Sóng siêu âm giúp loại bỏ sỏi thận không cần phẫu thuật

NDO -

Các chùm siêu âm có thể được sử dụng để loại bỏ sỏi thận bằng cách đẩy chúng ra khỏi cơ thể. Trong thí nghiệm trên lợn, một nhóm nhà khoa học đã sử dụng phương pháp này di chuyển các hạt thủy tinh dọc theo tuyến được xác định trước.

Những mảnh sỏi thận bị tán nhỏ được phóng đại. Ảnh: WD Auer / Alamy.
Những mảnh sỏi thận bị tán nhỏ được phóng đại. Ảnh: WD Auer / Alamy.

Sỏi thận được hình thành khi lượng nước tiểu quá ít hay nồng độ các chất khoáng trong nước tiểu tăng cao, lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Chúng có thể bị mắc kẹt bên trong thận hoặc trong niệu quản, ống hẹp dẫn từ thận đến bàng quang, gây đau đớn cho bệnh nhân.

Phương pháp điều trị hiện nay là tán những viên sỏi thành những mảnh nhỏ hơn, vì vậy chúng có thể dễ dàng thoát ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Điều này có thể được thực hiện bằng cách đẩy một ống dài mỏng lên niệu quản từ bàng quang, hoặc bằng cách bắn sóng xung kích siêu âm từ bên ngoài cơ thể. Nhưng cả hai phương pháp này đều có thể để lại những mảnh vỡ trong cơ thể khiến chúng phát triển thành nhiều sỏi hơn. Trường hợp nặng hơn thì cần phẫu thuật.

Một nhóm nhà khoa học do Phó giáo sư Michael Bailey, Đại học Washington, Mỹ dẫn đầu đã khám phá một cách tiếp cận khác, sử dụng sóng siêu âm nhẹ nhàng hơn để giải phóng sỏi từ nơi chúng bị mắc kẹt.

Ý tưởng đầu tiên mà nhóm thử nghiệm là với những viên sỏi nhỏ, để tăng cơ hội di chuyển tự nhiên. Các thử nghiệm với 15 người đầu tiên cho thấy phương pháp này có thể di chuyển các viên sỏi nhỏ trong cơ thể họ.

Tiếp theo, nhóm của ông Bailey đã tìm ra cách kiểm soát tốt hơn viên sỏi. Họ sử dụng sóng siêu âm nhắm mục tiêu để tạo ra một vòng áp suất cao xung quanh viên sỏi, nhốt nó tại chỗ. Nếu vòng áp suất này được di chuyển, nó sẽ kéo viên sỏi đi cùng. Ngay cả việc di chuyển mới chỉ được một khoảng cách nhỏ, nhưng phương pháp này cho thấy có tác dụng, ông Bailey nói.

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm phương pháp tiếp cận trên ba con lợn bị gây mê, sử dụng các hạt thủy tinh được đặt bên trong bàng quang của chúng để thay thế cho sỏi thận. Các hạt đã được điều khiển thành công dọc theo các tuyến được chọn trước với độ chính xác hơn 90%. 

Theo chuyên gia tư vấn phẫu thuật tiết niệu Ben Turney, Đại học Oxford, việc di chuyển các hạt hình cầu trong một không gian rộng như bàng quang có thể dễ dàng hơn việc điều khiển các viên sỏi có hình dạng bất thường thông qua một ống hẹp. Nhưng ông cũng cho rằng, kỹ thuật này có thể giúp đẩy sỏi ra khỏi những nơi chúng có xu hướng trú ngụ trong thận. Sau đó, hy vọng rằng cơ thể sẽ đào thải chúng ra ngoài.