Trung Quốc sẽ phóng tàu đổ bộ mặt trăng Hằng Nga 6 vào năm 2024

NDO -

Trung Quốc sẽ phóng tàu đổ bộ mặt trăng tiếp theo vào năm 2024, và dự kiến mang theo thiết bị vũ trụ của Pháp, Thụy Điển, Nga và Italy lên mặt trăng.

Hình ảnh tàu đổ bộ Hằng Nga 4 trên mặt trăng được chụp ngày 11-1-2019. Ảnh: Xinhua.
Hình ảnh tàu đổ bộ Hằng Nga 4 trên mặt trăng được chụp ngày 11-1-2019. Ảnh: Xinhua.

Theo Tân Hoa Xã, tại Hội nghị Vũ trụ Trung Quốc ở Nam Kinh ngày 24-4, chuyên gia Hu Hao, nhà thiết kế chính giai đoạn ba của chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc cho biết, tàu đổ bộ Hằng Nga 6 (Chang'e 6) sẽ hạ cánh gần cực nam mặt trăng và thu thập các mẫu vật mang trở về Trái đất. Việc thiết kế chi tiết cho tàu Hằng Nga 6 đang được tiến hành.

Trung Quốc đã phóng tàu thăm dò Hằng Nga 5 vào năm 2020, mang về Trái đất thành công 1.731 gam mẫu đất đá từ mặt trăng.

Là sứ mệnh tiếp nối của Hằng Nga 5, sứ mệnh Hằng Nga 6 cũng sẽ tự động thu thập các mẫu mặt trăng để phân tích và nghiên cứu toàn diện.

Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc đã mời các nhà khoa học toàn cầu tham gia vào chương trình, và đưa ra các yêu cầu về trọng tải của thiết bị.

Bốn phần tải trọng bị do các nhà khoa học Pháp, Thụy Điển, Italy, Nga và Trung Quốc phát triển đã được lựa chọn sơ bộ. Sau khi kế hoạch chi tiết của sứ mệnh tàu Hằng Nga 6 được công bố, các thiết bị cuối cùng sẽ được xác định, ông Hu cho biết.

Trung Quốc có kế hoạch thực hiện thăm dò tài nguyên mặt trăng, nghiên cứu khoa học và thử nghiệm công nghệ trong các sứ mệnh Hằng Nga 6, 7 và 8.

Tàu đổ bộ Hằng Nga là một phần trong các nỗ lực khám phá không gian của Trung Quốc. Nước này còn phóng thành công tàu thăm dò quỹ đạo sao Hỏa và đang chuẩn bị hạ cánh robot thám hiểm trên bề mặt hành tinh Đỏ. Ngoài ra, Trung Quốc còn có kế hoạch xây dựng một trạm quỹ đạo có phi hành đoàn, đưa con người lên mặt trăng và lấy đất từ ​​một tiểu hành tinh.

Vào tháng 12 năm ngoái, tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga 5, đã đưa đá mặt trăng trở lại Trái đất lần đầu tiên kể từ những năm 1970.