Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo khí tượng thủy văn

Bên cạnh việc tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý, năm 2019, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã theo dõi, dự báo và cảnh báo sát diễn biến, tác động của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, đợt mưa lớn và lũ lụt. Kịp thời đưa ra những nhận định sớm về diễn biến thiên tai trước năm đến bảy ngày để Chính phủ có những kế hoạch ứng phó phù hợp.

Các loại hình thiên tai nguy hiểm khác như mưa lớn, nắng nóng, không khí lạnh gây rét đậm, rét hại đều được theo dõi chặt chẽ và dự báo, cảnh báo sớm với độ tin cậy đạt 75 đến 90% nhờ vào các công nghệ mới được trang bị, trong cả lĩnh vực quan trắc và dự báo.

Nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ dự báo trong năm 2020, Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ tăng mật độ trạm quan trắc bề mặt và cao không (tự động); đầu tư trang thiết bị và hiện đại hóa hệ thống quan trắc, công nghệ dự báo và cảnh báo sớm. Nâng cao năng lực hệ thống công nghệ thông tin và truyền tin; hiệu quả truyền thông dự báo, cảnh báo sớm. Tập trung tăng cường năng lực hệ thống thông tin và tối ưu hóa trung tâm dữ liệu, hoàn thiện hệ thống quản trị dữ liệu tập trung, nâng cấp hệ thống tính toán hiệu năng cao, đầu tư hệ thống quản trị và giám sát hỗ trợ xử lý sự cố tức thời. Mở rộng hệ thống dữ liệu tập trung phục vụ phòng, chống thiên tai, thực hiện bảo mật và hệ thống truyền tin vệ tinh.

Ngành đặt trọng tâm năm tới là nâng cao chất lượng dự báo hạn hán, xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường dự báo hạn mùa, dự báo cường độ bão, năng lực vận hành và ứng dụng mô hình dự báo số, nâng cao chất lượng dự báo hải văn, đồng bộ hóa nguồn dữ liệu ra-đa, vệ tinh, dự báo mô hình số, hệ thống hướng dẫn phản ứng khi xảy ra lũ quét và sạt lở đất…

* Với định hướng đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là khâu then chốt để tạo bước đột phá, phát triển nền nông nghiệp hiện đại và bền vững, năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật như: Xây dựng chương trình công nghệ sinh học tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2013 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030; khắc phục hiện tượng chết xanh và rạn vỏ trên cây quýt hồng tại huyện Lai Vung; tuyển chọn và phát triển giống vừng có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình sản xuất cây chanh đạt chứng nhận VietGAP tại hai huyện Cao Lãnh và Châu Thành; phát triển các giống lúa ngắn ngày, thích nghi nhiệt độ cao, chống chịu sâu bệnh và chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã thực hiện thành công việc nhân giống lúa OM 221 và OM 124...

Tỉnh đang tập trung nhân rộng quy trình sản xuất ớt để nâng cao năng suất, chất lượng và đạt chứng nhận VietGAP tại huyện Thanh Bình; phát triển giống vừng cho năng suất cao, chất lượng tốt tại bốn huyện Châu Thành, Thanh Bình, Tân Hồng và Cao Lãnh. Hệ thống tưới tự động được triển khai tại các vườn trồng nhãn, xoài và cam sành tại hai huyện Châu Thành, Lai Vung và TP Cao Lãnh. Hiệu quả từ mô hình này giúp người sản xuất tiết kiệm hơn 25,8 triệu đồng/ha so với áp dụng phương pháp tưới thông thường.