“Bệ phóng” cho kinh tế 2020

Bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm với không ít bất ổn, khép lại năm 2019, “đoàn tàu” kinh tế của Việt Nam vẫn về đích đúng hạn và đang tạo đà để 2020 có thể đạt mục tiêu không chỉ Kế hoạch 5 năm 2016-2020, mà cả Chiến lược 10 năm 2011-2020.

Lắp ráp ô tô tại tổ hợp nhà máy VinFast tại Hải Phòng.Ảnh | AFP
Lắp ráp ô tô tại tổ hợp nhà máy VinFast tại Hải Phòng.Ảnh | AFP

Những chuyển biến tích cực

Nhận định về kinh tế Việt Nam năm 2019, nhiều tổ chức quốc tế đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng khi ghi nhận kinh tế Việt Nam có sự chuyển biến tích cực. Ngân hàng thế giới (WB) trong bản cập nhật Báo cáo Viễn cảnh kinh tế toàn cầu công bố ngày 17-12, cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất định, Việt Nam vẫn nằm trong các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt hơn 6,8%, cao gần gấp ba lần so với tốc độ bình quân của thế giới (2,6%), cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với bình quân ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Ở trong nước, nhiều đơn vị nghiên cứu cũng đưa ra các đánh giá khả quan. Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, trong những tháng cuối năm 2019, ổn định vĩ mô trong nước tiếp tục được duy trì, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tầm kiểm soát và dự kiến tiếp tục ở mức thấp hơn so với mục tiêu đặt ra. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP đạt hơn 7%, cao hơn mức dự báo của nhiều tổ chức quốc tế.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV đã ghi nhận kinh tế có một năm thành công, khi cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, có năm chỉ tiêu vượt và bảy chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra và quan trọng là năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã được tăng 10 bậc. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm tra báo cáo kinh tế cũng cho rằng, dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp hơn năm 2018..., nhưng kinh tế Việt Nam năm 2019 đã đạt được “những chuyển biến tích cực, toàn diện” trên nhiều khía cạnh.

Theo báo cáo của Chính phủ, quy mô kinh tế mở rộng, đạt khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.786 USD (năm 2018 là 2.590 USD). Quan trọng hơn, chất lượng tăng trưởng duy trì đà cải thiện; tốc độ tăng năng suất lao động đạt khá (gần 5,9%), giúp duy trì mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 5,8%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm (5,5%/năm).

Điều đáng chú ý, các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 giảm dần phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đánh giá về các động lực tăng trưởng của năm 2019, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay ghi nhận một số chuyển biến tích cực về động lực cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, khu vực công nghiệp tăng trưởng nhanh hơn, nhất là khai khoáng đã tăng trưởng dương trở lại sau khi sụt giảm trong cùng kỳ năm 2018; tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng tăng nhẹ cũng như một số ngành còn nhiều dư địa như thông tin truyền thông, khoa học công nghệ...

Nhận định về những động lực cho tăng trưởng, WB cho rằng, tăng trưởng GDP được duy trì nhờ vào khu vực kinh tế đối ngoại vững mạnh, với xuất khẩu dự kiến tăng 8% trong năm 2019 - cao hơn gần bốn lần so với bình quân trên thế giới. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, bình quân dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết gần ba tỷ USD mỗi tháng. Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình là một yếu tố ngày càng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh và mức lương tăng lên. Đầu tư của các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân cũng tăng ở mức 17% so với cùng thời kỳ.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2019 phải kể đến là xuất khẩu vẫn giữ đà phục hồi tăng trưởng, theo Bộ Công thương, 11 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 472 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm. Bộ Công thương cho biết: Với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019.

Mục tiêu 2020 có khả thi?

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2020 đã được Quốc hội thông qua với mục tiêu GDP tăng 6,8%, lạm phát kiềm chế dưới 4%. Không chỉ đặt mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, mà Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2020 còn nhấn mạnh yếu tố “tăng trưởng nhanh và bền vững”. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam năm 2020 bởi năm 2020 là năm cuối cùng của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020.

Dù mục tiêu tăng trưởng Quốc hội chỉ đặt ra ở mức 6,8%, song có lẽ, nhiều kỳ vọng đang trông chờ ở mức cao hơn. Và quan trọng hơn, nếu đặt mục tiêu đó trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro lớn, thì tốc độ tăng trưởng như vậy là khá thách thức.

Đặc biệt hơn, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy, kinh tế thế giới có thể sẽ chạm “ngưỡng suy thoái toàn cầu”, thì với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, mục tiêu tăng trưởng 6,8% không biết có “khả thi” không.

Theo WB, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn miễn dịch với các cú sốc bên ngoài, với minh chứng là mức tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 21% xuống còn 8% từ năm 2017 đến năm 2019. Tăng trưởng xuất khẩu còn giảm rõ rệt hơn nếu nhìn vào các thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ, chỉ tăng được 3,6% trong 11 tháng đầu năm 2019.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới cũng tăng chậm 30% so với hai năm trước đó, kể cả sau khi đã tính đến sự tăng trưởng trong đầu tư qua kênh mua bán sáp nhập. Xét những rủi ro bên ngoài nêu trên, đồng thời để mang đến động lực tăng trưởng bổ sung cho nền kinh tế, WB khuyến nghị Việt Nam cần ưu tiên phát triển khu vực tư nhân vững mạnh và năng động trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, năm 2020, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bằng việc nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chuẩn bị sẵn sàng những nguồn lực trong nước đáp ứng cho việc phê chuẩn và thực thi FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) trong thời gian tới.

Theo TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Việt Nam đang trở thành một điểm đến đầu tư, địa điểm dịch chuyển đầu tư tương đối hấp dẫn nhờ tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cũng như tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, v.v.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam không sàng lọc tốt và kịp thời, các dự án FDI có thể khó mang lại hiệu quả cao như kỳ vọng, thậm chí sẽ xuất hiện những dự án “núp bóng” đầu tư, gây hệ lụy đến môi trường, xã hội... Tuy nhiên, việc cân nhắc lựa chọn dự án FDI là không dễ, nhất là khi không ít quốc gia trong khu vực cũng đón dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc. Vì thế, trong giai đoạn tới, tăng trưởng kinh tế cần ít dựa vào FDI hơn và tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ giảm hơn so với năm 2019. Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ ở mức 6,72%; lạm phát bình quân năm 2020 tăng lên 3,17%; tăng trưởng xuất khẩu năm 2020 là 7,64%.

Trong khi đó, WB dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 và các năm tiếp theo sẽ chỉ ở mức 6,5%, lạm phát sẽ vẫn được duy trì ở mức 3%. Năm 2020, ngành nông nghiệp dự kiến sẽ phục hồi từ kết quả tương đối yếu năm 2019 nhờ điều kiện khí hậu và vệ sinh được cải thiện. Ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu trong nước tăng lên.