Lần đầu tiên “nuôi cấy” thịt bò thành công trên trạm vũ trụ

NDO -

NDĐT - Lần đầu tiên các nhà du hành vũ trụ đã tạo thành công thịt trong không gian. Không có động vật nào bị giết trong quá trình tạo ra "thịt bò không gian" được in 3D này.

Mô thịt in sinh học từ các tế bào bò.
Mô thịt in sinh học từ các tế bào bò.

Thực phẩm trong vũ trụ nổi tiếng đơn điệu, nhưng công nghệ mới đang cách mạng hóa từ từ trong việc ăn uống của các nhà du hành. Nếu như ban đầu các nhà du hành vũ trụ ăn thực phẩm đựng trong các ống như ống kem đánh răng, thì ngày nay, các nhà du hành đã được ăn uống thoải mái kem lạnh và hoa quả tươi, và nêm nếm bữa ăn của họ bằng nước muối và hạt tiêu.

Tuy vậy, thực phẩm trên không gian vẫn còn những điểm hạn chế về chủng loại vì thực phẩm phải ở trạng thái vi trọng lượng. Lấy ví dụ, bất kỳ loại thực phẩm nào tạo ra những mảnh vụn đều rất nguy hiểm vì những mảnh vụn này có thể làm tắc nghẽn hệ thống điện hoặc hệ thống lọc khí. Hơn nữa, thực phẩm cũng phải có thời gian sử dụng dài hơn, đề phòng việc tiếp tế bị gián đoạn.

Vì thế các công ty công nghệ đang thử nghiệm các phương pháp để có thể nuôi trồng thực phẩm ngay trên các con tàu vũ trụ. Cuối tháng 8 vừa qua, Aleph Farms, một công ty công nghệ thực phẩm của Israel lần đầu tiên đã tiến hành giám sát việc nuôi cấy thịt trong không gian với sự trợ giúp của máy in 3D.

Nuôi cấy thịt trong không gian nhanh hơn trên mặt đất

Cuộc thử nghiệm này không phải là mới, Aleph Farms đã từng nấu các miếng bít tết được nuôi lớn lên trong phòng thí nghiệm vào cuối năm 2018, nhưng thử nghiệm mới này cho thấy thịt hoàn toàn có thể nuôi trong mọi môi trường khắc nghiệt.

Để tạo ra thịt trong phòng thí nghiệm, Aleph Farms đã chiết xuất các tế bào từ một con bò qua một mẫu sinh thiết nhỏ. Các tế bào được đặt vào một “nước nuôi” gồm các chất dinh dưỡng tương tự như môi trường bên trong một con bò. Từ đây, họ đã nuôi lớn được một miếng bít-tết mỏng. Những người đã từng thưởng thức thực phẩm này cảm nhận rằng thịt nuôi cấy là đã mô phỏng được kết cấu và hương vị của thịt bò truyền thống.

“Chúng tôi là công ty duy nhất có đủ năng lực để làm cho thịt có đầy đủ kết cấu bao gồm các sợi cơ và mạch máu, tất cả các thành phần có thể cung cấp các cấu trúc cần thiết và kết nối cho các mô”, CEO của Aleph và là đồng sáng lập, Didier Toubia, đã nói như vậy. Nhưng để tạo ra thịt trong vũ trụ, Aleph Farms đã thay đổi một chút quy trình.

Lần đầu tiên “nuôi cấy” thịt bò thành công trên trạm vũ trụ ảnh 1

Nhà du hành vũ trụ Oleg Skripochka thực hiện thí nghiệm "bò bít tết được nuôi cấy" trên Trạm vũ trụ quốc tế vào ngày 26-9.

Đầu tiên, họ đưa các tế bào thịt bò và dung dịch nuôi dưỡng trong một lọ kín. Sau đó, họ đưa các lọ này vào tàu vũ trụ Soyuz MS-15 ở Kazakhstan. Ngày 25-9, tàu vũ trụ, trong phần việc do Nga đảm nhiệm, đã phóng lên trạm ISS, có quỹ đạo bay quanh trái đất ở độ cao 400 km. Khi các lọ kín này đến ISS, các nhà du hành vũ trụ Nga đã đưa chúng vào một máy in từ của công ty 3D Bioprinting Solutions đến từ Nga.

Máy in này đã tái tạo các tế bào để tạo ra mô cơ (hay là thịt). Các nhà du hành vũ trụ đã không tiêu thụ các mẫu này mà đưa chúng trở lại trái đất vào ngày 3-10.

“Thí nghiệm này là bằng chứng rõ ràng về việc thịt có thể tạo ra trong bất kỳ môi trường nào”, Grigoriy Shalunov, một người điều hành dự án của công ty 3D Bioprinting Solutions nói. Ông cũng cho rằng trong tương lai, công ty hy vọng có thể cung cấp một nguồn protein cho các nhiệm vụ ở sâu trong vũ trụ và ở các căn cứ ban đầu trên mặt trăng và sao Hỏa.

Quy trình in sinh học 3D thịt bò trong không gian còn dễ dàng và nhanh chóng hơn thử nghiệm trên trái đất. Sự trưởng thành của các cơ quan và mô được in bằng không trọng lực tiến hành nhanh hơn nhiều so với điều kiện trọng lực của trái đất. Mô được in đồng thời từ mọi phía, giống như tạo ra một quả cầu tuyết, trong khi hầu hết các máy in sinh học khác tạo ra từng lớp.

Đây không phải là thí nghiệm đầu tiên để tạo ra thực phẩm trong vũ trụ. Năm 2015, các phi hành gia đã nuôi trồng rau diếp romaine trên trạm ISS.

Mở ra cơ hội có thịt ở những vùng đất khan hiếm

Với khả năng in thịt ở trạng thái vi trọng lượng không chỉ là tin tốt với các phi hành gia. Nó còn cho thấy các công ty có thể in thịt ở những nơi có môi trường khắc nghiệt trên thế giới, đặc biệt là ở những nơi khan hiếm đất và nước.

Thông thường, để sản xuất ra được một miếng thịt bít tết có khối lượng 1 kg giống như loại được bày bán ở siêu thị cần đến gần 20 nghìn lít nước. Nhưng thịt được nuôi cấy này chỉ sử dụng lượng nước và đất ít hơn 10 lần so với nông nghiệp truyền thống. Thậm chí, thịt nuôi cấy này còn được sản xuất nhanh hơn, Aleph Farms gọi đây là “bít-tết phút” vì nó chỉ mất một vài phút để nấu.

Lần đầu tiên “nuôi cấy” thịt bò thành công trên trạm vũ trụ ảnh 2

Món bít tết không giết mổ của Aleph Farms.

Hiện nay, nhu cầu sản xuất thêm nhiều thực phẩm trong khi phải bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Một báo cáo của Hội đồng liên chính phủ của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu cho thấy ngành công nghiệp thực phẩm của chúng ta, bao gồm cả đất đai và nguồn tài nguyên cần thiết để chăn nuôi, đã thải ra đến 37% tổng lượng khí nhà kính. Và như tuyên bố của Aleph Farms, thí nghiệm nuôi cấy thịt trong không gian đã trực tiếp đối diện với vấn đề này.

Theo Aleph Farm: “Đã đến lúc cần chấm dứt những đối đầu trên thế giới. Cần tập hợp lại và đoàn kết để cùng phát triển khoa học để giải quyết khủng hoảng khí hậu và an ninh lương thực. Chúng ta có cùng chung một thế giới”.