Vaccine Covid-19 của Oxford hiệu quả đến 90% với liều lượng thích hợp

NDO -

Ngày 23-11, Oxford trở thành ứng cử viên vaccine Covid-19 thứ ba công bố kết quả đầy hứa hẹn trong các thử nghiệm giai đoạn cuối với hiệu quả khoảng 70% trong việc ngăn ngừa Covid-19, và hiệu quả có thể lên đến 90% khi được sử dụng ở một liều lượng cụ thể.

Một biển chỉ dẫn của cuộc thử nghiệm vaccine Covid-19 do Đại học Oxford thực hiện. Ảnh: Shutterstock.
Một biển chỉ dẫn của cuộc thử nghiệm vaccine Covid-19 do Đại học Oxford thực hiện. Ảnh: Shutterstock.

Thông tin này được đưa ra sau các thông báo gần đây từ Pfizer và Moderna rằng vaccine coronavirus của họ đều có hiệu quả khoảng 95%.

Mặc dù hiệu quả của vaccine Oxford tương đối thấp hơn hai loại vaccine của Pfizer và Moderna khi đều có hiệu quả khoảng 95%, nhưng vaccine này vẫn đầy hứa hẹn vì rẻ hơn và dễ phân phối hơn hai loại còn lại.

Tình cờ phát hiện ra liều sử dụng thích hợp

Vaccine này do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển và được tiêm hai liều, cách nhau 28 ngày. Các kết quả ban đầu dựa trên 131 người tham gia trong các thử nghiệm giai đoạn cuối đã mắc Covid-19 sau khi nhận vaccine Oxford hoặc giả dược.

Theo tuyên bố, không ai trong số những người bị nhiễm Covid-19 sau khi tiêm vaccine phải nhập viện hoặc mắc bệnh nghiêm trọng. Trước đó, vaccine của Oxford đã hai lần bị tạm dừng sau khi hai người tham gia khác nhau phát triển các triệu chứng thần kinh. Nhưng sau đó nó được cho phép tiếp tục thử nghiệm khi các nhà điều tra không tìm thấy mối liên hệ giữa vaccine và các triệu chứng.

Theo tuyên bố, kết quả cho thấy liều lượng của vaccine tạo ra sự khác biệt lớn về hiệu quả. Ở 8.895 người được tiêm đủ hai liều, vaccine Oxford có hiệu quả khoảng 62%. Nhưng ở 2.741 người tình nguyện lần đầu tiên được tiêm một nửa liều và sau đó là đủ liều, vaccine này có hiệu quả 90%. 

Tuy nhiên, dữ liệu thực tế vẫn chưa được công bố và đánh giá ngang hàng. Thông cáo báo chí không tiết lộ bao nhiêu người tham gia đã được tiêm vaccine và bao nhiêu người đã tiêm giả dược ở cả hai nhóm, trong khi đây là những dữ liệu quan trọng trong việc giải thích những kết quả.

Ông Mene Pangalos, người đứng đầu nghiên cứu và phát triển các bệnh không liên quan tới ung thư của AstraZeneca nói với Reuters rằng, việc tiêm một nửa liều là không cố ý. Đó là do khi tiêm thử nghiệm ở Anh, "họ đã dự đoán sai liều lượng của vaccine bằng một nửa". Và các nhà nghiên cứu phát hiện ra khi những trường hợp này được báo cáo các tác dụng phụ nhẹ hơn dự kiến. Công ty đã quyết định tiếp tục thử nghiệm với nửa liều đầu tiên. Họ cũng không biết chính xác tại sao liều đầu tiên thấp hơn lại dẫn đến kết quả tốt hơn.

Theo Belfast Telegraph, Giáo sư, Tiến sĩ Andrew Pollard, Giám đốc của Oxford Vaccine Group cho biết trong một cuộc họp báo ngày 23-11: “Chúng tôi nghĩ rằng bằng cách cho một liều đầu tiên nhỏ hơn, chúng ta đang mồi cho hệ thống miễn dịch theo một cách khác biệt và thiết lập nó để đáp ứng tốt hơn. Và điều chúng ta không biết vào lúc này là liệu sự khác biệt đó là về chất lượng hay số lượng của phản ứng miễn dịch".

Theo Giáo sư Pollard, trong các loại vaccine được tiêm dưới dạng một liều duy nhất, liều lượng càng cao thì phản ứng miễn dịch càng tốt. Nhưng đối với vaccine được tiêm hai liều, như vaccine này, liều đầu tiên tăng cường hệ thống miễn dịch và liều thứ hai đẩy mạnh nó lên.

AstraZeneca sẽ gửi dữ liệu về hiệu quả và độ an toàn từ các thử nghiệm giai đoạn 3 này cho các cơ quan quản lý trên toàn cầu, và Đại học Oxford sẽ gửi bản phân tích đầy đủ cho một tạp chí khoa học độc lập được bình duyệt. Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của họ đang tiếp tục trên toàn cầu, trong đó có cả ở Anh, Brazil, Nam Phi và Mỹ.

Hiệu quả thấp hơn nhưng vẫn là ứng viên vaccine Covid-19 đầy hứa hẹn

Vaccine của Oxford hoạt động khác với vaccine của Pfizer và Moderna. Hai loại vaccine sau dựa trên một công nghệ mới sử dụng sứ giả di truyền để thúc đẩy hệ thống miễn dịch tạo ra protein đột biến của virus SARS-CoV-2, do đó, hệ thống miễn dịch tạo ra một kho vũ khí tế bào để tấn công virus.

Vaccine của Đại học Oxford có cách tiếp cận truyền thống hơn. Nó được tạo thành từ một phiên bản suy yếu của một loại virus cảm lạnh thông thường, được gọi là adenovirus, lây nhiễm cho tinh tinh. Virus này được thay đổi về mặt di truyền để nó không thể tái tạo ở người và được bổ sung các gen trong mã cho protein đột biến của virus SARS-CoV-2. Đến lượt nó, adenovirus dạy cho hệ thống miễn dịch nhận ra protein đột biến và tấn công virus.

Mặc dù vaccine của Đại học Oxford cho thấy hiệu quả thấp hơn vaccine của Pfizer và Moderna, nhưng vẫn có những lợi thế so với hai loại này. Chẳng hạn, vaccine này rẻ hơn nhiều so với hai loại còn lại và có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường ở nhiệt độ 2 đến 8 độ C. Ngược lại, vaccine của Pfizer phải được bảo quản trong điều kiện cực lạnh, đây có thể sẽ là rào cản đối với việc bảo quản và phân phối.

Giáo sư Pollard nói: “Vì vaccine của Oxford có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh, nên nó có thể được phân phối trên khắp thế giới bằng cách sử dụng hệ thống phân phối tiêm chủng thông thường. Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm rằng vaccine có thể sử dụng ở mọi nơi. Tôi nghĩ chúng tôi đã thực sự làm được điều đó".