Tạo chủng giống vi-rút để sản xuất vắc-xin cúm gia cầm

Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu thành công và làm chủ công nghệ tạo giống vi-rút để sản xuất vắc-xin cúm gia cầm bằng kỹ thuật di truyền ngược và chủ động sử dụng kỹ thuật này tạo ra được chủng giống gốc trên cơ sở các gien phân lập từ các chủng lưu hành ở Việt Nam.

Nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học thực tập kỹ thuật di truyền ngược tại Mỹ.
Nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học thực tập kỹ thuật di truyền ngược tại Mỹ.

Thành công này giúp Việt Nam chủ động, nhanh chóng sản xuất vắc-xin cúm gia cầm để phòng, chống dịch bệnh.

Bệnh cúm gia cầm do vi-rút A/H5N1 gây ra là một bệnh nguy hiểm không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho chăn nuôi gia cầm mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Ở Việt Nam, bệnh cúm gia cầm bùng phát lần đầu vào cuối năm 2003. Ðến nay, dịch đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm trong nước với hàng trăm triệu con gia cầm bị chết hoặc tiêu hủy. Ðể phòng, chống được bệnh cúm gia cầm, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp vệ sinh chuồng trại và tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh thì việc tiêm vắc-xin phòng bệnh là hết sức cần thiết. Từ năm 2006, Việt Nam đã áp dụng chương trình tiêm chủng cho gia cầm, cho nên đã hạn chế tác hại và làm giảm nguy cơ bùng phát của dịch cúm gia cầm.

Việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 cho gia cầm ở Việt Nam đã được triển khai trong giai đoạn 2006 - 2008. Trong giai đoạn này, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thực hiện thành công đề tài "Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1". Kết quả của đề tài đã được chuyển giao cho Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) sản xuất với tên thương mại Navet-Vifluvac. Vắc-xin này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép sản xuất và lưu hành từ năm 2012. Ðây là vắc-xin cúm gia cầm đầu tiên tại Việt Nam do các nhà khoa học trong nước tự nghiên cứu. Ðến nay, hàng trăm triệu liều vắc-xin Navet-Vifluvac đã được sản xuất và góp phần quan trọng trong phòng, chống bệnh cúm gia cầm ở nước ta.

Tuy nhiên, vắc-xin cúm gia cầm sản xuất trong nước chủ yếu sử dụng chủng gốc có nguồn gốc là các chủng vi-rút ứng viên vắc-xin được các tổ chức có thẩm quyền của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cung cấp và được tạo ra bằng kỹ thuật di truyền ngược, do đó, tính chủ động trong sản xuất vắc-xin bị ảnh hưởng. Bài toán đặt ra cho các nhà khoa học là cần chủ động tạo ra các chủng giống cho sản xuất vắc-xin trong nước. Năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao đề tài "Nghiên cứu tạo giống gốc để sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1" cho Viện Công nghệ sinh học. Nhóm nghiên cứu, đứng đầu là TS Nguyễn Trung Nam, chủ nhiệm đề tài, đã nghiên cứu thành công, làm chủ được công nghệ tạo giống vi-rút để sản xuất vắc-xin bằng kỹ thuật di truyền ngược và chủ động sử dụng kỹ thuật này tạo ra được chủng giống gốc trên cơ sở các gien phân lập từ các chủng lưu hành ở Việt Nam.

TS Nguyễn Trung Nam chia sẻ, quá trình học tập kỹ thuật di truyền ngược rất khó khăn do Việt Nam chưa có vật liệu là chủng giống gốc để nghiên cứu và thiếu các trang thiết bị. Kỹ thuật di truyền ngược (reverse genetics) là một trong những kỹ thuật tạo giống gốc vi-rút cho sản xuất vắc-xin cúm gia cầm mang lại hiệu quả cao đã được chứng minh và sử dụng rộng rãi trên thế giới. Vắc-xin được tạo ra bằng kỹ thuật di truyền ngược có các ưu điểm như: độ tinh sạch cao, tính kháng nguyên cao, độc tính thấp, do đó an toàn với gia cầm được tiêm vắc-xin. Theo quy trình sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 bằng kỹ thuật di truyền ngược của WHO, chủng vắc-xin được tạo ra sẽ bao gồm tám đoạn gien của vi-rút, trong đó sáu đoạn gien mã hóa các prô-tê-in khung của vi-rút và hai đoạn gien mã hóa prô-tê-in kháng nguyên bề mặt (H5 và N1) của các chủng vi-rút đang lưu hành. Trong đó, các gien mã hóa cho kháng nguyên bề mặt đã được xử lý bằng công nghệ gien để loại bỏ khả năng gây độc, nhưng vẫn giữ nguyên đặc tính kháng nguyên của vi-rút. Nhờ sự giúp đỡ đào tạo về lĩnh vực di truyền ngược của Khoa Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm của WHO về nghiên cứu cúm gia cầm, Bệnh viện nghiên cứu nhi St. Jude ở Mỹ, cho nên nhóm nghiên cứu đã vượt qua các khó khăn, làm chủ được kỹ thuật, góp phần đem lại thành công cho đề tài. Vừa qua, đề tài đã được nghiệm thu cấp nhà nước.

Kết quả chính của đề tài đã hoàn thành là hai chủng giống vi-rút cúm A/H5N1 thuộc biến chủng (clade) 1.1 (IBTRG-01) và clade 2.3.2.1c (IBTRG-02) để chế tạo vắc-xin. Các chủng giống này được tạo ra bằng kỹ thuật di truyền ngược, chứa sáu đoạn gien khung có nguồn gốc từ vi-rút A/PR/8/34 và hai đoạn gien kháng nguyên H5 và N1 của hai clade của vi-rút cúm A/H5N1 là clade 1.1 và clade 2.3.2.1c. Các chủng giống IBTRG-01 và IBTRG-02 đã được thử nghiệm và cho kết quả tốt với khả năng kích thích đáp ứng miễn dịch tạo kháng thể đặc hiệu và tỷ lệ bảo hộ với gia cầm tiêm vắc-xin đạt 91,6%. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể áp dụng kỹ thuật di truyền ngược để trong một thời gian ngắn tạo ra các giống vi-rút cho sản xuất các loại vắc-xin cúm gia cầm khác, như cúm gia cầm A/H5N6 và A/H9N2 nhằm phòng, chống dịch bệnh đang xuất hiện tại Việt Nam.