Mở ra hướng nghiên cứu toàn diện về chiến thắng Bạch Đằng

Mới đây, Viện Khảo cổ học Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tiến hành khai quật Di tích bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên). Từ kết quả khảo cổ ban đầu kết hợp yếu tố lịch sử, các nhà khảo cổ học cho rằng, bãi cọc Cao Quỳ có khả năng là những chứng tích lịch sử của cha ông ta liên quan trận chiến lần thứ ba đánh thắng quân xâm lược trên sông Bạch Đằng năm 1288.

Các nhà khoa học khảo sát bãi cọc Cao Quỳ.
Các nhà khoa học khảo sát bãi cọc Cao Quỳ.

Đầu tháng 10, ông Nguyên Tuân Triệu, người dân thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê khi làm đồng đã bất ngờ phát hiện hai cọc gỗ được chôn sâu dưới lòng đất. Nhận định đây là cọc gỗ lâu đời, ông đã báo chính quyền. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn của TP Hải Phòng cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam và các ngành có liên quan nhanh chóng vào cuộc. Việc giám định các mẫu vật được triển khai và cho kết quả là các cọc gỗ này có niên đại vào những năm 1270-1430, trùng khớp với thời gian của trận thủy chiến Bạch Đằng lần thứ ba (năm 1288) của quân và dân nhà Trần. Việc khai quật khảo cổ được tiến hành trên diện tích 950 m2, các nhà khoa học đã phát hiện 27 cọc. Các cọc dài khoảng ba đến bốn mét, mầu nâu đen, thân hình trụ tròn, một phần còn nhẵn bóng, hơi vát nghiêng và đóng vào lớp phù sa mầu hồng... Các cọc phân bố so le, không thẳng hàng, trên các cọc có ngoàm dùng để luồn dây kéo hoặc mộng ở giữa cọc để giằng ngang.

Theo người dân địa phương, các cọc nêu trên đều trong nhóm “tứ thiết”, có thể là gỗ sến nhựa và gỗ lim. Theo tài liệu lịch sử, mảnh đất Liên Khê xưa thuộc tổng Trúc Động, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Nơi đây còn lưu truyền nhiều câu chuyện, huyền tích lịch sử về những chiến thắng chống quân xâm lược phương Bắc, trong đó có chiến thắng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lấy Trúc Động làm căn cứ để tiến ra cửa sông Bạch Đằng, sông Chanh tiêu diệt và bắt sống đạo quân thủy binh của đế quốc Nguyên Mông. Dựa trên kết quả khảo sát khảo cổ học kết hợp các tài liệu lịch sử, văn hóa dân gian… còn lưu giữ tại địa phương, các nhà khoa học bước đầu nhận định, di tích bãi cọc Cao Quỳ có khả năng liên quan chiến trường Bạch Đằng năm 1288. Lịch sử cổ trung đại Việt Nam còn ghi, vào thế kỷ thứ 10, thế kỷ thứ 13, trên dòng sông Bạch Đằng đã diễn ra ba trận thủy chiến ác liệt chống quân xâm lược phương Bắc, gắn liền với thiên tài quân sự của ba vị Anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo. Những kỳ tích đó càng làm cho dòng sông Bạch Đằng trở nên linh thiêng, huyền bí và thu hút sự quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và các nhà sử học Việt Nam từ xưa tới nay.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan, người có hàng chục năm gắn bó với cổ sử, đã về Hải Phòng, tận mắt chứng kiến bãi cọc. Chiến thắng Bạch Đằng Giang lần thứ ba đã dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của quân và dân nhà Trần, phá tan âm mưu xâm chiếm Đại Việt của nhà Nguyên và chặn đứng con đường chinh phạt xuống Đông - Nam Á của đế quốc Nguyên Mông được coi là hùng cường khi đó… Bãi cọc được tìm thấy gần di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, mở ra hướng nghiên cứu toàn diện về chiến thắng Bạch Đằng, bổ sung đầy đủ hơn cho lịch sử nước nhà.

PGS, TS Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, thành viên nhóm khai quật di tích, cho biết, những di tích lịch sử về văn hóa Đông Sơn tại huyện Thủy Nguyên cùng với các “mốc chứng” lịch sử và cứ liệu khoa học về niên đại xác định các mẫu vật đã góp phần bổ sung thêm cứ liệu trong nhận định bước đầu về trận chiến Bạch Đằng năm 1288 trên mảnh đất này. Theo đó, có thể nhận định bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần ba (năm 1288). Khi đó, để ngăn chặn quân Nguyên Mông không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn mà buộc quân Nguyên Mông đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của quân và dân nhà Trần, nhấn chìm toàn bộ quân xâm lược dưới lòng sông Bạch Đằng. Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, di tích nơi đây chứa đựng “tài nguyên văn hóa” lớn, cần được bảo tồn, công nhận và quy hoạch phát triển thành một công viên, quần thể di tích, vừa bảo tồn, vừa khai thác phát huy giá trị di tích…

Để xác định chính xác giá trị của di tích lịch sử vừa phát lộ, các nhà khoa học, nhất là trong lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, địa chất, văn hóa… còn phải tiếp tục nhiều công việc để có thể làm sáng tỏ những điều còn ẩn giấu trong lòng đất; giúp các thế hệ sau hiểu đầy đủ và tổng thể về những chiến thắng vĩ đại của cha ông trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước… Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng khẳng định, Hải Phòng sẽ quyết tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử này. Đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ có ý nghĩa lịch sử đơn thuần mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống to lớn trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển thành phố vững mạnh, là điểm sáng trong việc phát huy, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc.