Ðòn bẩy tăng trưởng cho ngành nông nghiệp

Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp ghi nhận một số tiến bộ vượt bậc, được đánh giá là lĩnh vực duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong dài hạn, đóng góp quan trọng vào GDP cả nước. Trong sự tăng trưởng ấy, khoa học và công nghệ (KH và CN) là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà kính tại tỉnh Bạc Liêu.
Ứng dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà kính tại tỉnh Bạc Liêu.

Đảng và Nhà nước đã xác định, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải dựa vào KH và CN và ưu tiên đầu tư cho KH và CN. Vì thế, trong Nghị quyết 26-NQ/TW chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp là: “Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH - CN, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn. Tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao KH - CN để nông nghiệp sớm đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực...”.

Nhận thức vai trò quan trọng của KH và CN đối với ngành nông nghiệp, thời gian qua, Bộ KH và CN đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về phát triển KH và CN, tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Nổi bật là các chương trình: KH và CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Ðổi mới công nghệ quốc gia; Ðề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Ðề án 844) góp phần thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, nhất là các startup trẻ tuổi trong lĩnh vực nông nghiệp.

KH và CN được ứng dụng nhiều nhất trong khâu chọn tạo giống vật nuôi, cây trồng và kết quả đã đem lại 38% giá trị gia tăng trong sản xuất. Trước đây, Việt Nam phải nhập khẩu hơn 70% các giống cây trồng, vật nuôi, nhưng hiện nay, tỷ lệ còn khoảng 20%. Hằng năm, có khoảng 40 giống mới của các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo được công nhận. Ðáng chú ý, mới đây, giống lúa ST25 do các nhà khoa học trong nước chọn tạo được thế giới biết đến khi được công nhận là “gạo ngon nhất thế giới” tại cuộc thi World’s Best Rice. Ðến nay, có hơn 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới sử dụng giống mới. Tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi cũng thể hiện vai trò quan trọng của KH và CN trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, quy trình quản lý tiên tiến trong chăn nuôi, nhập và chọn tạo các loại giống vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp tiên phong ứng dụng KH và CN, nhất là công nghệ cao để nâng cao năng suất chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Một số doanh nghiệp không chỉ đầu tư nhà máy với dây chuyền hiện đại, mà còn đầu tư các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, đủ điều kiện để thực hiện các nghiên cứu tại doanh nghiệp, giúp nhà khoa học đến với thực tiễn sản xuất nhanh hơn. Nhiều công nghệ mới được áp dụng, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, tăng giá trị xuất khẩu, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà-phê, điều nhân, hạt tiêu, gạo. Năng suất một số vật nuôi, cây trồng cao so với các nước trong khu vực và thế giới, như: lúa cao nhất trong các nước ASEAN, cà-phê đứng thứ hai trên thế giới, hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao-su đứng thứ hai trên thế giới, cá tra cao nhất thế giới.

Ðể nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa ngành nông nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được xây dựng kịp thời. Ðã có 462 tiêu chuẩn quốc gia và 142 quy chuẩn quốc gia phục vụ quản lý sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Hiện nay, thực hiện Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ KH và CN đang phối hợp các đơn vị để nghiên cứu công nghệ mới, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Ðến nay, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam đã được hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Kết quả đó là nhờ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, với sự hỗ trợ chi phí, hướng dẫn các thủ tục để các địa phương đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các nông sản.

Mặc dù hệ thống chính sách về KH và CN đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao và đổi mới công nghệ, tuy nhiên, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bộ KH và CN cho rằng, KH và CN chưa phát huy hết vai trò, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế. Bộ KH và CN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn, nhằm khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng KH và CN vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ðồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình nông thôn miền núi, Chương trình KH và CN quốc gia nhằm thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản quy mô lớn; đẩy mạnh gắn kết nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, người sản xuất, ngân hàng với thị trường tiêu thụ, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.