Núi lửa đang hoạt động trên sao Kim

NDO -

Ngoài bầu không khí độc hại và nhiệt độ nóng chảy của chì, nghiên cứu mới cho thấy sao Kim, hành tinh thứ hai trong hệ mặt trời, có thể có ít nhất hàng chục ngọn núi lửa đang hoạt động. 

Ngọn núi lửa hình khiên khổng lồ mang tên Maat Mons trên bề mặt sao Kim có thể là một ngọn núi lửa hoạt động. Ảnh: NASA.
Ngọn núi lửa hình khiên khổng lồ mang tên Maat Mons trên bề mặt sao Kim có thể là một ngọn núi lửa hoạt động. Ảnh: NASA.

Sao Kim hay Kim tinh, còn gọi là sao Thái Bạch, Thái Bạch Kim tinh, là hành tinh thứ hai trong hệ mặt trời, tự quay quanh nó với chu kỳ 224,7 ngày Trái đất.

Trong bài báo được xuất bản hôm thứ Hai, 20-7, trên tạp chí Nature Geoscience,  Giáo sư địa chất Laurent Montési, Đại học Maryland cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể chỉ ra các cấu trúc cụ thể và nói: “Hãy nhìn xem, đây không phải là một ngọn núi lửa cổ đại mà là một núi lửa của thời hiện tại, có lẽ không hoạt động, nhưng không chết".

Ông nói thêm: "Nghiên cứu này thay đổi đáng kể quan điểm về sao Kim từ một hành tinh hầu hết không còn hoạt động sang một hành tinh mà bên trong vẫn đang đảo lộn và tiềm ẩn nhiều núi lửa đang hoạt động".

Núi lửa đang hoạt động trên sao Kim -0
Sự tái hiện 3D cho thấy hai cấu trúc hình bầu dục được quan sát trên bề mặt sao Kim. Các cấu trúc này giống như chiếc nhẫn được hình thành khi vật chất nóng từ sâu bên trong hành tinh trồi lên qua lớp phủ và phun trào qua lớp vỏ. Ảnh: Laurent Montési. 

Ông Montési cho biết, nghiên cứu đã xác định 37 "cấu trúc núi lửa đang hoạt động gần đây" trên sao Kim.

Các hành tinh có hoạt động địa chất có xu hướng trở thành ứng cử viên tốt hơn cho khả năng sinh sống, bởi vì lõi nóng chảy cũng có thể cung cấp năng lượng cho từ trường để làm chệch hướng bức xạ từ mặt trời và không gian. 

Thường các nghiên cứu vũ trụ đang nhắm đến những hành tinh đó, còn sao Kim là nơi bị bỏ rơi, là hành tinh hiếm hoi không tạo ra từ trường bên trong.

Các nhà khoa học đã biết có bằng chứng về hoạt động của núi lửa trên sao Kim trong một thời gian, nhưng người ta cho rằng đó có thể là tàn dư của hoạt động cổ đại. 

Giáo sư Montési và các đồng nghiệp đã sử dụng mô hình 3D mô tả hoạt động dưới bề mặt sao Kim để xem xét các đặc điểm trên bề mặt hành tinh theo cách mới, giúp họ xác định các điểm núi lửa có khả năng hoạt động. 

Nhóm nghiên cứu hy vọng các nhiệm vụ trong tương lai tới sao Kim có thể có cái nhìn rõ hơn về bản chất phun trào của nó. Nhưng có thể phải mất một thời gian, vì nhiều chương trình không gian hiện nay đang nhắm tới sao Hỏa.

Tuy nhiên, tàu vũ trụ BepiColombo đang bay quanh sao Thủy sẽ thực hiện vài chuyến bay qua sao Kim trong 13 tháng tới. Vì vậy, chúng ta sẽ sớm biết điều gì đang diễn ra trên hành tinh thứ hai trong hệ mặt trời.