phố lên hiện đại, văn minh nhưng phải là một thành phố đáng sống, bình an, trong lành cả về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, hài lòng về sự phục vụ của cơ quan công quyền... Điều này thể hiện trong Bốn chương trình đột phá cũng như các chỉ tiêu nêu trong Báo cáo chính trị tại Đại hội.

Tuy nói Bốn chương trình nhưng là cả một hệ thống việc phát triển thành phố, mỗi chương trình lại có hàng chục chương trình nhánh, với định hướng và lộ trình thực hiện 5 năm, mười năm, xa hơn là đến giữa thế kỷ 21, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập Nước (2045). Đầu việc nhiều nhưng có thể tóm gọn trong bốn nội dung: Đổi mới quản lý; Phát triển hạ tầng; Xây dựng con người và văn hóa; Phát triển kinh tế, sản phẩm đặc trưng.

Điều quan tâm trước tiên đó là cơ chế cho quản lý. Người chủ động, tự tin mới xin cơ chế chứ không xin sản phẩm. Theo nguyên tắc tập trung dân chủ, trong một quốc gia thống nhất do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, mỗi địa phương đều có quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Tuân thủ tốt sẽ không sinh ra tình trạng cát cứ, nhưng lại không phải tuân thủ một chiều. Không tự do vô chính phủ, cũng không phục tùng một cách cứng nhắc. Cần đề xuất được những điều cần thiết với đặc điểm của địa phương mình, từ đó hình thành cơ chế phù hợp tạo phương cách phát triển tốt nhất. Là thành phố năng động, sáng tạo, từng là nơi sản sinh ra nhiều phong trào hay, độc đáo, thậm chí có lúc “phải xé rào”, phải “làm chui” góp phần tháo gỡ các vướng mắc của tư duy cũ, đề ra nhiều phương thức quản lý tiến bộ mới, nhằm tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống nhân dân, thì trong tình hình hiện tại, thành phố cũng chỉ xin cơ chế thích hợp để phát triển sản xuất. Đề xuất cơ chế đặc biệt cho thành phố là như thế. Áp dụng Chính quyền đô thị, hình thành khu đô thị sáng tạo, thành lập thành phố trong lòng thành phố là những đề xuất như thế. Tất nhiên, các nội dung này đều được nghiên cứu kỹ, thử nghiệm chắc chắn, rồi mới áp dụng, thực hành. Từng trải qua thử thách ác liệt của chiến tranh, rút kinh nghiệm xương máu từ những bài học ấu trĩ buổi đầu xây dựng, lãnh đạo và nhân dân thành phố luôn luôn tin vào những đề xuất đầy thiện chí, giàu tính khoa học của mình, đồng thời nỗ lực lao động sáng tạo, đạt hiệu quả tốt, để không phụ lòng tin yêu của nhân dân cả nước, theo tinh thần cùng cả nước, vì cả nước.

Đấy là một nét nổi. Nét nổi khác, năm nay, thành phố trải một năm “kỳ cục, kỳ quái”. Manh nha xuất hiện ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) từ cuối năm trước, nhưng rộ lên vào đầu năm, một chủng vi-rút lạ, độc lực mạnh, tàn phá rất nhanh sức khỏe con người, gây tỷ lệ tử vong cao. Các nhà khoa học định danh là Covid-19. Cả nhân loại kinh hoàng, các quốc gia tiên tiến cũng lúng túng trong đối phó. TP Hồ Chí Minh và Việt Nam cũng bị dính vào đại dịch. Với những địa bàn tập trung đông dân cư, đây là một nguy cơ rất lớn, cả về đời sống, sức khỏe con người và sản xuất, kinh doanh. Nhưng, ngay khi dịch bệnh xuất hiện, hệ thống chính trị cả nước và thành phố nhanh chóng vào cuộc. Những biện pháp quyết liệt nhất được vận hành nhằm cứu chữa người bệnh, truy vết nguồn lây, khoanh vùng ổ dịch, tiến hành dập dịch, không để lây lan rộng, không để dân tình hoang mang. Chỉ một thời gian ngắn chúng ta thành công trong khống chế dịch song song với phục hồi sản xuất. Mấy tháng sau, dịch bùng phát trở lại ở miền trung có thể lan rộng, với sự chỉ đạo quyết liệt và những kinh nghiệm đã có, được sự hợp tác đông đảo người dân, chúng ta thêm một lần thắng lợi. Tuy vậy, tác động xấu từ dịch bệnh với nền kinh tế không phải là nhỏ. Sản xuất bị đình trệ, thương mại sa sút, quan hệ các nước bị ảnh hưởng mạnh. Thiệt hại nặng nề nhất có lẽ là các ngành du lịch và hàng không. Du lịch thành phố mất đi một nửa doanh thu, tương đương với hàng trăm nghìn tỷ đồng, là chuyện không nhỏ, trong khi cơ cấu dịch vụ trong kinh tế chiếm tỷ trọng tới hơn 62%. Bao nhiêu ngành khác, mất tiền của đã đành, người lao động thất nghiệp, thiếu đói, hàng hóa ứ đọng, phát sinh bao vấn đề xã hội phức tạp. Nhưng cũng chính trong khó khăn lại nảy sinh những điều tốt đẹp khác. Mỗi người đều cảm thấy cần điều chỉnh quan niệm sống, tinh thần vì cộng đồng được nâng lên, tình người được quý trọng hơn. Việc chăm lo người lao động, người nghèo khó được nhà nhà chung tay cùng chính quyền giải quyết kịp thời. Nhà nước dành ra nhiều nghìn tỷ đồng để kích cầu, phục hồi sản xuất. Doanh nghiệp, người sản xuất chủ động hơn trong tình hình mới. Trong thế khó, lại nảy sinh nhiều gương tốt, yêu thương giúp nhau vượt qua ngặt nghèo. Nhiều sáng kiến nối tiếp nhau xuất hiện. Từ chiếc máy ATM gạo ra đời được người người hoan nghênh và nhiều tỉnh, thành học tập, đến phong trào giúp suất ăn, phát khẩu trang miễn phí rất hiệu quả. Nhiều người tình nguyện hiến máu, hiến huyết tương, giúp người trị bệnh. Các bác sĩ, nhân viên y tế của thành phố, không quản hiểm nguy vì dịch bệnh, thức trắng nhiều đêm, chịu nóng bức nhiều ngày trong bộ đồ bảo hộ bức bối, ăn đói, chịu khát, luôn tất bật vội vàng, lo chăm sóc, chạy chữa cho người bệnh. Khi các tỉnh thành bạn như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận... dịch tái bùng phát, rất nhiều bác sĩ, nhân viên của thành phố lại tình nguyện lên đường hỗ trợ chữa bệnh và dập dịch xem như việc của mình. Nhờ vậy dịch bệnh được khống chế, sức khỏe người dân được bảo đảm, người dân cảm thấy bình an trên đất nước mình và vượt qua muôn vàn khó khăn, kinh tế thành phố tăng trưởng khoảng 1,39%, trên cả ba lĩnh vực: dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp; trong đó xuất khẩu tăng 4% đạt 44 tỷ USD, riêng Khu công nghệ cao chiếm gần một nửa, tăng 23% so với năm 2019. Những thành tựu ấy góp phần vào kinh tế của cả nước, để Việt Nam là một trong vài ba quốc gia đạt tăng trưởng dương, xem như một kỳ tích, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.

Trong khi đó, năm nay bão lũ ở miền trung cũng khác nhiều năm, dồn dập dày vò dải đất vốn lắm khó khăn. Bão chồng bão, mưa lũ chồng mưa lũ, nước trận trước chưa rút, mưa sau đã ập tới. Những xóm thôn ngập trong nước dâng, chìm trong lũ xiết, những vụ sạt lở đất chưa từng có, kéo bay nhiều nóc nhà, cụm ấp, gây thiệt mạng mấy chục con người. Trong khó khăn chồng chất ấy, người ta lại thấy sáng lên những tấm lòng thương yêu của bà con cô bác ở thành phố giàu nghĩa tình này. Họ nhường cơm xẻ áo, gom góp tiền bạc đưa ra giúp đỡ miền trung. Mặt trận Tổ quốc thành phố kịp thời kêu gọi, tập hợp. Các cơ quan đoàn thể nhiệt tình hưởng ứng. Những tấm lòng nhân ái xuất hiện khắp mọi địa bàn. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi, tổ chức các đêm diễn từ thiện đạt hiệu quả cao, góp phần to lớn cho cứu trợ. Những thùng lương khô, nước uống, những đồng tiền bát gạo ấm tình người ấy đã giảm bớt bao khó khăn cho đồng bào trong tình thế cấp bách. Số tiền hàng cứu trợ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, đấy là chưa kể một số tiền lớn khác, phải chia ra giúp đỡ đồng bằng sông Cửu Long gặp hạn, nước mặn xâm nhập nặng; phải dành để giải quyết việc nóng tại địa bàn, ủng hộ chăm lo biển đảo và các tỉnh biên giới phía nam; hỗ trợ đồng bào miền núi các tỉnh phía bắc khắc phục thiên tai... tất cả cộng lại làm sáng lên những tấm lòng cao đẹp, nghĩa tình, lay động, khích lệ lòng người cả nước. Nghĩa tình là một nét đẹp lâu đời, kết tinh từ truyền thống thương người của dân tộc, bắt nguồn từ mảnh đất nhiều nắng gió, từ những tâm hồn phóng khoáng, trọng nghĩa, sẵn lòng giúp người lúc khó khăn, cơ nhỡ. Đảng bộ và lãnh đạo thành phố đã phát huy truyền thống ấy và nâng lên thành một nét đặc trưng cho phẩm chất người thành phố hôm nay.

***

Đang là những ngày cuối năm, khí hậu miền đất phương nam rất đỗi hiền hòa. Mưa đã bớt, nắng gió ngập tràn, trời bắt đầu se lạnh, thời tiết khiến dòng nhựa của bon-sai, kỳ hoa, dị thảo nơi các làng hoa ven thành phố và các tỉnh thành lân cận, kết tinh, làm nên sự đa dạng, rực rỡ sắc màu, chờ Xuân đến, Tết về, lại theo các đại lộ, các dòng sông, con kênh đổ lên Sài Gòn, đổ vào thành phố, làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Trong khung cảnh ấy, khí Xuân đã nghe rộn rã khắp đất trời, trong lòng người, trong mạch đập của đất nước vừa qua Đại hội Đảng ghi nhiều dấu ấn sâu đậm, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng đưa dân tộc trên con đường tiến tới hạnh phúc, phồn vinh.