Sóng nhiệt có nguy cơ ảnh hưởng nguồn lương thực toàn cầu

NDO -

NDĐT - Trong một nghiên cứu mới được công bố ngày 9-12 trên tạp chí Biến đổi khí hậu tự nhiên, các nhà khoa học cho thấy các dòng tia đang làm tăng khả năng xảy ra sóng nhiệt trên các khu vực sản xuất thực phẩm chính ở Bắc Mỹ, Tây Âu và châu Á.

Hình ảnh các dòng tia đang luân chuyển ở Bắc Cực. Ảnh; NASA.
Hình ảnh các dòng tia đang luân chuyển ở Bắc Cực. Ảnh; NASA.

Nghiên cứu của họ phát hiện ra rằng các sóng nhiệt đồng thời này làm giảm đáng kể sản lượng cây trồng trên các khu vực đó, tạo ra nguy cơ mất mùa và các hậu quả xã hội sâu rộng khác, bao gồm cả bất ổn xã hội.

Tác giả chính là Tiến sĩ Kai Kornhuber, Khoa Vật lý Đại học Oxford và Viện Trái đất của Đại học Colombia, cho biết: “Sóng nhiệt xảy ra đồng thời sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong những thập kỷ tới nếu khí nhà kính không được giảm nhẹ. Trong một thế giới kết nối, điều này có thể dẫn đến giá thực phẩm tăng và tác động đến nguồn thức ăn ngay cả ở những vùng xa xôi không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sóng nhiệt”.

“Chúng tôi đã tìm thấy sự gia tăng gấp 20 lần nguy cơ sóng nhiệt đồng thời ở các vùng sản xuất cây trồng chính khi tìm hiểu các mô hình gió quy mô toàn cầu. Cho đến bây giờ đây là một lỗ hổng chưa được khám phá trong hệ thống thực phẩm. Chúng tôi đã phát hiện ra rằng, điều này có thể gây ra sự hỗn loạn trên toàn cầu, là tiếng chuông cảnh báo ở nhiều vùng cùng một lúc, và tác động của nó không thể đoán định được.”

Tây Bắc Mỹ, Tây Âu và khu vực Biển Caspi đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi kiểu khí quyển này vì nhiệt và hạn hán xảy ra cùng một lúc làm giảm năng suất sản xuất cây trồng.

Đồng tác giả, Tiến sĩ Dim Coumou, Viện nghiên cứu môi trường, Đại học Vrije Amsterdam cho biết: “Thông thường thu hoạch thấp ở một khu vực dự kiến ​​sẽ được cân bằng khi thu hoạch tốt ở những nơi khác, nhưng những đợt sóng này có thể làm giảm thu hoạch ở nhiều vùng quan trọng, tạo ra rủi ro cho sản xuất thực phẩm toàn cầu.”

Còn theo một đồng tác giả khác, Tiến sĩ Elisabeth Vogel, Đại học Melbourne: “Trong những năm có hai hoặc nhiều tuần hè xảy ra sóng khuếch đại, sản lượng cây ngũ cốc đã giảm hơn 10% ở từng vùng và giảm 4% khi tính trung bình trên tất cả các vùng trồng trọt bị ảnh hưởng bởi mô hình này.”

Đồng tác giả, Tiến sĩ Radley Horton, Đài quan sát trái đất Lamont-Doherty, Đại học Colombia nói: “Nếu các mô hình khí hậu không thể tái tạo các dạng sóng này, các nhà quản lý rủi ro có thể phải đối mặt với điểm mù khi đánh giá sóng nhiệt đồng thời và tác động của chúng có thể thay đổi trong điều kiện khí hậu ấm lên.”

Các nhà khoa học kết luận rằng, sự hiểu biết thấu đáo về những gì thúc đẩy các dòng tia có thể cải thiện dự đoán theo mùa sản xuất nông nghiệp ở quy mô toàn cầu và thông báo đánh giá rủi ro về thất bại thu hoạch trên nhiều vùng sản xuất lương thực.