Xem chương trình dạy nấu ăn giúp trẻ ăn uống lành mạnh hơn

NDO -

NDĐT - Các chương trình truyền hình dạy nấu ăn có sử dụng các thực phẩm tốt cho sức khỏe có thể là yếu tố quan trọng định hướng trẻ em lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe từ bé cho đến độ tuổi trưởng thành.

Xem chương trình dạy nấu ăn có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của trẻ.
Xem chương trình dạy nấu ăn có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của trẻ.

Một nghiên cứu mới, được Elsevier công bố trên Tạp chí Hành vi và giáo dục dinh dưỡng cho thấy, trẻ em sau khi xem một chương trình dạy nấu ăn phù hợp với lứa tuổi có sử dụng thực phẩm lành mạnh có khả năng quyết định sử dụng thực phẩm lành mạnh tăng 2,7 lần so với những trẻ em khác có xem những cảnh của một chương trình truyền hình tương tự nhưng sử dụng những thực phẩm không lành mạnh.

Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 125 trẻ ở độ tuổi từ 10 đến 12, với sự đồng ý của cha mẹ, tại năm trường học ở Hà Lan xem một chương trình nấu ăn trên truyền hình quảng bá của Hà Lan được thiết kế cho trẻ em, và sau đó tặng chúng một đồ ăn vặt như một phần thưởng cho hoạt động này. Trẻ em đã xem một chương trình tốt cho sức khỏe có nhiều khả năng lựa chọn một đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe, như một miếng táo hay vài miếng dưa chuột, hơn một đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe như một miếng khoai tây chiên hay một vài miếng bánh quy mặn.

“Những phát hiện từ nghiên cứu này cho thấy các chương trình nấu ăn có thể là một công cụ đầy triển vọng trong việc thúc đẩy những thay đổi tích cực của hành vi, thái độ và sở thích có liên quan đến thực phẩm ở trẻ em”, theo tác giả chính, Tiến sĩ Frans Folkvord ở Đại học Tilburg ở Tilburd, Hà Lan.

Nghiên cứu này được thực hiện với trẻ em ở các trường học, có thể đại diện cho một sự thay thế đầy triển vọng cho trẻ em học các hành vi ăn uống lành mạnh. Nghiên cứu trước đây cho thấy thanh niên có nhiều khả năng sử dụng thực phẩm giàu dinh dưỡng bao gồm trái cây và rau quả nếu họ tham gia chế biến món ăn, nhưng ở thời hiện đại, sự phụ thuộc vào thực phẩm chế biến sẵn và thiếu vắng sự hướng dẫn của cha mẹ trong việc chế biến thực phẩm tươi sống đã dẫn đến suy giảm kỹ năng nấu ăn ở trẻ em.

“Thay vào đó, việc đưa giáo dục dinh dưỡng vào môi trường trường học có thể có một ảnh hưởng trực tiếp quan trong đến hiểu biết, quan điểm, kỹ năng và hành vi của một đứa trẻ”, Tiến sĩ Folkvord nói.

Nghiên cứu này cho thấy sự nổi bật trực quan của các lựa chọn lành mạnh trong cả việc chọn thực phẩm và kích thước của khẩu phần thức ăn trong chương trình nấu ăn trên truyền hình có thể định hướng người xem trẻ tuổi thèm muốn những lựa chọn lành mạnh và sau đó hành động theo những thèm muốn đó.

Ảnh hưởng của việc tiếp xúc với các lựa chọn lành mạnh hơn đối với trẻ em bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các đặc điểm tính cách. Ví dụ, trẻ em không thích những thực phẩm mới ít có khả năng thể hiện sự thèm muốn mạnh mẽ đối với các lựa chọn lành mạnh hơn sau khi xem chương trình TV có sử dụng thực phẩm lành mạnh so với trẻ thích thưởng thức các loại thực phẩm mới. Tuy nhiên, khi chúng lớn lên, chúng bắt đầu cảm thấy có trách nhiệm hơn với thói quen ăn uống của chúng và có thể dựa vào thông tin mà chúng học được khi còn nhỏ. Các nhà nghiên cứu tin rằng, điều này cho thấy việc xem các chương trình với các lựa chọn lành mạnh vẫn có thể có tác động tích cực đến hành vi của trẻ em, ngay cả khi nó bị trì hoãn bởi tuổi tác.

Thói quen ăn uống nghèo nàn dinh dưỡng trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên có nhiều tác động tiêu cực đến một số chỉ số sức khỏe và thể trạng, như việc đạt được và duy trì trọng lượng khỏe mạnh, tăng trưởng và phát triển hình thể và sức khỏe răng miệng.

“Khả năng tiêu thụ trái cây và rau quả ở thanh thiếu niên và người trưởng thành có liên quan mạnh mẽ đến việc biết cách chế biến phần lớn các loại trái cây và rau quả. Việc gia tăng kỹ năng nấu ăn ở trẻ em có thể ảnh hưởng tích cực đến việc tiêu thụ trái cây và rau quả của chúng như một thói quen sẽ đến ở tuổi trưởng thành”, tiến sĩ Folkvord nói thêm.