Fintech - Xu thế mới của ngành tài chính hiện đại

Fintech (công nghệ tài chính) đang trở thành một từ khóa “hot” được nhắc đến rất nhiều trong ngành tài chính thời gian gần đây ở Việt Nam và trên thế giới, mang đến những cơ hội và thách thức đối với ngành này.

Fintech đang đòi hỏi khung pháp lý thích ứng.
Fintech đang đòi hỏi khung pháp lý thích ứng.

Fintech là viết tắt của từ “financial technology” (công nghệ trong tài chính), được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng internet, công nghệ điện toán đám mây, điện thoại di động, các phần mềm mã nguồn mở hay tiền mã hóa nhằm mục đích cải thiện hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.

Trên thế giới kể từ khi làn sóng các công ty startup tập trung vào lĩnh vực công nghệ trong tài chính nổi lên sau chuỗi thời gian khủng hoảng năm 2008, Fintech đã trở thành một trong những cuộc cách mạng kỹ thuật số giúp thay đổi cách thức hoạt động của ngành ngân hàng.

Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 10 nghìn công ty Fintech cạnh tranh với các ngân hàng trong mọi lĩnh vực từ thanh toán, huy động vốn, cho vay, kinh doanh ngoại hối và cả tư vấn đầu tư. Các Fintech đã nhận được hàng trăm tỷ USD vốn đầu tư trong vài năm gần đây.

Với Fintech, nhiều mô hình và sản phẩm tài chính số hóa đã xuất hiện như ví điện tử, chuyển tiền ngang hàng, thanh toán di động, ngân hàng di động, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, ngân hàng chuỗi khối, ngân hàng số.

Tại Việt Nam, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, hiện có hơn 154 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Trong đó, 37 công ty hoạt động trong mảng thanh toán, 25 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay, 22 công ty làm về Blockchain, Crypto & Remittance.

Nhìn chung, Fintech ở Việt Nam hiện chủ yếu chỉ tập trung ở ba dịch vụ: thanh toán, cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng. Vì nhiều lý do khác nhau, ở tầm vi mô lẫn vĩ mô, các lĩnh vực khác như dịch vụ quản lý tài sản, quản lý thanh khoản, quản lý đầu tư, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính tự động vẫn đang trong quá trình sơ khai.

Các công ty Fintech ở Việt Nam có xu hướng sẽ tham gia chia sẻ thị phần bán lẻ tiềm năng của các ngân hàng truyền thống khi mà hoạt động cho vay ngang hàng, ví điện tử, thanh toán và trả góp bằng thẻ đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào cuộc sống hằng ngày.

TS Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, Fintech là các mô hình kinh doanh sáng tạo và công nghệ mới nổi có khả năng biến đổi ngành dịch vụ tài chính; làm thay đổi sâu sắc cấu trúc các sản phẩm và thị trường tài chính, hành vi khách hàng và mô hình kinh doanh. Fintech tạo ra những thay đổi mới trong quan hệ giữa các nhà cung ứng dịch vụ Fintech và khách hàng, giữa các nhà cung ứng giải pháp và ngân hàng, và giữa các ngân hàng với nhau.

Cơ hội đi kèm với thách thức, Fintech tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật thông tin cá nhân, thông tin tài chính đối với khách hàng. Còn với các ngân hàng và cơ quan giám sát, Fintech có thể sẽ mang lại rủi ro phải thay đổi chiến lược kinh doanh, hoạt động do phụ thuộc vào bên thứ ba cung cấp các dịch vụ như dữ liệu; rủi ro không gian mạng và không bảo vệ được quyền lợi bảo mật thông tin khách hàng theo yêu cầu của khuôn khổ pháp lý; rủi ro rửa tiền, thanh khoản, tín dụng với các sản phẩm Fintech.

Tại Việt Nam, số lượng các công ty Fintech hiện nay tăng gấp đôi so với năm 2016, trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT quan tâm, hỗ trợ cũng đang rất quan tâm đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp về công nghệ tài chính. Dự báo đến năm 2020, giá trị giao dịch của thị trường Fintech Việt Nam tăng lên mức bảy đến tám tỷ USD. Song, dù sở hữu tiềm năng lớn nhưng đối với Fintech, Việt Nam mới chỉ khai phá ở mức độ thấp với một khuôn khổ pháp lý còn sơ khai, chủ yếu là một số đề án mang tính vĩ mô và quy định về thanh toán như: Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025, Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế... “Chúng ta hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm/dịch vụ; Mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech; bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân”, TS Hà Huy Tuấn nhận định.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang hoàn thiện chính sách để rộng cửa cho sự phát triển của mô hình này, Việt Nam cũng cần tiến hành một số hoạt động mang tính lâu dài như xây dựng khung pháp lý thử nghiệm, cho phép các công ty Fintech startup được thí điểm, thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ trước khi cung ứng sản phẩm chính thức ra thị trường; xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh bao trùm các hoạt động dịch vụ Fintech, bảo vệ người tiêu dùng, phòng, chống rửa tiền; đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý/ngân hàng trung ương và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của khung pháp lý về Fintech, phối hợp giữa cộng đồng Fintech trong nước và quốc tế.

Với sự hợp tác của ngân hàng và Fintech trong những năm qua, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhận xét: hai, ba năm nữa lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P) trong tương lai cũng sẽ đạt được hiệu quả tương tự, trở thành cầu nối giúp kết nối với nhiều khách hàng hơn. Mặt khác, thói quen sử dụng ngân hàng di động của người dân Việt Nam dần hình thành. Các khoản thu hằng tháng như tiền điện, tiền nước, tiền mạng... không còn phải “gõ cửa” từng nhà. Dịch vụ công cũng đang được Chính phủ đẩy mạnh, các Fintech dần tạo cho Chính phủ một hệ sinh thái dịch vụ. Thông tin khách hàng sẽ được chuyển từ bộ này sang bộ khác và không phải mất nhiều thời gian kê khai lại.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành mới, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hỗ trợ chuyển đổi số ngân hàng. Xây dựng khuôn khổ Sand Box, xây dựng hoàn thiện hạ tầng dùng chung, mở rộng hợp tác quốc tế, cấp phép ngân hàng... Ngoài ra, các ngân hàng thương mại sẽ xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ sáng tạo; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 để tăng trải nghiệm khách hàng. Đồng thời, cần tăng cường rủi ro an ninh mạng, bảo vệ bí mật khách hàng.