Trung Quốc thu hồi thành công đá mặt trăng từ tàu Hằng Nga 5

NDO -

2 giờ sáng 17-12, tàu thăm dò Hằng Nga 5 đã mang đá mặt trăng trở về Trái đất thành công sau hơn 40 năm gián đoạn. Vài tiếng sau khi khoang chứa đá mặt trăng được hạ cánh bằng dù xuống khu vực Nội Mông, Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp báo.

Khoang tàu chứa mẫu đá mặt trăng được hạ cánh bằng dù xuống khu vực Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: Tân  Hoa Xã qua AP.
Khoang tàu chứa mẫu đá mặt trăng được hạ cánh bằng dù xuống khu vực Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: Tân  Hoa Xã qua AP.

Sáng 17-12, Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc cho biết, khoang chứa mẫu đá mặt trăng của tàu thăm dò Hằng Nga 5 đã hạ cánh khoảng 2 giờ sáng cùng ngày tại khu vực Nội Mông.

Các đội thu hồi mẫu vật đã chuẩn bị máy bay trực thăng và xe địa hình tìm theo tín hiệu phát ra từ tàu vũ trụ và xác định vị trí của nó trong bóng tối bao phủ vùng tuyết phủ rộng lớn ở cực bắc của Trung Quốc. Từ lâu, nơi đây được sử dụng làm bãi đáp cho các phi hành đoàn Thần Châu của Trung Quốc.

Trung Quốc thu hồi thành công đá mặt trăng từ tàu Hằng Nga 5 -0
 2 giờ sáng 17-12, khoang chứa mẫu đá mặt trăng đã hạ cánh xuống khu vực Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: Tân  Hoa Xã qua AP.

Vào ngày 1-12, hai trong số bốn tàu đổ bộ của tàu Hằng Nga 5 đã hạ cánh xuống mặt trăng và thu thập khoảng 2 kg mẫu đá bằng cách khoan 2 mét vào lớp vỏ của mặt trăng.

Những tảng đá mới được thu thập được cho là trẻ hơn hàng tỷ năm so với những khối đá mà Mỹ và Liên Xô thu được trước đó, mang đến những hiểu biết mới về lịch sử của mặt trăng và các thiên thể khác trong hệ mặt trời.

Trung Quốc thu hồi thành công đá mặt trăng từ tàu Hằng Nga 5 -0

 Mô hình tàu quỹ đạo mặt trăng và tàu đổ bộ Hằng Nga 5 của Trung Quốc được trưng bày trước cuộc họp báo tại Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc  ngày 17-12. Ảnh: AP.

Tân Hoa xã cho biết, trong một tuyên bố đọc tại Trung tâm Kiểm soát Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi đây là thành tựu lớn đánh dấu một bước tiến lớn của ngành công nghiệp vũ trụ Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng những người tham gia sứ mệnh sẽ tiếp tục đóng góp để xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc về vũ trụ.

Tại cuộc họp báo ngày 17-12, Phó Chỉ huy trưởng Chương trình Thám hiểm mặt trăng Trung Quốc Wu Yanhua cho biết, chương trình khám phá vũ trụ của Trung Quốc mới chỉ bắt đầu. Ba sứ mệnh tiếp theo trên mặt trăng của Trung Quốc đang được thực hiện, cùng với các chương trình khám phá sao Hỏa, các tiểu hành tinh và sao Mộc.

Trung Quốc thu hồi thành công đá mặt trăng từ tàu Hằng Nga 5 -0
Cuộc họp báo tại Trung Quốc ngày 17-12. Ảnh: AP.

Được đặt tên theo nữ thần mặt trăng của Trung Quốc, chương trình Hằng Nga đã thực hiện ba lần hạ cánh trên mặt trăng, trong đó có một lần hạ cánh ở phía xa ít được khám phá. Tàu vũ trụ Hằng Nga 6 dự kiến ​​phóng vào năm 2023, nhằm thu thập nhiều mẫu hơn từ cực nam của mặt trăng. Trong khi đó, hai tàu tiếp theo sẽ tiến hành các cuộc khảo sát chi tiết và thử nghiệm các công nghệ cần thiết cho việc xây dựng cơ sở khoa học trên mặt trăng.

Trung Quốc chưa đưa ra thời hạn để triển khai tàu Hằng Nga 7 và 8, hay sứ mệnh phi hành đoàn lên mặt trăng, xây dựng căn cứ mặt trăng, mà chỉ nói là đang trong quá trình thực hiện.

Ông Wu nói: “Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng góp cho thế giới và nâng cao đời sống con người bằng các giải pháp chinh phục vũ trụ của mình”.

Trung Quốc thu hồi thành công đá mặt trăng từ tàu Hằng Nga 5 -0
Ảnh: Tân  Hoa Xã qua AP.

Vỏ khoang tàu và mẫu đá đã được đưa về khuôn viên của chương trình vũ trụ ở Bắc Kinh sau khi hạ cánh để bắt đầu tháo dỡ và phân tích.

Cũng như 382 kg mẫu đá mặt trăng do các phi hành gia Mỹ mang về từ năm 1969 đến năm 1972, mẫu đá mặt trăng lần này sẽ được phân tích tuổi, thành phần và dự kiến ​​sẽ được chia sẻ với các quốc gia khác.