Tạo thành công hai phôi thai tê giác trắng phương Bắc

NDO -

NDĐT - Các nhà khoa học sử dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm IVF để tạo thành công hai phôi thai nhằm cứu loài tê giác trắng phương Bắc sắp tuyệt chủng. Đây là một nỗ lực mang tính bước ngoặt.

Sự phát triển của một phôi thai từ cá thể tê giác trắng phương Bắc tên là Fatu.
Sự phát triển của một phôi thai từ cá thể tê giác trắng phương Bắc tên là Fatu.

Nhóm các nhà nghiên cứu và bảo tồn quốc tế đã sử dụng quy trình thụ tinh ống nghiệm IVF để tạo ra phôi từ trứng tươi thu được từ hai cá thể tê giác cái trắng phương Bắc còn lại và tinh trùng đông lạnh từ con đực đã chết.

Thành tựu này, được công bố tại một cuộc họp báo ở Ý hôm thứ Tư, 11-9, mở đường cho các chuyên gia chuyển phôi này vào một con tê giác trắng phương Nam trong tương lai gần.

“Hôm nay, chúng tôi đã đạt được một cột mốc quan trọng trên con đường cho phép chúng tôi lên kế hoạch cho các bước trong tương lai trong chương trình giải cứu tê giác trắng phương bắc”, Thomas Hildebrandt, người đứng đầu dự án BioResTHER tại Viện nghiên cứu động vật và động vật hoang dã Leibniz nói.

Phôi được tạo ra tại Phòng thí nghiệm Avantea ở Cremona, Ý và sẽ được lưu trữ trong khí nitơ lỏng cho đến khi nhóm nghiên cứu sẵn sàng chuyển chúng vào một cá thể tê giác trắng phương Nam thay thế mang thai.

Tạo thành công hai phôi thai tê giác trắng phương Bắc ảnh 1

Sau khi được lấy trứng vào cuối tháng 8, trong khi Najin hồi phục thì Fatu đang gặp vấn đề về sức khỏe.

Tê giác trắng phương Bắc đã suy giảm trong nhiều thập kỷ. Vào năm 2018, loài này chỉ còn lại hai cá thể cái cuối cùng trên thế giới là Najin và Fatu tại Khu bảo tồn Ol Pejeta Conservancy ở Kenya.

Cesare Galli cho biết, cuối tháng 8, nhóm của ông đã thu thập năm quả trứng chưa trưởng thành từ mỗi cá thể tê giác cái và đưa đến phòng thí nghiệm của Ý. Trong số 10 quả trứng được thu hoạch, bảy quả thích hợp để thụ tinh, trong đó có ba quả trứng trưởng thành của Najin và bốn quả của Fatu.

Sau đó, các nhà khoa học đã sử dụng quy trình IVF phổ biến là tiêm tinh trùng để thụ tinh cho trứng. Fatu được tiêm tinh trùng lấy từ một cá thể tê giác đực đã chết năm 2014 tên là Suni, trong khi trứng của Najin được thụ tinh với tinh trùng kém chất lượng được thu thập từ một con đực tên là Saut chết năm 2006. Sau 10 ngày, hai quả trứng của Fatu đã phát triển thành phôi khả thi, nhưng không có quả trứng nào của Najin phát triển thành phôi.

Khoảng 21.000 cá thể tê giác trắng phương Nam vẫn còn tồn tại và con cái sẽ được sử dụng làm mẹ thay thế trong nỗ lực cứu loài tê giác trắng phương Bắc. Các nhà khoa học hy vọng rằng cá thể tê giác trắng phương Bắc đầu tiên sẽ được sinh ra từ phôi thụ tinh ống nghiệm trong hai năm tới.

* Nỗ lực táo bạo hồi sinh loài tê giác trắng phương Bắc