Làm thế nào để xây dựng ngành công nghiệp vũ trụ ở Việt Nam?

NDO -

NDĐT – Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 137/2006/QĐ-TTg ngày 14-6-2006 về “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”. Năm nay là năm cuối cùng của chiến lược 15 năm phát triển công nghệ vũ trụ. Nhân Dân điện tử đã có cuộc phỏng vấn TS Bùi Trọng Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về vấn đề này.

TS Bùi Trọng Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ.
TS Bùi Trọng Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ.

PV: Thưa TS, xin ông đánh giá về sự phát triển của công nghệ vũ trụ Việt Nam trong 15 năm qua? Những điểm nhấn, thành tựu quan trọng của công nghệ vũ trụ Việt Nam là gì?

TS Bùi Trọng Tuyên: Sau gần 15 năm triển khai Chiến lược, đến nay, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ đã được phát triển tại nhiều ngành, trong đó phát triển mạnh nhất là tại các Bộ, cơ quan thành viên Ủy ban Vũ trụ Việt Nam gồm Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Cùng với sự phát triển công nghệ vũ trụ trên toàn thế giới, việc ứng dụng cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh cho các ngành đã được mở rộng tại Việt Nam và thường xuyên được triển khai trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tài nguyên, môi trường, quốc phòng và an ninh… ở hầu khắp các vùng miền của Tổ quốc, từ các vùng núi cao biên giới đến các vùng hải đảo xa xôi thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Chúng ta đã lan tỏa được việc ứng dụng công nghệ vũ trụ trong các ngành, phổ cập từ lãnh đạo cấp trung ương đến cấp huyện, tỉnh. Đó có thể gọi là thành công.

Hầu hết các trường đại học chuyên ngành khoa học tự nhiên, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, quốc phòng… trên cả nước đều có chuyên ngành đào tạo bộ môn Viễn thám và đều sử dụng thường xuyên các ảnh vệ tinh quang học, vệ tinh môi trường, vệ tinh rada...

Về điểm nhấn, cái được nhất chính là nhận thức về vai trò của công nghệ vũ trụ trong xã hội được nâng lên, trong cả hệ thống từ lãnh đạo, nhà quản lý đến người dân. Một trong những ứng dụng phổ cập nhất được sử dụng trong thời gian vừa qua đó là ứng dụng GPS trong việc dẫn đường, đó là công nghệ sử dụng dữ liệu từ vệ tinh. Theo tôi đó là ứng dụng thành công nhất của công nghệ vũ trụ, qua đó người dân có thể nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ vũ trụ. Ban đầu chỉ có Mỹ làm hệ thống dẫn đường, sau đó, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn độ cũng muốn có hệ thống GPS riêng. Hiện nay, hệ thống dẫn đường qua GPS của Google đã phổ biến đến mức không chỉ chúng ta mà gần như tất cả các nước đều sử dụng.

15 năm qua, Việt Nam đã đạt những thành tựu cụ thể như phóng vệ tinh viễn thông VINASAT-1 và 2 vào năm 2008, 2012, phóng vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam VNREDSAT-1 vào năm 2013. Gần đây nhất, ngày 18-1-2019, vệ tinh MicroDragon do Việt Nam thiết kế, chế tạo đã được phóng lên quỹ đạo tại Nhật Bản. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tiến tới làm chủ công nghệ vệ tinh quan sát trái đất, viễn thông của Việt Nam, phục vụ thương mại. Đó là những nét chấm phá ban đầu.

Ngoài việc phóng vệ tinh, chúng ta cũng đã làm chủ được quá trình vận hành khai thác một cách trọn vẹn hệ thống vệ tinh viễn thám cũng như khai thác hiệu quả các vệ tinh viễn thông đã phóng. Đặc biệt việc nâng cao vị thế của Việt Nam, đánh dấu mốc chủ quyền của Việt Nam trong không gian vũ trụ, đó đều là những vấn đề hết sức quan trọng chúng ta đã đạt được trong giai đoạn vừa qua.

Làm thế nào để xây dựng ngành công nghiệp vũ trụ ở Việt Nam? ảnh 1

TS Bùi Trọng Tuyên tại một cơ sở nghiên cứu công nghệ vũ trụ của Nhật Bản.

PV: Vậy theo ông, còn những gì chúng ta chưa làm được trong gần 15 năm qua?

TS Bùi Trọng Tuyên: Cho đến giờ thì chúng ta đã làm được khá nhiều nhưng để tuyệt đối thì chưa. Ngay trong chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ 2006-2020, chúng ta còn muốn làm được nhiều hơn. Như việc phóng từ 2-3 vệ tinh quan sát trái đất thì đến năm 2020 mới chỉ phóng được một vệ tinh viễn thám đầu tiên. Ngoài ra, chúng ta phóng thêm được một số vệ tinh cỡ nhỏ phục vụ việc nghiên cứu đào tạo. Trong năm nay khó có thể để chúng ta hoàn thành mục tiêu phóng 2-3 vệ tinh viễn thám đã đặt ra trước đó.

PV: Lý do tại sao chúng ta không hoàn thành mục tiêu này, thưa ông?

TS Bùi Trọng Tuyên: Nguyên nhân có nhiều, nhưng đúc kết lại nó bao gồm tổng hợp của nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất, xuất phát từ việc cần nâng cao nhận thức của người sử dụng. Tuy nhiên, cơ chế chính sách để khuyến khích người dùng sử dụng chưa nhiều, việc sử dụng hay không sử dụng cũng chưa bắt buộc. Các bộ, ngành cũng chỉ mới khuyến khích sử dụng chứ chưa có cơ chế ràng buộc. Thứ hai, nguồn lực đầu tư cả về nhân lực, đào tạo nhân lực và cả nguồn kinh phí cũng chưa tương xứng để áp dụng một cách rộng rãi hơn. Vì thế, việc phóng tiếp các vệ tinh khác thì vẫn còn phải xem xét về tính hiệu quả. Việc phóng các vệ tinh quan sát trái đất về hiệu quả định tính thì rõ ràng nhưng định lượng thì chưa rõ. Vì chưa thể chứng minh được ngay nó có hiệu quả một cách tuyệt đối nên vẫn trong quá trình cân nhắc. Kế hoạch phóng cũng đưa lên nhiều nhưng chưa được duyệt.

Ngoài ra, trước tới nay chúng ta thường sử dụng nguồn vốn viện trợ ODA từ nước ngoài. Năm 2016, Việt Nam đã thoát nghèo, trong khi chúng ta đặt ra chiến lược này khi đang ở giai đoạn thu nhập thấp. Giờ đây, các nước cũng không còn ưu đãi, khuyến khích chúng ta sử dụng nguồn vốn ODA trong phát triển kinh tế, trong đó có việc phóng vệ tinh. Vì thế, việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn hơn. Mặt khác chủ trương của Đảng, Nhà nước ta cũng hạn chế vay vốn ODA nói chung, không chỉ riêng trong công nghệ vũ trụ. Trong bối cảnh đó, việc sắp xếp lại nguồn lực tài chính để phát triển công nghệ vũ trụ cũng chưa có hướng đi rõ nét.

Làm thế nào để xây dựng ngành công nghiệp vũ trụ ở Việt Nam? ảnh 2

Hai quả vệ tinh Vinasat đang được khai thác hiệu quả trên không gian vũ trụ.

PV: Vậy giai đoạn tiếp theo, chúng ta phải làm những gì để phát triển việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ, thưa ông?

TS Bùi Trọng Tuyên: Để phát triển trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam phải kiện toàn tổ chức là một hệ thống điều phối vận hành thống nhất trong cả nước về công nghệ vũ trụ, cùng với xây dựng cơ chế chính sách. Đặc biệt, cần sớm nghiên cứu xây dựng và phê duyệt chiến lược vũ trụ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đó là điều kiện tiên quyết đầu tiên. Hiện nay, Chính phủ đang giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xây dựng chiến lược. Chiến lược đó ra đời sẽ chuẩn bị một cách chu đáo về hành lang để tạo điều kiện phát triển những nhánh khác trong công nghệ vũ trụ.

Một trong những điểm quan trọng nữa là đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho công nghệ vũ trụ, không chỉ tập trung vào nguồn lực nhà nước thông qua nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này không phải chỉ một sớm một chiều.

PV: Việc xã hội hóa nguồn lực thường dựa trên việc đầu tư đó có thu lợi hay không. Vậy theo ông, làm sao để thu hút các nguồn lực đầu tư cho công nghệ vũ trụ?

TS Bùi Trọng Tuyên: Đầu tư cho công nghiệp vũ trụ ở các nước phát triển như Pháp không thu lại lợi nhuận và vẫn phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Tất cả các nước đều thế, tuy nhiên mức độ hỗ trợ của nhà nước ít hay nhiều khác nhau tùy thuộc vào việc sử dụng của xã hội. Còn để tự hạch toán kinh doanh 100% thì chưa nước nào làm được.

Để kêu gọi xã hội hóa thì nhà nước cần có chính sách miễn giảm thuế cho những doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này. Bên cạnh đó nhà nước vẫn phải đầu tư để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong công nghệ vũ trụ.

Việc khai thác khoảng không vũ trụ để mang lại lợi ích lâu dài, còn hiện tại thì tất cả các nước đều chưa hoàn được vốn.

Làm thế nào để xây dựng ngành công nghiệp vũ trụ ở Việt Nam? ảnh 3

Vệ tinh MicroDragon đã phóng thành công vào 8 giờ 55 phút (giờ Hà Nội) ngày 18-1-2019.

PV: Việc đưa Việt Nam chuyển hướng từ công nghệ vũ trụ sang một ngành công nghiệp vũ trụ liệu có quá xa vời không, thưa ông?

TS Bùi Trọng Tuyên: Hiện tại chúng ta mới dừng ở ngành công nghệ vũ trụ. Chúng tôi mới chỉ đề xuất làm thế nào để xây dựng ngành công nghiệp vũ trụ ở Việt Nam, còn bây giờ Chính phủ chưa có chủ trương gì cả.

Giai đoạn vừa qua chúng ta mới chỉ đi sâu nghiên cứu ứng dụng, áp dụng công nghệ vũ trụ. Còn giai đoạn tiếp theo, chúng ta cần đi sâu nghiên cứu công nghệ vũ trụ. Mặc dù chúng ta đã bắt đầu có những nhóm nghiên cứu sản xuất vệ tinh nhưng chưa được chú trọng và nguồn vốn cũng hạn hẹp nên chưa đầu tư được một cách tập trung. Trong giai đoạn tới hy vọng việc đầu tư cho công nghệ vũ trụ sẽ tập trung hơn, cùng sự đa dạng hóa nguồn lực sẽ xây dựng được những trung tâm lớn nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ vũ trụ. Đó có thể là tiền đề để bước sang giai đoạn tiếp theo là có ngành công nghiệp vũ trụ.

Các nước cũng đều phải xây dựng những trung tâm tập trung quy mô lớn chuyên sâu. Công nghệ thông tin có thể đi từ những nhóm startup nhỏ, nhưng công nghệ vũ trụ không thể đi từ những nhóm nhỏ thế được. Quy mô thiết bị đầu tư rất nhiều, cần ở quy mô quốc gia hoặc tập đoàn công nghệ lớn.

PV: Trân trọng cảm ơn TS Bùi Trọng Tuyên!