Máy thở "made in Việt Nam"

Những lo lắng ban đầu

Trước đại dịch cúm gia cầm bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15-10-2005 về tập trung triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hoạt động khẩn cấp phòng chống dịch khi xảy ra dịch cúm gia cầm. Trung tâm Công nghệ laser được giao nhiệm vụ thực hiện đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy thở sơ cứu bệnh nhân H5N1 tại tuyến huyện" trong thời gian ba tháng (từ 10-11-2005 đến 30-1-2006) do TS. Trần Ngọc Liêm, Giám đốc trung tâm làm Chủ nhiệm đề tài.

Khi nhận đề tài, TS. Lê Đình Nguyên - Phó Giám đốc trung tâm cho biết: Trung tâm nhanh chóng chia thành hai nhóm nghiên cứu, chế tạo thử hai loại máy mẫu. Nhóm 1 do kỹ sư Lê Huy Tuấn đảm nhiệm (với mẫu CPAP VN 1) và nhóm 2 do kỹ sư Lê Mạnh Tuấn (với mẫu CPAP VN2).

Là người thực thi mẫu máy thở 2, kỹ sư Lê Mạnh Tuấn cho biết: Do đặc trưng của máy thở là sử dụng trên bệnh nhân có sức khỏe yếu và rất yếu, trong quá trình thao tác, vận hành, bất kể một lỗi nào của nhà thiết kế, sản xuất đều gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Vì thế khi nhận thực hiện đề tài, chúng tôi không biết mình có đảm đương được không vì yêu cầu về thời gian rất gấp, hơn nữa kiến thức của các nhà khoa học về loại máy này vào thời điểm đó còn ít ỏi, chưa hình dung được chức năng máy thở ra sao và nên làm loại gì cho phù hợp.

Thành công đã không phụ lòng người

Bằng sự tìm tòi, học hỏi và sự năng động, sáng tạo, các nhà khoa học đã cùng nhau nghiên cứu thiết kế, ghép nối các linh kiện và tạo ra một phần mềm thông minh cho máy hoạt động. Với mẫu máy thở CPAP VN2 có thể cung cấp áp lực dương liên tục điều chỉnh được từ 4cm H2O đến 20cm H2O, có thể làm việc sau khi nguồn điện đã bị cắt ít nhất 3 giờ; máy có hai mức báo động: mức cao (báo khi có nguy hiểm cho bệnh nhân), mức thấp (báo khi có sai sót trong quá trình thao tác, sử dụng nhưng chưa gây nguy hiểm trực tiếp cho bệnh nhân).

Ngoài ra còn có các loại cảnh báo: tuột mặt nạ, hở mặt nạ, sốc áp lực, quá áp lực... Điều đặc biệt quan trọng là máy có thể thông báo và tự động lưu lại tất cả các thông số, sự cố, sai sót trong quá trình điều trị, giúp bác sĩ có thể theo dõi và kiểm tra lại quá trình điều trị của mình.

Ngoài bộ phận trợ thở, mẫu thiết kế của các nhà khoa học Trung tâm Công nghệ laser còn có thêm bộ phận diệt khuẩn khí thì thở ra để làm sạch vi khuẩn trong khí thở ra của bệnh nhân trước khi ra môi trường bên ngoài. Bộ phận này do nhóm các nhà khoa học: GS. Trần Xuân Hoài và GS. Phí Hòa Bình (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu, sản xuất.

Như vậy, trong gần ba tháng làm việc miệt mài, các nhà khoa học đã thành công trong việc nghiên cứu, chế tạo và cho ra đời hai loại mẫu máy thở "made in Việt Nam". Được biết tới đây, máy sẽ được đưa xuống Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ sở y tế để thử nghiệm lâm sàng.

Lời kết

Theo thạc sĩ. Nguyễn Minh Tuấn - Vụ phó Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế thì đây mới là thắng lợi bước đầu. Bước tiếp theo cần phải có tiêu chí thử nghiệm lâm sàng chặt chẽ trên động vật, trên người để đánh giá được tính năng kỹ thuật và chất lượng của máy. Để biến sản phẩm nghiên cứu thành sản phẩm thương mại cần có cơ sở sản xuất tiêu chuẩn về chất lượng, về quy trình sản xuất... và làm thế nào để có thể sản xuất toàn bộ một cách chủ động.