Khoa học ngày nay

Xây dựng quy trình nhân nuôi rồng đất

Các nhà nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Trường đại học Sư phạm (Ðại học Huế) đã triển khai các nội dung nghiên cứu nhằm đánh giá hiện trạng, xác định các tác nhân đe dọa loài rồng đất (tên khoa học là Physignathus concincinus Cuvier), đề xuất giải pháp sử dụng bền vững và xây dựng quy trình nhân nuôi loài rồng đất quy mô hộ gia đình tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Loài rồng đất đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam (2007) ở mức sẽ nguy cấp do bị săn bắt quá mức. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đã xây dựng được bản đồ hiện trạng phân bố và bản đồ dự báo vùng phân bố của loài rồng đất ở tỉnh Thừa Thiên - Huế và vùng phụ cận theo bối cảnh biến đổi khí hậu đến năm 2070. Các giải pháp bảo tồn được đưa ra, gồm: Kiểm soát săn bắt rồng đất; nhân nuôi sinh sản để phục vụ nhu cầu thị trường và thả lại tự nhiên khi cần thiết; bảo vệ sinh cảnh rừng tự nhiên; kiểm soát khai thác gỗ và lâm sản trái phép... Ðồng thời, xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân nuôi rồng đất quy mô hộ gia đình.

Bào chế vắc-xin giúp giảm đau do viêm xương khớp

Nhóm các nhà khoa học quốc tế, gồm các nhà khoa học Anh, Thụy Sĩ và Lát-vi-a đã bào chế được loại vắc-xin có thể giảm cơn đau do viêm xương khớp và đã thử nghiệm thành công trên chuột. Khi bị viêm xương khớp, các mô sụn ở khớp bị phá hủy và xương bắt đầu tiếp xúc với nhau, gây viêm, đau và biến dạng khớp. Nhóm các nhà khoa học quốc tế tiến hành các thử nghiệm lâm sàng, đưa kháng thể tới yếu tố tăng trưởng thần kinh để giảm đau khi bị viêm xương khớp. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần tiếp tục kiểm nghiệm sự an toàn của phương pháp này trước khi sử dụng để điều trị cho người.

Vật liệu gỗ chịu được lửa

Trong công trình nghiên cứu mới, nhóm nghiên cứu của Ðại học Maryland, Hoa Kỳ đã thử nghiệm vật liệu gỗ (mà nhóm đã nghiên cứu trước đây) về độ chịu nhiệt. Kết quả cho thấy, loại vật liệu mới này chịu lửa tốt hơn gỗ tự nhiên. Cấu trúc gỗ dày đặc giúp ngăn chặn sự lan truyền ô-xy bên trong vật liệu, làm giảm tính dễ cháy. Thời gian bắt lửa chậm một nửa so với gỗ thông thường. Khi cháy, có một lớp than hình thành trên bề mặt của gỗ, giúp ngăn chặn ngọn lửa lan rộng hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, với các tính năng đặc biệt của gỗ, con người có thể đủ thời gian để cứu người và tài sản khi xảy ra cháy.